Mặc dù bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính do gây ô nhiễm môi trường, đồng thời, yêu cầu di dời ra khỏi khu dân cư nhưng hơn 1 năm nay, cơ sở thu mua, tái chế phế liệu nhựa Hải Mây, ở xã Bảo Đài vẫn ngang nhiên hoạt động, người dân bức xúc.
Gây ô nhiễm môi trường
Cơ sở thu mua, tái chế phế liệu nhựa Hải Mây (gọi tắt là cơ sở Hải Mây) nằm trong khu dân cư thôn An Thuẫn, do ông Nguyễn Ngọc Hải là người đại diện pháp luật, được UBND huyện Lục Nam (Bắc Giang) cấp giấy phép kinh doanh từ năm 2015. Cơ sở có 2 phân xưởng, tổng diện tích 1.336,8m2. Trong quá trình hoạt động, hai phân xưởng thu mua, tái chế phế liệu nhựa nằm trong khu dân cư, gần với nhiều hộ dân nên gây tiếng ồn và ô nhiễm nước thải.
Cuối năm 2017, một số hộ dân và UBND xã Bảo Đài thống nhất tạo điều kiện cho cơ sở tiếp tục hoạt động, và phải chuyển di dời sang một vị trí khác trước ngày 30/8/2018, trong quá trình hoạt động ông Hải phải khắc phục tiếng ồn.
Trước đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Nam phối hợp với Trung tâm công nghệ và Xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học) tiến hành lấy mẫu nước thải, mẫu khí tại 2 cơ sở mang đi phân tích. Kết quả, tiếng ồn tại phân xưởng 1 vượt 1,02 lần; phân xưởng 2 vượt 1,04 lần quy chuẩn cho phép. Nhiều thành phần trong nước thải cả hai phân xưởng vượt quy chuẩn cho phép.
Ngày 26/12/2017, UBND huyện Lục Nam ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với ông Hải. Với hai lỗi về tiếng ồn và nước thải sản xuất, ông Hải bị phạt mỗi lỗi 3.000.000 đồng, tổng số tiền bị xử phạt hành chính là 6.000.000 đồng. Đồng thời, yêu cầu ông Hải di dời địa điểm hoạt động sản xuất theo đúng thời gian đã cam kết. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động mà chưa di dời ra bên ngoài.
Người dân tiếp tục “chịu trận”
Ngày 27/9/2018, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bắc Giang) đã làm việc với đại diện UBND xã Bảo Đài, hộ kinh doanh Nguyễn Ngọc Hải về phản ánh của nhân dân về tình trạng cơ sở Hải Mây gây tiếng ồn, xả nước thải gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.
Trong biên bản làm việc, ông Hải cam kết sẽ tạm dừng hoạt động cho đến khi tìm vị trí mới xa khu dân cư. Cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hoàn thiện đầy đủ các giấy tờ, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép.
Ông Hải cam kết là vậy. Tuy nhiên, ngày 10/10/2018, cơ sở này vẫn hoạt động bình thường như chưa có việc gì xảy ra.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Hữu Thực, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Đài cho biết, việc người dân phản ánh cơ sở tái chế nhựa của gia đình anh Hải gây tiếng ồn, nguồn nước ô nhiễm là đúng. Tháng 4/2018, thôn An Thuẫn tiến hành lấy ý kiến nhân dân chuyển cơ sở này ra vị trí cách phân xưởng hiện tại khoảng 1km, đa số người dân đồng ý. Nhưng, hiện nay, người dân lại không đồng ý vì sợ gây ô nhiễm ruộng canh tác của nhân dân.
Theo ông Hoàng Đình Giang, Phó trường phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Nam, trước dấu hiệu ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế nhựa của hộ ông Hải, phòng đã thuê đơn vị quan trắc, phân tích tiếng ồn, nước thải. Kết quả, cơ sở vi phạm đã bị huyện xử phạt vi phạm hành chính 6.000.000 đồng. Gần đây nhất, nhận được phản ánh của nhân dân, huyện đã xuống làm việc trực tiếp với xã và chủ hộ, chủ trương của huyện là chủ cơ sở không được thu mua phế liệu mới về, chỉ tái chế hết số lượng phế liệu còn lại tại xưởng, yêu cầu tạm dừng trước ngày 30/11/2018.
Đến ngày 10/10/2018, tại 2 phân xưởng của ông Hải vẫn còn khoảng 30 tấn phế liệu, đang được tái chế cho đến khi hết và sẽ tạm dừng trước ngày 30/11/2018. Như vậy, trong khoảng 1 tháng nữa, người dân sống xung quanh vẫn tiếp tục bị “đầu độc” bởi tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước mà cơ sở này gây ra.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về cơ sở này.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.