Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 10 năm 2020 | 15:43

Cơ sở thực tiễn và động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam: Kinh tế VAC

Nông nghiệp tuần hoàn đang trở thành một chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Liên minh châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

t16.JPG
Một mô hình VACR tại vùng Tây Bắc.

 

Nông nghiệp tuần hoàn: Tương lai của nông nghiệp

Rác thải, ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên, nguyên liệu cạn kiệt và biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp thế giới. Mặc dù vậy, theo dự báo của Tổ chức Lương - Nông  Liên Hiệp quốc (FAO), để nuôi sống số dân khoảng 9,5 tỷ người vào năm 2050, nông nghiệp thế giới phải sản xuất nhiều hơn 70% lượng lương thực, thực phẩm so với hiện nay. Trước những vấn đề nêu trên, nhiều quốc gia đã lựa chọn mô hình phát triển nông nghiệp mới, đó là nông nghiệp tuần hoàn.

Nông nghiệp tuần hoàn (Circular agriculture) là quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải hoặc không có chất thải ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn của nền kinh tế tuần hoàn tuần hoàn so với nền kinh tế truyền thống (còn gọi là kinh tế tuyến tính - liner economy) khi người sản xuất chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa năng suất, sản lượng, vứt bỏ sau tiêu thụ, tạo ra một lượng phế thải lớn, gây ô nhiễm môi trường và làm cạn kiệt tài nguyên. Mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Nông nghiệp tuần hoàn đang trở thành một chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Liên minh châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Châu Âu, đặc biệt là Hà Lan, nơi hiện đang có các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn mạnh mẽ nhất. Bà Carola Schouten, Bộ trưởng Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm của Hà Lan đã khẳng định: “Nông nghiệp tuần hoàn là câu trả lời hợp lý và thuyết phục nhất cho các vấn đề hiện nay. Tương lai của nông nghiệp thế giới sẽ là nông nghiệp tuần hoàn”.

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp tuần hoàn, các lĩnh vực ưu tiên đã được xác định bao gồm:

- Sinh khối (Biomass) và các sản phẩm sinh học. Trong đó, sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp được coi là các lĩnh vực trọng tâm để thúc đẩy chuyển dịch toàn bộ nền kinh tế theo hướng phát thải các-bon thấp và thân thiện với khí hậu. Thu hồi và sử dụng các năng lượng sinh khối nói chung và biogas nói riêng là hướng ưu tiên của nông nghiệp tuần hoàn;

- Thay đổi thói quen sử dụng phân bón theo hướng tăng cường phân bón hữu cơ được sản xuất từ chất thải hữu cơ trong quá trình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ thực phẩm ở nông thôn; bảo vệ sức khỏe đất bằng việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ là vấn đề cơ bản trong nông nghiệp tuần hoàn.

- Tuần hoàn nước và sử dụng hiệu quả nước: Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế sử dụng nước nhiều nhất. Quản lý nước tốt và tuần hoàn nước là yêu cầu quan trọng để duy trì nông nghiệp bền vững, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu.

- Ngăn chặn chất thải thực phẩm (Food waste) thông qua việc tối ưu hóa các chuỗi cung ứng thực phẩm, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu theo dõi chất thải thực phẩm, tăng cường các mô hình chia sẻ, quyên góp thực phẩm…

Nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam 

Những vấn đề về quản lý và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trước những áp lực của suy giảm tài nguyên, gia tăng chất thải, an toàn thực phẩm và biến đổi khí hậu là những thách thức lớn đối với Việt Nam. Nông nghiệp tuần hoàn là cách tiếp cận phù hợp cho phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới ở nước ta.

 

t17.jpg
Mô hình VAC của gia đình ông Nguyễn Trọng Bộ ở thôn Tân Tự, xã Đông Tân, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

 

Nông nghiệp tuần hoàn không phải là quay lại với các biện pháp canh tác truyền thống trước đây, khi các tiến bộ khoa học công nghệ còn hạn chế. Nông nghiệp tuần hoàn hiện nay là sự kết hợp các biện pháp truyền thống, thuận theo tự nhiên với việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học với các men vi sinh trong các hoạt động trồng trọt, chế biến thức ăn trong chăn nuôi, xử lý chất thải để làm phân bón. Phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng trong trồng trọt tạo ra sản phẩm sạch, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi an toàn... Đệm lót sinh học trong chăn nuôi giúp tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; men vi sinh vừa hạn chế các tác nhân gây bệnh vừa giúp vật nuôi tăng cường sức chống chịu với dịch bệnh. Chất thải trong chăn nuôi cũng được xử lý làm phân bón bằng các loại chế phẩm vi sinh. Chất thải của chu trình sản xuất này lại trở thành vật tư đầu vào của chu trình tiếp theo.

Nông nghiệp tuần hoàn tạo ra hệ sinh thái khép kín, cân bằng hơn và thúc đẩy chu trình chuyển hóa vật chất trong tự nhiên. Trong đó, con người đóng vai trò hỗ trợ tiến trình tự nhiên xảy ra nhanh hơn, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Quy mô của nông nghiệp tuần hoàn có thể rất đa dạng, từ quy mô hộ gia đình đến trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, làng, xã, vùng cho đến quy mô toàn quốc.

VAC, mô hình nông nghiệp tuần hoàn

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước, mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC) đã được áp dụng phổ biến  tại Việt Nam từ những năm 1980 có thể được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất. Trong đó, vườn là hoạt trồng trọt, ao là các hoạt động nuôi trồng thủy sản và chuồng là hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm… trong các hộ gia đình, gia trại, trang trại.

Mô hình kinh tế VAC tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, một mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp, gắn kết trồng trọt với chăn nuôi, hạn chế chất thải, thuận theo tự nhiên và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn.

Mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC) và các mô hình VAC cải tiến như Vườn - Ao - Chuồng -  Biogas (VACB), Vườn - Ao -Chuồng - Rừng (VACR) - mô hình kết hợp giữa VAC với hoạt động lâm nghiệp tại các tỉnh miền núi và Vườn - Ao - Hồ (VAH) - mô hình trang trại trên cát tại các tỉnh miền trung đã không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn đem lại thu nhập tốt, ổn định cho người dân.

Đặc biệt, VACB là giải pháp giúp khắc phục sự bất hợp lý trong quản lý phế thải, sử dụng hợp lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón để trả lại độ phì cho đất. Xử lý an toàn chất thải động vật, tạo năng lượng tái sinh, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, chống ô nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải, giảm hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh nông nghiệp với các sản phẩm được sản xuất thông qua hình thức trang trại đang trở nên phổ biến, việc áp dụng các mô hình mở rộng và cải tiến của VAC, theo các nguyên lý của nông nghiệp tuần hoàn sẽ là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay, nhiều mô hình VAC đã tạo được mối liên kết hiệu quả giữa nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học. Sản phẩm của các mô hình này luôn được người tiêu dùng trong nước và quốc tế đánh giá cao và có thị trường rộng mở. Chính các mô hình này đang góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông nghiệp ở nước ta.

Từ các mô hình nhỏ lẻ ở quy mô nông hộ với mục tiêu ban đầu là góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, kinh tế VAC ngày nay ở nước ta đã phát triển thành công tại nhiều trang trại và các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, tạo nguồn cảm hứng và đem lại thu nhập cao, giúp nông dân vươn lên làm giàu, đồng thời góp phần bảo vệ cảnh quan, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phong trào phát triển vườn mẫu theo hướng hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn đã được nhiều địa phương xác định là một trong những nội dung cốt lõi của Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn tới. Như vậy, thành công của các mô hình kinh tế VAC là cơ sở thực tiễn quan trọng và động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở nước ta trong thời gian tới.

Để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, mặc dù nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học đóng vai trò quan trọng nhưng chưa đủ, cần có sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước và sự vào cuộc của toàn xã hội. Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tham mưu với Chính phủ có chủ trương, chính sách mạnh mẽ hơn nữa trong ưu tiên phát triển nông nghiệp tuần hoàn nói chung, kinh tế VAC nói riêng, thu hút sự tham gia của cộng đồng trong chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản, đồng thời tăng cường đầu tư cho nghiên cứu , đào tạo và khuyến nông để làm chủ các công nghệ mới phục vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Với bề dày truyền thống 35 năm gắn bó và đồng hành cùng nông dân trong vận động phát triển kinh tế VAC, Hội Làm vườn Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, cập nhật thông tin trong nước và quốc tế để xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn của mô hình kinh tế VAC trong thời kỳ mới. Tiếp tục vận động nông dân và hội viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng và hoàn thiện, nâng tầm các mô hình VAC để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam thời gian tới.

 

PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam

 

Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top