Dù chưa được cơ quan chức năng cho phép nhưng Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn đã ngang nhiên xây dựng nhiều công trình không phép.
Chấm dứt dự án, giao lại đất
Ngày 13/12/2019, ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản gửi các sở và Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn) về việc chấm dứt chủ trương cho Công ty Hoàng Sơn tiếp nhận quyền sử dụng đất và lập dự án đầu tư tại khu đất CQ1 - Khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo (Khu đất thuộc xã Sủ Ngòi, TP.Hòa Bình) tại công văn số 1365/VPUBND-NNTN ngày 20/10/2016 của UBND tỉnh Hòa Bình.
Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Như vậy, khu đất CQ1 - Khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo (gọi tắt là dự án Bắc đường Trần Hưng Đạo) đã bị tỉnh Hòa Bình chấm dứt chủ trương cho Công ty Hoàng Sơn tiếp nhận quyền sử dụng đất và lập dự án đầu tư. Thay vào đó sẽ lựa chọn nhà đầu tư dự án theo đúng quy định.
Tại một vị trí khác, ngày 8/7/2019, Công ty Hoàng Sơn có Văn bản số 140/CV-HS gửi UBND tỉnh Hòa Bình, Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình về việc chấm dứt dự án và giao lại khu đất thực hiện dự án Trung tâm thương mại và khách sạn thuộc Khu thương mại bờ trái sông Đà (gọi tắt là dự án Trung tâm thương mại và khách sạn).
Được biết, dự án Trung tâm thương mại và khách sạn có diện tích 9.705,0m2, thuộc phường Hữu Nghị, TP. Hòa Bình. Ngày 4/4/2017, UBND tỉnh Hòa Bình, do ông Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình đại diện ký hợp đồng cho Công ty Hoàng Sơn thuê đất, từ 10/3/2017 đến 8/1/2066 (thuê 49 năm).
Lý do Công ty Hoàng Sơn chấm dứt dự án và giao lại khu đất thực hiện dự án bởi việc đầu tư khách sạn tại TP. Hòa Bình không hiệu quả, thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Động cơ xây dựng không phép
Tại dự án Bắc đường Trần Hưng Đạo, trước đó, Công ty Hoàng Sơn đã ngang nhiên dựng tổ hợp siêu thị và sân bóng cao cấp rộng hàng nghìn mét vuông khi chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cho phép. Do vậy, chỉ sau 2 ngày khi Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo chấm dứt chủ trương cho Công ty Hoàng Sơn tiếp nhận quyền sử dụng đất và lập dự án đầu tư thì công ty này đã công khai thông tin khai trương siêu thị không phép.
Trao đổi với cáo chí, ông Nguyên Huy Luyến, Chủ tịch UBND xã Sủ Ngòi, cho biết, trong quá trình Công ty Hoàng Sơn xây dựng siêu thị, xã phát hiện và tiến hành lập biên bản vào ngày 25/11/2019, yêu cầu Công ty Hoàng Sơn chấm dứt việc xây dựng siêu thị; đồng thời công ty phải cung cấp đầy đủ các hồ sơ thủ tục thì mới được tiếp tục xây dựng công trình trên. Tuy nhiên, Công ty Hoàng Sơn bất hợp tác và phớt lờ văn bản trên, vẫn tiếp tục xây dựng siêu thị và đưa vào hoạt động.
Tại dự án Trung tâm thương mại và khách sạn, không lâu sau khi Công ty Hoàng Sơn tự xin chấm dứt dự án và giao lại khu đất thì bất ngờ công ty xây nhiều khung thép rộng hàng nghìn mét vuông không phép.
Theo ông Trần Đức Long, Chủ tịch UBND phường Hữu Nghị, tháng 11/2019, khi phát hiện phát hiện xây dựng nhà khung thép không phép, 50 x 24m, và nhà kho 95m2, sau lập biên bản vi phạm, ngày 28/11/2019, phường đã yêu cầu Công ty Hoàng Sơn tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Ngày 29/11/2019, công ty có văn bản phúc đáp với nội dung, hiện nay công ty đang phối hợp với Trung tâm Quỹ đất tỉnh, UBND TP. Hòa Bình làm thủ tục điều chỉnh cục bộ dự án. Do vậy, với công năng của dãy nhà tạm để phục vụ thi công, công ty đã mở một số ki ốt gian hàng tiêu dùng để phục vụ bà con mua sắm dịp Tết Nguyên đán 2020 nhằm tạo một phần nguồn thu bù lại tiền thuế thuê đất hàng năm của công ty đóng cho Nhà nước và giải quyết công việc cho cán bộ, công nhân viên trong quá trình chờ điều chỉnh cục bộ dự án.
Sau khi dự án được cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh cục bộ, công ty cam kết chuyển toàn bộ công năng của dãy nhà tạm, phụ trợ đã có sang phục vụ thi công dự án.
Theo ông Long, sau khi Công ty Hoàng Sơn có văn bản phúc đáp, phường đã xin ý kiến TP. Hòa Bình, thành phố yêu cầu phường phối hợp với các phòng chức năng tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm.
Liên quan tới xử phạt hành chính, ông Long cho biết, do vượt quá thẩm quyền xử phạt nên phường đã chuyển hồ sơ lên TP. Hòa Bình xử phạt theo quy định.
Qua đây thấy Công ty Hoàng Sơn xây dựng công trình không phép trên 2 khu đất có nhiều dấu hiệu bất thường. Thứ nhất, đầu tháng 11/2019, Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình có báo cáo gửi UBND tỉnh Hoà Bình chấm dứt chủ trương cho phép Công ty Hoàng Sơn sử dụng đất và lập dự án thì khoảng giữa tháng 11/2019, công ty tự ý xây dựng tổ hợp siêu thị và sân bóng cao cấp rộng hàng nghìn m2 không phép.
Thứ 2, tại dự án Trung tâm thương mại và khách sạn, công ty Hoàng Sơn chủ động xin chấm dứt dự án và giao lại khu đất nhưng sau đó lại cũng cố tình xây dựng không phép các ki ốt bán hàng, kho hàng rộng hàng nghìn mét vuông. Đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng tháo dỡ các công trình không phép nói trên.
Trong bài tiếp theo, Báo Kinh tế nông thôn sẽ làm rõ việc UBND tỉnh Hòa Bình cho Công ty Hoàng Sơn thuê gần 10.000m2 đất “vàng” không qua đấu giá có đúng quy định?
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.