KTNT - Mặc dù UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã cấp phép cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) được xây dựng dự án Khu nhà ở để bán tại phường Mai Động theo những quy định cụ thể, nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau khi việc chuyển nhượng, mua bán diễn ra, chủ sở hữu lại vô tư cơi nới, xây dựng sai phép khiến bộ mặt toàn bộ dự án bị méo mó, biến dạng nghiêm trọng.
Theo Giấy phép xây dựng số 928.10.2014 do UBND quận Hoàng Mai cấp ngày 28/10/2014 cho Handico được phép xây dựng công trình thuộc dự án Khu nhà ở để bán phường Mai Động tại địa điểm Tổ 49 ngõ 13 đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Tổng số công trình 29 căn hộ thấp tầng khung bê tông cốt thép chịu lực, tường xây gạch 110 và 220 sàn mái bê tông cốt thép, bao gồm thửa đất 2A gồm 19 nhà và thửa đất 2B có 10 nhà. Dự án được xây dựng theo thiết của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội.
Sau khi chuyển nhượng giữa chủ đầu tư là Handico và người mua bán căn hộ diễn ra, ông Nguyễn Quang Tuấn chủ sở hữu lô đất NV-22 đã tự ý xây dựng, cơi nới mở rộng diện tích phần sân (phía Đông và phía Tây) của căn hộ, đã đổ 6 cột bê tông cốt thép cao 3,6m, ghép cốt pha tầng 1, chưa xây tường gạch, diện tích tầng 1 là 43,2m2; dỡ phần diện tích ban công mái tầng 1, tầng 2, tầng 3 và tầng 4, phá dỡ phần bê tông của căn hộ đã được cấp phép và hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Trong khi đó mẫu nhà NV-22 được ông Tuấn mua gốc của chủ đầu tư có diện tích xây dựng 60m2, tổng diện tích sàn xây dựng 245m2.
Ghi nhận thực tế cho thấy, bằng mắt thường ai ai cũng có thể nhận thấy sai phạm nghiêm trọng tại công trình của ông Nguyễn Quang Tuấn. Hạng mục thi công sai phép có thể ảnh hưởng nghiêm trọng kết cấu cũng như khả năng chịu lực của tòa nhà, ảnh hưởng đến sự an toàn các hộ dân xung quanh.
Chính sự “chơi trội” của chủ sở hữu đã khiến công trình tại lô đất NV-22 được xây dựng một mình một kiểu, nằm lạc lõng giữa toàn bộ dự án, tạo nên tác động rất xấu làm thay đổi cảnh quan khu dân cư, gây mất mỹ quan và phá vỡ quy hoạch chung của thành phố. Ngoài ra, trong quá trình thi công, công trình này không có biển báo xây dựng, bạt che chắn cũng như lưới đỡ vật cứng rơi được quây lại tùy tiện, sơ sài. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn tới các hộ dân xung quanh và người đi đường, gây ô nhiễm môi trường, cản trở việc đi lại...
Quyết định số 347/QĐ-UBND của UBND phường Mai Động về việc đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động, cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 16/8/2017, UBND phường đã ban hành Quyết định số 347/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với hộ ông Nguyễn Quang Tuấn, đồng thời, yêu cầu chủ sở hữu tự giác phá dỡ bộ phận công trình, công trình sai phạm, nếu không thực hiện sẽ tiến hành cưỡng chế phá dỡ. Sau đó, ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với số tiền 15 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trường Thịnh còn cho biết thêm, dù đã tống đất quyết định đình chỉ thi công công trình, tổ công tác của phường vẫn phát hiện chủ sở hữu cố tình tổ chức thi công xây dựng; buộc chính quyền địa phương phải có văn bản sang công an phường đề nghị phối hợp để giải tán tốp thợ và cấm các phương tiện chở vật liệu ra vào công trình.
Cũng cần phải nói thêm, công trình vi phạm trật tự xây dựng nằm ngay đối diện UBND phường Mai Động, thế nhưng, trước khi bị chính quyền sở tại phát hiện, chủ sở hữu vẫn vô tư thi công hoàn thành nhiều hạng mục sai phép. Điều đáng nói, những sai phạm này không thể diễn ra trong ngày một sớm một chiều, mà các cán bộ phường Mai Động ngày ngày ra vào cơ quan mà lại để “con voi” dễ dàng “chui lọt lỗ kim”.
Vật liệu xây dựng được tập kết bừa bãi xung quanh công trình vi phạm.
Phần công trình sai phạm được che chắn một cách tùy tiện, sơ sài.
Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã phải nhấn mạnh vi phạm trật tự xây dựng đang là thách thức lớn của thành phố. Chỉ cần buông lỏng quản lý vài ngày, để xây dựng sai phép lên vài tầng là quá trình xử lý rất phức tạp. Đây là trách nhiệm của chính quyền cơ sở, của cấp quận.
TP. Hà Nội đã phải chuyển 18 vụ vi phạm trật tự xây dựng sang cơ quan cảnh sát điều tra, xử lý hình sự cho thấy sự quyết tâm của chính quyền thành phố đối với vấn đề nhức nhối này.
Có thể thấy rõ, nguyên nhân chính dẫn tới sai phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng của công trình trên là ý thức chấp hành kỷ cương pháp luật của chủ sở hữu nhà ở - ông Nguyễn Quang Tuấn. Về phía chính quyền, UBND quận Hoàng Mai và UBND phường Mai Động là nơi chịu trách nhiệm chính, trực tiếp về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, song trách nhiệm quản lý này đã bị buông lỏng, lơ là tới mức khó hiểu. Dù diễn ra ngay trước mắt nhưng công trình sai phạm không được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức và đưa ra các biện pháp xử lý dứt điểm, thể hiện “bất lực” trong xử lý vụ việc hay có sự "bao che"?
Khởi Nguyên
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.