Công ty CP Bách Tùng, địa chỉ tại KP1A, phường An Phú, thị xã Thuận An (Bình Dương) chuyên hoạt động trong lĩnh việc chế tạo máy, cung cấp băng tải và dây chuyền băng tải cho các ngành công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân trong khu vực đã nhiều lần báo cáo chính quyền địa phương nhưng không thấy giải quyết.
Thời gian vừa qua, người dân sống gần Công ty CP Bách Tùng phản ánh việc công ty này bào băng tải cũ, tạo ra những hạt bụi đen gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Ông L.V.Kh., người dân sống gần Công ty CP Bách Tùng bức xúc: “Gần 10 năm công ty đi vào hoạt động, mọi sinh hoạt của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Bụi từ nhà máy bay vào nhà đóng thành từng lớp dày. Ban ngày không ai dám mang quần áo ra ngoài phơi vì chỉ sau vài tiếng quần áo sẽ chuyển sang màu đen. Các cháu nhỏ rất hay bị bệnh về hô hấp. Vào mùa mưa còn đỡ, chứ mùa nắng thì người dân hít “no” khói bụi”.
Người dân sống gần Công ty CP Bách Tùng phản ánh về việc công ty này bào băng tải cũ tạo ra những hạt bụi đen gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc
Còn theo bà N.T.H., thời gian qua, người dân thuộc KP1A, phường An Phú luôn phải sống trong cảnh “ngập ngụa ô nhiễm” do Công ty CP Bách Tùng gây ra trong quá trình tái chế băng tải. Người dân đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương về tình trạng trên nhưng sự việc không được giải quyết, môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn. “Hằng ngày, hằng giờ, người dân nơi đây phải sống trong cảnh ô nhiễm. Sau nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty CP Bách Tùng gây ra nhưng không được giải quyết, “cực chẳng đã” chúng tôi phải trông cậy vào tiếng nói của cơ quan báo chí”, bà H. bức xúc.
Sau khi nhận được đơn kêu cứu của người dân phường An Phú, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã có mặt tại đây để ghi nhận thực tế. Đặt chân đến nhà máy, chúng tôi đã thấy bầu không khí ngột ngạt, mùi mài, tái chế băng tải cũ khét lẹt xộc vào mũi khiến ai cũng cảm thấy khó chịu, ngạt thở. Quan sát trong nhà máy tái chế của công ty, bụi đen bay khắp khu vực, người thì dùng máy mài mài băng tải cũ, người thì dán keo băng tải, có công nhân dùng máy cắt hoạt động liên tục tạo ra mùi khét. Ngoài ra, hàng ngàn tấn băng tải cũ chất đầy nhà máy, thậm chí lấn ra lòng lề đường, xe di dời băng tải ra vào liên tục gây tiếng ồn.
Bụi bậm gây ra từ việc hoạt động tái chế băng tải cũ của công ty
Ông H.T.V., một người dân phường An Phú cho biết, mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị về việc Công ty CP Bách Tùng gây ô nhiễm môi trường nhưng không thấy chính quyền sở tại giải quyết. Đồng thời, công ty này cũng phớt lờ việc gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân để duy trì hoạt động sản xuất trong khu dân cư tập trung.
Liên quan đến vấn đề này, ông Quản Văn Bình, Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết, việc người dân phản ánh Công ty CP Bách Tùng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư KP1A là có cơ sở. Tuần này, chính quyền địa phương sẽ cử lực lượng đến hiện trường kiểm tra, nhắc nhở công ty khắc phục tình trạng trên. Nếu công ty không chấp hành, phường sẽ ra quyết định xử phạt hành chính, cần thiết sẽ cưỡng chế luôn.
Băng tải cũ cũng được công ty để ngổn ngang lồng lề đường khiến người dân bức xúc
Tuy nhiên, theo những người dân nơi đây, họ đã nhiều lần phản ánh sự việc đến chính quyền địa phương nhưng hiện vẫn đang phải “sống chung” với ô nhiễm bụi. “Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương quan tâm đến lời kêu cứu của người dân, chứ như hiện nay người dân chúng tôi khổ lắm rồi!”, ông H.T.V. than.
Ghi nhận phản ánh của phóng viên, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, sẽ chỉ đạo các ngành chức năng đến kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về hoạt động của Công ty CP Bách Tùng.
Anh Thi - Văn Quân
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.