Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 8 năm 2015 | 9:33

Công ty CP chè Mỹ Lâm ra quyết định thu hồi đất sai thẩm quyền!

Kinh tế nông thôn số 33 ra ngày 14/8/2015 đã phản ánh những bức xúc của người trồng chè ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) khi bị Công ty CP chè Sông Lô và Công ty CP chè Mỹ Lâm xâm phạm quyền lợi, trong đó có việc 2 công ty tự ý làm hợp đồng “đè” lên hợp đồng mà công ty Nhà nước đã ký trước đây. Không dừng lại ở đó, Công ty CP chè Mỹ Lâm còn ra quyết định thu hồi diện tích đất trồng chè của người dân.

>> Người trồng chè bức xúc vì bị “ép” quyền lợi

Giống như Công ty CP chè Sông Lô, Công ty CP chè Mỹ Lâm cổ phần hóa từ năm 2009 trên cơ sở Công ty chè Mỹ Lâm trước đây. Điều khiến nhiều người thắc mắc là, không biết 2 công ty này có thống nhất với nhau về cách làm không nhưng khi triển khai thì giống hệt nhau. Đó là thu mua chè nguyên liệu rẻ hơn so với thị trường; tự soạn thảo hợp đồng mới có lợi cho doanh nghiệp; khi người trồng chè không ký hợp đồng thì đòi kiện ra tòa.

Theo ông Phạm Văn Lương, quyết định thu hồi đất trồng chè của Cty CP chè Mỹ Lâm là sai thẩm quyền.

Ngày 28/6/2014, Công ty CP chè Mỹ Lâm ra Thông báo số 50/TB-CML về việc gia hạn thời gian kết thúc ký hợp đồng khoán. Thông báo nói rõ: Thời hạn để các hộ tiếp tục ký hợp đồng giao khoán đất kết thúc đến ngày 15/7/2014, nếu hộ khoán nào không đến ký hợp đồng thì coi như hộ đó không có nhu cầu, công ty sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Công ty không ký hợp đồng với 6 hộ: Đặng Thị Thuận, Phạm Ngọc Hậu, Trịnh Xuân Kiên, Lưu Thị Phơn, Phạm Đức Tuyên, Lê Thị Hạnh, với lý do các hộ đã lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích và cố tình chống đối, không ký hợp đồng giao khoán đất.

Ông Phạm Đức Tuyên, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) bức xúc: “Trong hợp đồng mới của Công ty CP chè Mỹ Lâm, giá mua chè do công ty tự quyết và bao giờ cũng rẻ hơn thị trường 500 - 600 đồng/kg. Khi không ký hợp đồng mới thì họ cho người xuống gây khó dễ, lập biên bản, dọa nạt chúng tôi. Người dân sống trên đất chè mà không có đất để trồng chè hoặc không thể chuyển đổi sang cây trồng khác thì chúng tôi sống sao được”.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Hậu ở xã Mỹ Bằng cho biết: “Trước đây, tôi là công nhân của Công ty chè Mỹ Lâm. Sau khi cổ phần hóa, công ty bắt tôi ký hợp đồng mới, tôi không ký thì bị công ty ra quyết định cho nghỉ việc. Không dừng lại ở đó, ngày 3/6/2014, ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty CP chè Mỹ Lâm ký quyết định thu hồi diện tích đất trồng chè của gia đình tôi”.

Để làm rõ những phản ánh của người dân, phóng viên đến Công ty CP chè Mỹ Lâm tại xã Mỹ Bằng để đăng ký làm việc. Tuy nhiên, công ty này cho biết, vụ việc báo chí quan tâm đã được gửi lên Tòa án nhân dân huyện Yên Sơn, đề nghị phóng viên làm việc với tòa.

Theo ông Phạm Văn Lương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang, việc Công ty CP chè Mỹ Lâm tự ý ra quyết định thu hồi đất trồng chè là sai thẩm quyền, bởi chỉ có UBND tỉnh Tuyên Quang mới có thể ra quyết định thu hồi. Còn các việc khác, Sở sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan xác minh và trả lời với báo chí sau.

Trong khi đó, các hộ trồng chè lại cho rằng, theo quyết định của tỉnh Tuyên Quang thì Công ty CP chè Sông Lô, Công ty CP chè Mỹ Lâm chỉ cổ phần hóa nhà máy chế biến chứ không cổ phần hóa sản xuất nông nghiệp (vườn chè) nhưng hiện nay 2 công ty này đang cố tình nhầm tưởng là cổ phần hóa cả sản xuất nông nghiệp. Trước đây, hợp đồng khoán đất sản xuất nông nghiệp là doanh nghiệp Nhà nước ký, bây giờ chỉ có Nhà nước mới có quyền thu hồi. Việc 2 công ty nói trên bắt người trồng chè ký hợp đồng mới “đè” lên hợp đồng doanh nghiệp nhà nước ký trước đây hay ra quyết định thu hồi đất là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Để đảm bảo quyền lợi cho người trồng chè, đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các sở, ban ngành vào cuộc làm sáng tỏ những vấn đề báo nêu cũng như rà soát lại các quyết định, quy trình cổ phần hóa tại hai công ty chè; đồng thời thông tin kết quả giải quyết để báo có cơ sở trả lời bạn đọc.

Hoàng Văn

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top