KTNT - Báo Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh của người lao động nghi ngờ Công ty CP Đào tạo và Cung ứng nhân lực Lạc Hồng (Công ty Lạc Hồng, địa chỉ tại số nhà 09 - TT27, Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) chưa được cấp phép đã tiếp nhận hồ sơ người đi lao động nước ngoài.
Ông Phạm Ngọc Hổ (áo trắng bên trái) trong buổi làm việc với phóng viên.
Người có nhu cầu đi lao động phản ánh: Công ty Lạc Hồng hiện có hai đơn hàng đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản với ngành nghề: Chế biến thực phẩm thủy sản không gia nhiệt và nhựa ô tô. Người có nhu cầu đi lao động trước khi làm thủ tục phải đóng một khoản tiền là 10 triệu đồng để cam kết thi tuyển đơn hàng, sau khi thi tuyển nếu đỗ sẽ nộp các khoản phí theo từng giai đoạn cho công ty để công ty làm các thủ tục đưa người đi lao động tại Nhật Bản theo đơn hàng đăng ký.
Tuy nhiên, khi viết hóa đơn thu tiền, nhân viên của công ty đã không xuất hóa đơn mang tên Công ty Lạc Hồng mà lại mang tên công ty khác. Khi được hỏi thì nhân viên này cho biết: Đơn vị không làm về xuất khẩu lao động mà kết hợp với công ty khác đưa người đi xuất khẩu nên không thể xuất hóa đơn.
Để trấn an người lao động, cán bộ của Công ty Lạc Hồng là Bùi Thị Như Huế cho biết: “Sẽ lấy tư cách cá nhân để đảm bảo việc đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Công ty Lạc Hồng sẽ không gặp bất cứ trở ngại hay rủi ro nào, những đơn vị đưa người đi xuất khẩu đều là người nhà cả”.
Nhằm làm sáng tỏ những nghi ngờ của người lao động, ngày 26/12/2016, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã “mục sở thị” Công ty Lạc Hồng trong vai người có nhu cầu cho con đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.
Người tiếp và trao đổi với phóng viên là bà Bùi Thị Như Huế, nhân viên Công ty Lạc Hồng, người đã trả lời qua điện thoại trước đó với phóng viên. Điều lạ lùng là, ngay từ khi tiếp xúc, bà Huế và một nhân viên khác luôn hỏi phóng viên đến đây như thế nào, qua ai giới thiệu, người đó tên là gì, ở đâu?... Lý giải vì sao phải hỏi cặn kẽ như vậy, bà Huế cho biết, để người đó cũng có trách nhiệm trong việc giới thiệu người đến công ty (?!).
Khi biết phóng viên không có nhu cầu đi du học, bà Huế cho biết, bên này có đơn hàng đi lao động bên Nhật, công việc lắp ráp ô tô của hãng NISSAN, ngoài ra có ngành nghề chế biến thực phẩm. Nếu quyết định đi, sẽ được học tiếng tại đây, học phí sẽ không thu, sau đó làm các bước sơ tuyển. Thủ tục trước hết phải có cam kết thi tuyển là 10 triệu đồng. Theo bà Huế giải thích, cam kết này không phải gửi sang bên Nhật, chỉ là cam kết cho đối tác bên Nhật biết là có tên trong danh sách thi tuyển và cho biết tất cả các khoản tiền và hồ sơ đều phải nộp tại Công ty Lạc Hồng, nếu có vấn đề gì thì bên Lạc Hồng sẽ chịu trách nhiệm và trả lại cho người lao động.
Mong muốn được cung cấp các thủ tục để tham khảo, bà Huế đã in và đưa cho phóng viên 3 văn bản gồm: Giấy cam kết thi tuyển đơn hàng (trong bản cam kết này tại mục 8 có ghi: Toàn bộ việc nộp tiền và các giấy tờ liên quan nêu tại Muc 1, Mục 2 là do tôi và gia đình tôi hoàn toàn tự nguyện, trong trạng thái tinh thần tỉnh táo và không bị ai ép buộc hay lừa dối. Tại Mục 9 ghi: Sau khi thi tuyển, nếu tôi trúng tuyển đơn hàng thì mọi thủ tục tài chính và hồ sơ liên quan tôi xin cam kết sẽ nộp thông qua công ty giới thiệu là Công ty Lạc Hồng. Nếu trong trường hợp tôi không thông qua Công ty Lạc Hồng thì tôi xin bồi thường hoàn toàn cho quý công ty số tiền nói trên và bồi thường đầy đủ cho quý công ty những thiệt hại do việc tôi vi phạm cam kết gây ra). Thông báo đơn hàng và Quy trình lao động thực hiện (có logo, tên, địa chỉ đầy đủ của Công ty Lạc Hồng).
Làm việc trực tiếp với phóng viên, ông Phạm Ngọc Hổ, Giám đốc Công ty Lạc Hồng, cho biết: Công ty chưa có giấy phép hoạt động đưa người đi lao động nước ngoài, vì đang trong quá trình setup nên in các văn bản đó ra là bình thường.
Khi đặt câu hỏi vì sao đang trong quá trình setup mà nhân viên của công ty lại tư vấn và cung cấp các văn bản đó cho khách hàng thì ông Hổ cho biết, bà Huế làm rất nhiều công ty nên bà Huế làm là việc của bà đó?!
Câu hỏi được dư luận đặt ra: Tại sao lại phải nộp tiền cam kết thi tuyển? Luật pháp có quy định người lao động phải nộp khoản tiền gọi là cam kết này không? Bản thân nhân viên của Công ty Lạc Hồng cũng thừa nhận không làm về xuất khẩu lao động nhưng tại sao hồ sơ và các khoản tài chính lại nộp ở đây? Theo quy định, dù có liên kết thì Lạc Hồng cũng không thể trực tiếp thu tiền như vậy. Việc soạn thảo sẵn bản cam kết để đưa cho người đi lao động ký với những nội dung bắt buộc nhằm mục đích gì?
Để làm rõ bản chất sự việc, phóng viên đã trao đổi trực tiếp qua điện thoại với bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin truyền thông – Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Bà Hà khẳng định: “Công ty Lạc Hồng chưa được cấp giấy phép. Việc Công ty Lạc Hồng để nhân viên phát tán tài liệu là hoàn toàn trái với quy định. Việc làm này cần phải báo cho cơ quan công an vào cuộc để điều tra”.
Ngày 06/01/2017, Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP.Hà Nội có Công văn số 04/VHXH gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Hà Nội, đề nghị Sở chỉ đạo kiểm tra việc tổ chức xuất khẩu lao động của Công ty CP Đào tạo và Cung ứng nhân lực Lạc Hồng, báo cáo kết quả về Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP.Hà Nội trước ngày 10/01/2017 để báo cáo Thường trực HĐND Thành phố.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục đăng tải thông tin khi có kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Phạm Ngọc Thủy
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.