KTNT - Với lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng khá lớn, dư luận đặt câu hỏi, vì sao với công nghệ hiện đại, công suất tới 70 tấn/ngày nhưng dự án xử lý rác thải của Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa lại gây khói bụi và mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân xung quanh và các nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Văn II? Phải chăng Tâm Sinh Nghĩa xây dựng nhà máy không như cam kết, mà chỉ đầu tư “nửa vời”, sau đó lấy tiền “cả”?
>> Hà Nam: Công ty môi trường gây ô nhiễm!
Trên trang web http://tamsinhnghia.com/ có hình ảnh nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt ở xã Duy Minh (Duy Tiên - Hà Nam). Hình ảnh này khác xa với thực tế về quy mô, kiến trúc xây dựng; theo cảm quan ban đầu thì ai cũng có thể đánh giá việc đầu tư dự án không đúng những gì Tâm Sinh Nghĩa đưa ra.
Để có thông tin chính xác từ nhà đầu tư về công suất, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt, phóng viên đã gửi lịch làm việc cho ông Ngô Xuân Tiệc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa từ ngày 23/2/2017 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Để rộng đường dư luận, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Khâm, Chủ tịch UBND xã Duy Minh. Ông Khâm cho biết, xã cũng nhận được nhiều phản ánh của cử tri và các cơ quan đóng trên địa bàn về việc Tâm Sinh Nghĩa gây ô nhiễm. “Mới đây, UBND xã còn nhận được văn bản đề xuất mở rộng thêm diện tích của Tâm Sinh Nghĩa, nhưng nếu xin thêm diện tích để chôn lấp thì chúng tôi không đồng tình. Tâm Sinh Nghĩa phải đầu tư công nghệ hiện đại chứ mở rộng để chôn lấp thì bao nhiêu đất cho đủ…”, ông Khâm nói.
Còn bà Phạm Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Duy Tiên, cho biết, việc Tâm Sinh Nghĩa để xảy ra ô nhiễm môi trường là có, bởi trong thời gian qua do sự cố của Nhà máy xử lý rác thải Công ty CP môi trường Ba An nên UBND tỉnh chỉ đạo nhà máy tạm thời tiếp nhận xử lý thêm lượng rác thải từ TP.Phủ Lý và thị trấn Bình Mỹ nên lượng rác tăng lên, vượt quá công suất của nhà máy. Việc rác thải trong các bể chứa ở các xã nhiều khi đơn vị vận chuyển đến lấy chậm là có, chúng tôi đã nhắc nhở đơn vị vận chuyển và yêu cầu các xã phải giám sát chặt chẽ.
Cũng theo bà Hiền, căn cứ Quyết định 1646/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam về việc công bố đơn giá dịch vụ bốc, xúc, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam thì đơn giá bốc xúc là 260.754 đồng/tấn (đã có VAT); đơn giá cho việc vận chuyển theo từng cự ly, trong khoảng 15km, hệ số 0,95, đơn giá 165.655 đồng/tấn; từ 15 đến 20km, hệ số 1,00, đơn giá 174.374 đồng/tấn; 20 - 25km, hệ số 1,11, đơn giá 193.555 đồng/tấn; 25 - 30km, hệ số 1,22, đơn giá 212.736 đồng/tấn; 30 - 35km, hệ số 1,30, đơn giá 226.686 đồng/tấn; đơn giá xử lý rác thải là 275.000 đồng/ tấn. “Năm 2016, tỉnh đã hỗ trợ cho huyện 4,1 tỷ đồng nhưng vì lượng rác tăng nên chờ kinh phí bổ sung, do vậy, huyện còn thiếu Tâm Sinh Nghĩa gần 200 triệu đồng và đang làm thủ tục chuyển trả”, bà Hiền khẳng định.
Rác thải sinh hoạt chất thành đống tại nhà máy của Tâm Sinh Nghĩa.
Sau khi báo Kinh tế nông thôn có bài phản ánh việc Công ty Tâm Sinh Nghĩa gây ô nhiễm, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Hà Nam đã có Văn bản số 29/STTTT-TTBCXB ngày 21/2/2017 gửi Sở TN&MT về việc cung cấp thông tin cho báo chí. Đến ngày 10/3/2017, Sở TTTT tỉnh Hà Nam có gửi Văn bản số 42/ STTTT-TTBCXB về việc cung cấp thông tin cho báo chí, trong đó có gửi kèm Văn bản số 200/STN&MT-MT ngày 07/3/2017 của Sở TN&MT về việc cung cấp thông tin cho báo chí. Theo đó, tháng 1/2013, nhà máy đã đầu tư nâng cấp hệ thống lò đốt rác thải với công suất 70 tấn/ngày - đêm, ống khói cao đến 30m, đường kính 1m, có hệ thống lọc bụi và bơm nước xử lý khí thải, đến tháng 8/2015, hệ thống lò đốt được hoàn thiện đi vào hoạt động.
Văn bản kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vượng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Duy Tiên, cho biết, trong các buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến bức xúc về việc ô nhiễm môi trường, trong đó có việc dự án xử lý rác thải của Tâm Sinh Nghĩa gây ô nhiễm. Đọc dự án thì tôi thấy việc xử lý rất cao, song khi nghe nhiều ý kiến của cử tri tại các cuộc họp thì tôi cũng đi thực tế và thấy, họ nghiền nhỏ ra rồi đắp thành đống sau đó chôn lấp, tỷ lệ xử lý có thời điểm chưa triệt để, rác thải mà chất thành đống như thế thì khó tránh khỏi ô nhiễm. Nếu báo chí phản ánh đúng thì rất đáng hoan nghênh bởi nó có lợi cho người dân và chính sách đầu tư vì các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến môi trường. “Trong 2 năm qua, tôi cũng khổ sở về vấn đề ô nhiễm này”, ông Vượng than thở.
Dư luận đang đặt câu hỏi, với công suất này thì lượng rác tồn đọng nhiều đến vậy không? Với đơn giá UBND tỉnh Hà Nam chi trả cho việc xử lý rác thải thì số tiền ngân sách bỏ ra là khá lớn. Việc Tâm Sinh Nghĩa có thực hiện như những gì cam kết khi thực hiện dự án hay không, chúng tôi chờ đợi câu trả lời của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam.
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.
Trung Hiếu
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.