KTNT - Theo thống kê của Công ty HUDS (thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD), đến ngày 31/3/2017, có 95/322 ki-ốt tầng 1 nhà chung cư chưa thanh lý hợp đồng cũ ký hợp đồng mới, chưa trả tiền thuê hơn 20,3 tỷ đồng, có nguy cơ bị thất thoát. Đâu là nguyên nhân?
Nguyên nhân chưa thu hồi hơn 20,3 tỷ đồng là do Công ty HUDS hay do khách hàng thuê kiốt đến nay chưa được làm rõ.
Tổng công ty HUD (thuộc Bộ Xây dựng) được giao làm chủ đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, quản lý vận hành một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội, trong đó có các khu chung cư cao tầng thuộc dự án khu đô thị mới Định Công, Linh Đàm, Pháp Vân (quận Hoàng Mai). Tổng công ty HUD đã bán các căn hộ chung cư từ tầng 2 trở lên, phần diện tích tầng 1 để lại được sử dụng vào mục đích kinh doanh và sinh hoạt chung.
Năm 2011, HUD ký biên bản giao vốn là tài sản, trong đó có ki-ốt và siêu thị tại tầng 1 các nhà chung cư nói trên cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và Khu đô thị (HUDS - doanh nghiệp 100% vốn thuộc HUD) quản lý khai thác bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Sau khi bàn giao, HUDS đã ký hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân thuê ki-ốt, siêu thị tại tầng 1 ở các nhà chung cư vào mục đích kinh doanh. Từ đầu năm 2013, Công ty HUDS trình Tổng công ty HUD được điều chỉnh giá thuê ki-ốt, siêu thị nói trên và được HUD chấp thuận. Tuy nhiên, khi điều chỉnh giá, nhiều khách hàng không chấp thuận. Đến quý I/2017, Công ty HUDS có chính sách tặng quà tri ân đối với khách hàng nhằm kéo giảm giá thuê ki-ốt xuống, nhiều khách hàng tại khu vực quận Hoàng Mai vẫn không ký hợp đồng mới, cũng chưa trả tiền thuê ki-ốt, siêu thị nhưng vẫn giữ mặt bằng để kinh doanh.
Sự việc kéo dài từ năm 2013 đến nay, sau nhiều lần thông báo đề nghị thanh toán tiền thuê ki-ốt, trả lại ki-ốt cho Công ty HUDS nhưng khách hàng vẫn chưa thực hiện. Cho rằng khách hàng chiếm dụng trái phép mặt bằng ki-ốt, hưởng lợi bất chính, Công ty HUDS đã tiến hành lập Ban chỉ đạo thu hồi mặt bằng ki-ốt; ra thông báo công khai thu hồi ki-ốt theo đúng các điều, khoản đã ghi trong hợp đồng.
Theo Báo cáo 164/BC-UBND ngày 09/9/2016 của UBND quận Hoàng Mai thì nguyên nhân là do Công ty HUDS tăng giá thuê nhiều lần dẫn đến các cá nhân, tổ chức thuê không đồng tình, dẫn tới việc chưa nộp tiền theo hợp đồng đã ký.
Cũng theo quận Hoàng Mai, những vi phạm trong việc nợ, chiếm dụng tiền thuê, cho thuê lại kiếm lời, không bàn giao ki-ốt, siêu thị hết hạn thuê, việc tranh chấp hợp đồng giữa HUDS và khách hàng bản chất là quan hệ dân sự nên việc giải quyết thuộc thẩm quyền của tòa án. Công ty HUDS thành lập Ban thu hồi và xử lý nợ, tổ chức thu hồi ki-ốt là không đúng quy định của pháp luật.
Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội yêu cầu Tổng công HUD và Công ty HUDS thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà theo quy định; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn HUD các thủ tục cần thiết theo quy định; đồng thời xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp ki-ốt, kiên quyết không để phát sinh thêm điểm nóng. Trích chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải trong Văn bản 440-TB/TU ngày 28/10/2016 của Thành ủy. |
Tuy nhiên, trong biên bản họp ngày 28/7/2016 (theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội), đại diện Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an TP.Hà Nội, quận Hoàng Mai, HUD, HUDS… lại thống nhất: Đối với các diện tích kinh doanh tầng 1 tại các nhà chung cư có hiện tượng chây ỳ, đề nghị HUD chủ động thu hồi và phối hợp với Công an thành phố thực hiện thu hồi theo quy định pháp luật.
Việc phát sinh nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều xung quanh vấn đề giải quyết hợp đồng thuê ki-ốt, siêu thị cũng như sự chậm trễ vào cuộc của các cơ quan chính quyền địa phương đã dẫn đến thực trạng, một số khách hàng thuê ki-ốt của HUDS chưa trả tiền thuê mặt bằng, nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước đang hiện hữu. Đã xảy ra việc tụ tập khiếu kiện đông người tại các cơ quan chính quyền địa phương gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thời gian qua.
Trong văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân và Công an TP.Hà Nội mới đây, Tổng công ty HUD cho biết, trong quá trình HUDS cho thuê các ki-ốt, nhiều khách hàng đã chiếm dụng tiền thuê, cho thuê lại kiếm lời, không trả tiền thuê, không bàn giao ki-ốt, siêu thị khi hết hạn hợp đồng, chiếm giữ mặt bằng để kinh doanh khiến cho việc khai thác chưa được hiệu quả.
Còn theo thống kê của Công ty HUDS, đến ngày 31/3/2017, còn 95/322 ki-ốt, siêu thị khách hàng đã thuê nhưng chưa thanh lý hợp đồng, chưa trả tiền thuê với số tiền hơn 20,3 tỷ đồng.
Như vậy, nguyên nhân chưa thu hồi hơn 20,3 tỷ đồng là tiền ngân sách Nhà nước do Công ty HUDS hay do khách hàng thuê ki-ốt đến nay vẫn chưa được làm rõ. Số tiền này thời gian tới nếu không thu hồi được, nguy cơ thất thoát là rất cao.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hoàng Văn
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.