Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 1 năm 2015 | 1:31

Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc “bức tử” sông Thương

Đưa dây chuyền mở rộng nhà máy phân đạm vào hoạt động nhưng chưa có kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã khiến nước sông Thương bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe của người dân.

Theo phản ánh của người dân sống tại khu vực thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang - Bắc Giang), khoảng 22 giờ ngày 01/01/2015 trên lưu vực sông Thương quanh khu vực xả thải của Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có hiện tượng cá nổi trên mặt nước, bơi lờ đờ. Bà con cho rằng, chính Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã xả chất thải độc hại khiến cá sông Thương chết hàng loạt, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước. Sau đó, người dân đã phản ánh vụ việc tới Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang.

Ngày 06/01/2015 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã có Báo cáo số 02/BC-TNMT do ông Vũ Văn Tưởng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh ký về sự cố xả thải làm chết cá trên sông Thương của Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

 

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang về sự cố xả thải làm chết cá trên sông Thương của Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

Báo cáo nêu rõ:

Ngày 05/1/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Bắc Giang, UBND phường Thọ Xương tổ chức làm việc với Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

Theo báo cáo của công ty: Công ty bắt đầu vận hành thử nghiệm dây chuyền mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc, trong đó có công đoạn sản xuất urê. Trong quá trình vận hành, do xảy ra sự cố xì rò một số van của hệ thống nên đã ngừng máy, thải rửa thiết bị hệ thống trung áp, thấp áp để xử lý.

Ngày 31/12, sau khi xử lý xong, công ty tiếp tục cho chạy thử máy công đoạn sản xuất urê. Đến khoảng 5h30 ngày 1/1 thì phát sinh sự cố về bơm và đến 7h30 phút cùng ngày thì ngừng máy, thải rửa thiết bị đường ống của công đoạn sản xuất urê để xử lý. Lúc này, nước thải rửa thiết bị có chứa NH3 chưa được xử lý đưa về bể chứa dịch ngầm làm tràn chảy vào đường thoát nước mặt và chảy ra đường 10 xả thải vào cống 420 ra sông Thương.

Đến sáng ngày 2/1, khi phát hiện ra sự cố, công ty đã dùng các bao cát bịt kín đường cống không để nước chứa NH3 chưa được xử lý tràn vào đường thoát nước mưa và hút toàn bộ nước còn lưu tại bể chứa về hệ thống trưng NH3 và tiếp tục xử lý theo quy trình.

Trước khi đưa dây chuyền mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc vào vận hành thử nghiệm công ty chưa hề xây dựng kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý nước chất thải; kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường gửi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Khi xảy ra sự cố, công ty chưa kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố. Sự tắc trách của Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân quanh khu vực.

Điều khiến người dân TP.Bắc Giang lo ngại hơn chính là nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân đang bị đe dọa nghiêm trọng, do nước sông Thương được xử lý để cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ các hộ dân thành phố. Hệ thống bơm nước trên lại nằm trong khu vực cá chết hàng loạt trong mấy ngày vừa qua nên hoàn toàn nằm trong khu vực ảnh hưởng.

PV báo Kinh tế nông thôn đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang về vụ việc này. Ông Linh khẳng định, không có sự bao che của cơ quan, chính quyền tỉnh cho Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. "Quan điểm chung của tỉnh là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vi phạm bảo vệ môi trường thì làm sao ưu ái được", ông Linh nhấn mạnh.

Ông Linh cũng khẳng định, tỉnh sẽ có ý kiến với Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc để khắc phục và chấm dứt sự việc này. "Gây ô nhiễm nguồn nước sông Thương là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chính người dân Bắc Giang, trong đó có tôi và gia đình tôi", ông Linh chia sẻ.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng đã yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc sớm tiến hành việc lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường gửi lên Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị chức năng có thẩm quyền; đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương giám sát việc khắc phục hậu quả mà nhà máy đã gây ra theo đúng quy định của pháp luật.

Thành Vinh – Thanh Thắng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top