Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 1 năm 2018 | 9:29

Công ty TNHH Chí Thành bị “tố” chây ỳ trả nợ, lừa dối khách hàng

Không chỉ nổi danh là “chúa chổm” vì các khoản nợ, Công ty TNHH Chí Thành do bà Lê Anh Phương làm Giám đốc (trụ sở chính ở phường 2, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) còn thể hiện sự coi thường pháp luật khi rao bán ồ ạt đất nền tại khu đô thị số 11 (Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) mà chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.


Dự án Golden Eleven bị bỏ hoang hóa, chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, vẫn được Công ty Chí Thành cùng một số đơn vị phân phối đem ra lừa phỉnh, huy động vốn từ nhiều khách hàng.

Lộ diện “chúa chổm”

Công ty Chí Thành là chủ đầu tư các khu dân cư số 6 và 11 tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, với tổng diện tích 68ha, đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp một số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các khu dân cư này. Đây là dự án được quy hoạch xây dựng nhà ở liên lập, nhà vườn biệt thự, công viên, hồ điều tiết, khu thương mại hỗn hợp, các công trình phúc lợi khác… xây dựng theo tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp.

Kể từ khi được giao đất làm dự án vào năm 2007, Công ty Chí Thành mới thi công một số hạng mục như san nền, hồ điều tiết, sinh thái mặt nước, xây dựng 15 căn biệt thự. Triển khai một số hạng mục về kết cấu kỹ thuật đối với diện tích 18ha. Còn phần lớn diện tích đất dự án còn lại vẫn không triển khai gì.


Một phần lớn diện tích đất dự án vẫn chưa triển khai, bỏ hoang.

Tại kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2011 về công tác quản lý, sử dụng đất của tỉnh Quảng Nam thì Công ty Chí Thành là đơn vị nằm trong diện xử lý tài chính do không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Kể từ đó đến nay, Công ty Chí Thành dừng hẳn việc triển khai thi công dự án. Ban quản lý Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã nhiều mời Giám đốc Công ty Chí Thành đến làm việc, yêu cầu triển khai dự án và nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhưng công ty này vẫn không thực hiện đúng tiến độ theo cam kết đã ký.

Trước việc dự án kéo dài, Ban quản lý Khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình triển khai dự án của Công ty Chí Thành. Ngày 27/11/2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì làm việc với công ty và yêu cầu chứng minh nguồn tài chính, ký cam kết tiến độ thực hiện và hoàn chỉnh các thủ tục có liên quan để triển khai thi công xây dựng trong tháng 6/2015.

Đến tháng 6/2015, Công ty  Chí Thành vẫn chưa chứng minh được nguồn tài chính để tiếp tục thực hiện dự án, chưa hoàn chỉnh các thủ tục có liên quan theo yêu cầu. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam buộc phải thu hồi dự án của Công ty Chí Thành theo đúng quy định của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc làm ăn bết bát dẫn đến thu hồi dự án mới chỉ là phần nổi, còn “tảng băng” thực sự là Công ty Chí Thành đang ngập ngụa trong các khoản nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Các chủ nợ “khủng” của con nợ khó đòi Chí Thành không phải riêng nhà thầu thi công, khách hàng, ngay cả ngân hàng cũng không thoát nổi cạm bẫy mà Chí Thành đã giăng ra.

Từ năm 2011, bà Lê Anh Phương, Giám đốc Công ty Chí Thành đã trực tiếp ký rất nhiều lần giấy vay nợ, mượn tiền của ông Nguyễn Văn T. và hứa hẹn trả lãi suất cao trong thời gian 1-2 tháng. Tuy nhiên, đã quá thời hạn thoả thuận gần 7 năm nay, bà Phương đã không thanh toán cho ông T. vốn gốc lẫn lãi. Còn về phía Công ty Chí Thành, tiếp tục né tránh và hứa suông rằng: “Công ty Chí Thành đang xoay tiền trả lại”.


Đơn thư của Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng Phước Châu gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 – Bộ Công an).

Từng sát cánh cùng Chí Thành, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Phước Châu cũng bị biến thành “con tin” bất đắc dĩ của doanh nghiệp này.

Là nhà thầu thi công giai đoạn II khu đô thị số 6, Khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc, các thế hệ lãnh đạo, công nhân, người lao động Công ty Phước Châu đã từng đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên những công trường do Công ty Chí Thành làm chủ đầu tư. Thế nhưng, hơn 6 năm qua, Chí Thành đã thực hiện không đúng với việc giải ngân thanh toán theo các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng, buộc Công ty Phước Châu phải dừng thi công. Tính đến nay, Công ty Phước Châu tự tính toán con số gốc lẫn lãi mà Chí Thành nợ là hơn 34 tỷ đồng. Không đợi được ý định tự nguyện trả nợ của Công ty Chí Thành, tình hình tài chính lâm cảnh khó khăn cùng sức ép phải trả các khoản nợ ngân hàng, ông Nguyễn Văn Tin, Giám đốc Công ty Phước Châu, đã có đơn thư gửi đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 – Bộ Công an) đề nghị giải quyết dứt điểm các khoản nợ.

Ngoài các cá nhân, doanh nghiệp nêu trên, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng vướng với Công ty Chí Thành. Mới đây, PVcomBank có văn bản đề nghị các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, UBND thị xã Điện Bàn, UBND phường Điện Ngọc tạm thời chưa giải quyết các thủ tục chuyển nhượng, hợp tác đầu tư cho Công ty Chí Thành liên quan tới các tài sản đảm khi chưa có ý kiến của  PVcomBank.

Chưa đủ pháp lý vẫn ồ ạt bán đất nền ra thị trường

Mặc dù chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết (1/500) khu đô thị số 11, Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc nhưng Công ty Chí Thành vẫn “bon bon” bán sản phẩm ra thị trường. Chuyện thật như đùa đang diễn ra ngay tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Hàng loạt những bất thường tại dự án của Công ty Chí Thành đã thể hiện sự coi thường pháp luật của doanh nghiệp này.

Tại khu đô thị số 11, Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc đang diễn ra đủ chiêu “chụp giật”. Núp dưới tên gọi mỹ miều “GOLDEN ELEVEN”, dự án đã được Công ty Chí Thành đẩy ra thị trường thông qua một số kênh phân phối: Công ty cổ phần đầu tư Đất Biển Vàng, Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Trường Gia Phát, trong khi tỉnh Quảng Nam đang yêu cầu chủ đầu tư phải liên hệ với các cơ quan chức năng thực hiện đủ nghĩa vụ pháp lý.

Không những thế, dự án GOLDEN ELEVEN được quảng cáo có tổng diện tích là 11,2ha, chia thành nhiều phân lô, mỗi lô có diện tích đa dạng từ 87,5 - 260m2, với khung giá bán khoảng 400 triệu đồng/lô. Mặc dù dự án chưa hoàn thiện các nghĩa vụ pháp lý về đất đai, quy hoạch, nhưng đơn vị phân phối -  Công ty cổ phần đầu tư Đất Biển Vàng đã khẳng định chắc chắn: Dự án đã có sổ đỏ + phê duyệt quy hoạch 1/500.


Văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam.

Theo tài liệu phóng viên thu thập được, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam hiện đang yêu cầu Công ty Chí Thành hoàn thiện các thủ tục đề nghị thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết (1/500) khu đô thị số 11, Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

Xin khẳng định một lần nữa, Sở Xây dựng vẫn đang hướng dẫn Công ty Chí Thành xây dựng và hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật chứ không phải đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Rõ ràng, hành vi này của chủ đầu tư là Công ty Chí Thành và đơn vị phân phối Đất Biển Vàng, Trường Gia Phát là hết sức liều lĩnh, dùng mọi cách để chiêu dụ khách hàng, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo.

Hiện nay, thông qua các sàn môi giới bất động nêu trên, nhiều nhà đầu tư lặn lội từ các tỉnh xa đã bỏ ra một khoản tiền rất lớn đem đầu tư vào dự án GOLDEN ELEVEN để mua phiếu đặt chỗ mà không tìm hiểu kỹ thông tin về dự án. Do đó, dòng tiền “khủng” nhanh chóng chảy vào túi của chủ đầu tư “vẽ voi”, còn khách hàng “rước họa vào thân”, đối mặt với nguy cơ mất trắng vốn.


Thông tin do Chủ đầu tư và đơn vị phân phối đưa ra khiến khách hàng hiểu nhầm về tính pháp lý của dự án.

Để tránh tình trạng doanh nghiệp yếu kém về năng lực tài chính không thể triển khai dự án, vẫn tiếp tục “lập lờ đánh lận con đen”, bưng bít thông tin, lợi dụng tín nhiệm để lừa dối khách hàng xảy ra tại dự án GOLDEN ELEVEN, khu đô thị số 11, Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, đã đến lúc, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 – Bộ Công an) cần chỉ đạo các cơ chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ, trả lại niềm tin cho các nhà đầu tư đã góp vốn vào những dự án do Công ty Chí Thành làm chủ đầu tư.

Ánh Sáng

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top