Theo kết quả phân tích mẫu nước thải tại điểm xả cuối trước khi xả thải ra môi trường của Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức, nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép. Trong đó, Coliform vượt 720 lần, Amoni vượt 4,8 lần, BOD5 vượt 1,9 lần.
Kết luận của Sở TN&MT Hà Nội chỉ rõ hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải của Công ty Việt Đức.
Ngày 26/7/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) kết luận kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (gọi tắt là Công ty Việt Đức) tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh (cơ sở sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi - PV), có trụ sở chính tại Km12, Quốc lộ 1A, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, do ông Phạm Trần Sum làm Giám đốc.
Về sự cố tại hệ thống khử mùi từ ngày 17/2 - 20/2/2017, Công ty Việt Đức giải trình do động cơ của giàn phun nước mưa và hệ thống phun mưa bị tắc, dẫn tới đường ống xử lý khí, mùi bị vỡ đã phát sinh mùi khó chịu ra khu vực xung quanh. Sau khi có ý kiến phản ánh của công dân thôn Đường 23 và thôn Mỹ Lộc (Thanh Lâm), công ty đã khắc phục.
Tuy nhiên, người dân cho biết, hiện nay, trong quá trình hoạt động, Công ty Việt Đức vẫn phát tán mùi hôi khó chịu. Từ phản ánh của công dân, ngày 15/6/2017, UBND xã Thanh Lâm đã mời một số công ty, trong đó có Công ty Việt Đức, để làm rõ việc gây ô nhiễm do nhà máy sản xuất gây tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi, xả nước thải gây ô nhiễm.
Tại kết luận kiểm tra, Sở TN&MT Hà Nội đã chỉ ra những sai phạm trong vấn đề bảo vệ môi trường tại Công ty Việt Đức. Cụ thể, công ty chưa có báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định; chưa thực hiện nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp quý I/2017. Đơn vị thực hiện quan trắc chất lượng môi trường định kỳ tháng 3/2017 (đợt I) cho công ty chưa đủ năng lực quan trắc theo quy định.
Đặc biệt là hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Việt Đức về hành vi vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên đối với thông số Coliform (vượt 720 lần). Vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 đến dưới 5 lần đối với thông số Amoni = 58,25 mg/l (vượt 4,8 lần). Vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần đối với thông số BOD5 (200C) = 104,9 mg/l (vượt 1,9 lần) trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 5m3/ngày.
Hành vi vi phạm hành chính nêu trên quy định tại điểm a, khoản 6, điểm a, khoản 4, điểm a, khoản 3, Điều 13, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngày 17/7/2017, Đoàn kiểm tra đã lập hồ sơ vi phạm hành chính, trình UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành đối với Công ty Việt Đức.
Quyết định 2864/QĐ-STNMT ngày 28/12/2016 của Sở TN&MT Hà Nội phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã yêu cầu công ty phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Tuy nhiên, đến nay, công ty này vẫn chưa liên hệ với Sở TN&MT để lập hồ sơ xin cấp giấy phép theo quy định.
Từ thực trạng trên, Sở TN&MT yêu cầu Công ty Việt Đức phối hợp với đơn vị có đủ năng lực thực hiện quan trắc chất lượng môi trường định kỳ tháng 7/2017 (đợt 2). Báo cáo bổ sung chế phẩm vi sinh để thực hiện xử lý nước thải.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội có văn bản chỉ đạo UBND huyện Mê Linh yêu cầu công ty thực hiện các nội dung trên. Chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phối hợp với đơn vị có đủ chức năng được chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường để thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng môi trường định kỳ.
Chấm dứt hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải. Khẩn trương thực hiện các biện pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công trình xử lý chất thải (nước thải, khí thải); thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý chất thải rắn, lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ.
Khẩn trương lắp đặt thiết bị đo lưu lượng nước xả thải hàng ngày. Trong trường hợp lưu lượng nước thải lớn hơn 5m3/ngày, phải liên hệ với Sở TN&MT để được hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định. Liên hệ với Chi cục Bảo vệ môi trường để được hướng dẫn, kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo quy định.
Đồng thời sớm chỉ đạo cơ quan chuyên môn có giải pháp yêu cầu Công ty Việt Đức khắc phục vi phạm, xử lý thật nghiêm để không tái phạm, tránh gây bức xúc trong nhân dân.
Hoàng Văn
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.