Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 9 năm 2014 | 4:49

Cty Điện lực Phúc Thọ: Nhiều “khuất tất” trong dự án đường dây 22kV?

KTNT –  Theo đơn thư bạn đọc gửi đến Báo Kinh tế nông thôn phản về việc Công ty Điện lực Phúc Thọ (Cty ĐL Phúc Thọ, Hà Nội) xây dựng đường dây cao thế 22kV dây trần ngay sát khu dân cư, đe dọa an toàn tính mạng người dân, không tuân thủ Luật phòng cháy, chữa cháy, không phù hợp với quy định của pháp luật…

Cụ thể: Đường dây 22kV đi ngay trước cửa nhà các hộ dân là không an toàn. Đường dây 22kV là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại điều 623 Bộ luật Dân sự 2005: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.

Mặt khác, theo quy định tại mục 5.5 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN06/2010/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình, phải đảm bảo đường cho các xe chữa cháy tiếp cận đến các nhà ở và công trình công cộng, đường và bãi đỗ cho xe thẳng hoặc xe có cần nâng để có thể tiếp cận đến từng căn hộ hoặc gian phòng trên các tầng cao. Khoảng cách từ mép đường xe chạy đến tường nhà cho phép từ 5m đến 8m đối với nhà cao đến 10 tầng, và từ 8m đến 10m đối với nhà cao trên 10 tầng. Trong các vùng có khoảng cách này không cho phép bố trí tường ngăn, đường dây tải điện trên không. Tuy nhiên, trên thực tế đường dây 22kV lắp đặt cách mép đường QL32 chỉ khoảng 1- 2m, điều này hoàn toàn sai quy định.

Vì nhà xây trước nên giờ chủ hộ này nơm nớp lo sợ điện phóng vào nhà bất cứ lúc nào.

Hơn nữa, theo phản ánh của các hộ dân tại đây, đường dây 22kV chạy qua khu vực huyện Phúc Thọ thuộc loại dây trần, không đúng quy định và không đảm bảo độ an toàn. Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ, dây cấp điện trong đô thị phải được bố trí hợp lý trên nguyên tắc thay dây trần bằng dây có bọc cách điện, tiến tới ngầm hóa toàn bộ (huyện Phúc Thọ đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch là đô thị sinh thái).

Người dân còn cho rằng chủ đầu tư công trình là Cty ĐL Phúc Thọ đã vi phạm Điều 19, Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường khi cố tình che giấu thông tin về việc lắp đặt đường dây cao thế 22kV. 

“Nếu chúng tôi biết trước, không bao giờ cho kéo qua nhà mình, khi đào hố chôn cột hỏi thì người ta bảo có dây bọc, khi mắc lên lại dây trần. Giờ chưa có điện chứ khi đóng điện thì chúng tôi nơm nớp lo sợ vì đường dây sát nhà, sát phòng ngủ. Đằng sau dãy nhà dọc QL32 là ruộng không hiểu sao họ không mắc ra đấy”, một người dân cụm 8, thị trấn Phúc Thọ xin được giấu tên bức xúc.

Khu đất được “đặc cách” chạy đường điện 22kV ra phía sau (tính từ mặt đường 32).

Cũng theo thông tin từ nhiều hộ dân sống ven QL32, nơi đường điện 22kV chạy qua, hiện tại suốt 8,5km đất đường ven QL32 đi qua các xã Tích Giang, Ngọc Tảo, Phụng Thượng, Thọ Lộc đều là đất lúa. Trên thực tế, đã có một đường dây 35kV đi qua khu vực cánh đồng tồn tại hơn 20 năm, và được người dân nơi đây hoàn toàn ủng hộ. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao khi thi công, đường dây cao thế 22kV bắt buộc phải nằm trên hành lang QL32, mà không phải là khu vực cánh đồng, nơi không ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân? 

Vô lý thay, có những thửa đất bằng phẳng, đẹp dọc QL32 chưa có nhà ở dân cư được rào dây thép gai và trồng cau kiểng nhưng đường điện 22KV lại vòng ra phía sau (cánh đồng, sau nhà các hộ dân). Điều này khiến người dân hoài nghi phải chăng đây là mảnh đất của “xếp” nào nên đường điện phải “vẽ” như vậy?!

Bất bình hơn, trong đơn thư phản ánh gửi tới Báo Kinh tế nông thôn có nhắc tới một số dấu hiệu cưỡng chế thi công công trình (dù không có quyết định cưỡng chế), bất chấp sự phản đối của người dân nơi đây: “Ngày 2/8/2014, Cty ĐL Phúc Thọ tổ chức đông người bao gồm máy xúc, nhiều công nhân dưới sự hỗ trợ của chính quyền xã và các phòng, ban của UBND huyện tới khu vực Phố Từa, xã Thọ Lộc để cưỡng chế lắp đặt, dùng máy móc tấn công vào các khu vực có người cản trở không cho làm” ?!.

Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Kim Văn Tư, Phó trưởng phòng phụ trách quản lý đầu tư Cty ĐL Phúc Thọ lại tỏ ra bất hợp tác và đề nghị không hợp lý: “Đề nghị anh cung cấp đơn cho chúng tôi trước, nếu không cung cấp tôi từ chối cuộc nói chuyện này”.  

Có những chân cột cách mép đường chưa đầy 1m.

Bà Lý Hoài Thu, Trưởng phòng Tổng hợp Cty ĐL Phúc Thọ cũng cho hay: “Khi làm đường dây 22kV này, chúng tôi có đầy đủ tính chất pháp lý, người dân cũng chấp thuận. Đơn các anh đến làm là đơn nạc danh”.

Xin thưa với Cty ĐL Phúc Thọ rằng, trong đơn người dân gửi đến cơ quan Báo chúng tôi có chữ ký sống của hàng chục hộ dân các cụm 5, 8 phản ánh việc làm khuất tất của công ty chứ không phải nạc danh.

Thiết nghĩ rằng, quyền lợi và an toàn về cuộc sống và tính mạng của người dân là trên hết. Đề nghị các cơ quan hữu quan huyện Phúc Thọ vào cuộc làm rõ những vấn đề thắc mắc, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc./.

Nhất Nam

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top