Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 5 năm 2014 | 12:46

Cứ sai phạm là xin hợp thức: Hà Nội đang tạo tiền lệ xấu trong việc xây dựng bất động sản?

KTNT - Dự án tòa nhà Sakura Tower tại số 47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) từng bị cơ quan chức năng xử phạt khung cao nhất là 500 triệu đồng vì không có giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn thi công đến tầng 21. Mới đây, doanh nghiệp này lại tiếp tục “dính án” khi tự ý thay đổi công năng 02 sàn kỹ thuật 2000 m2 thành 03 sàn căn hộ để bán. Điều lạ, là sau mỗi lần vi phạm, doanh nghiệp chỉ cần nộp tiền phạt là có thể “nhận tráp” được phép tồn tại của cơ quan chức năng.

Hà Nội: Lập tổ kiểm tra sai phạm của tòa cao ốc từng xây hơn 20 tầng không phép


Như báo Kinh tế nông thôn đã thông tin, tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại Sakura Tower do Công ty cổ phần Hùng Tiến - Kim Sơn làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng Vinaconex - Alphanam chịu trách nhiệm thi công. Dự án khởi công từ cuối năm 2009 với tổng diện tích đất là hơn 2.600m2, diện tích đất xây dựng là gần 1.300m2 tương ứng mật độ xây dựng 48,2% thuộc địa bàn phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội).

Mặc dù bị các cơ quan chức năng đình chỉ thi công do chưa có phép xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn tự ý hoàn thành phần thô công trình với tổ hợp 21 tầng uy nghi, hoành tráng.

Cụ thể, theo hồ sơ vụ việc, ngày 11/3/2010, Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân đã lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng thi công công trình do không có giấy phép xây dựng. Tiếp đó, ngày 3/12/2010 và ngày 23/3/2011, tiếp tục có 2 lần kiểm tra nữa và ra quyết định đình chỉ thi công công trình nhưng hoàn toàn không có hiệu lực.

Ngày 25/7/2011, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt chủ đầu tư 500 triệu đồng và phạt nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng VINACONEX- ALPHANAM 30 triệu đồng.

Khi những đình đám về tòa nhà này chưa kịp lắng xuống, mới đây chủ đầu tư tiếp tục vi phạm pháp luật về xây dựng khi tự ý thay đổi công năng 02 sàn kỹ thuật 2000 m2 thành 03 sàn căn hộ để bán.

Điều lạ, là chỉ sau khi báo chí thông tin thì cơ quan chức năng mới cuống cuồng bắt đầu vào cuộc kiểm tra và ngay cả bà Trần Thị Thanh Bình khi trao đổi với phóng viên khẳng định, UBND phường chưa hề tiếp nhận những phản ánh, khiếu nại của người dân về sai phạm tiếp nối tại tòa cao ốc Sakura. Vị chủ tịch phường cho rằng do chủ đầu tư thi công tiếp bên trong tòa nhà nên phường không phát hiện được?


Khi mọi việc đã “an bài”, nhiều hộ dân đã về những căn hộ đang có sai phạm này sinh sống thì việc gỡ rối là vô cùng khó. Đây có lẽ là con bài của chủ đầu tư nhằm đối phó hiệu quả nhất với cơ quan chức năng, để buộc các ban ngành phải đồng ý chấp thuận với chủ đầu tư về những điều khoản họ đưa ra nhằm thay đổi công năng công trình.

Trong công văn gửi UBND quận Thanh Xuân của Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn báo cáo về việc thực hiện dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ công cộng Sakura Tower tại số 47 Vũ Trọng Phụng, đơn vị này là chủ đầu tư dự án cho biết chính thức khởi công xây dựng tòa nhà vào quý IV/2009 trên cơ sở giấy phép xây dựng tạm cấp cho việc xây tầng hầm.

Tuy nhiên, xây xong tầng hầm, đơn vị này không dừng lại xin cấp phép xây dựng tiếp theo quy định mà tiếp tục đẩy nhanh thi công dự án đến khi tòa nhà cao 21 tầng. Trong khi đó, động thái của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan chỉ là lập biên bản rồi...để đấy.

Vụ việc chỉ được làm rõ khi đoàn thanh tra liên ngành vào kiểm tra hiện trạng tòa cao ốc xây thô 21 tầng. Phát hiện sai phạm nghiêm trọng, ngày 26/7/2011, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính mức 500 triệu đồng với chủ đầu tư công trình.

Sau đó, các cơ quan chức năng TP Hà Nội tổ chức họp liên ngành và quyết định chấp thuận đề xuất của liên ngành về việc cấp phép xây dựng cho công trình tòa cao ốc số 47 Vũ Trọng Phụng, yêu cầu tiếp tục hoàn thiện sớm đưa vào sử dụng.

Công văn của Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn cho biết: Giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng TP Hà Nội cấp cho công trình này với quy mô: 22 tầng + 2 tầng hầm + 1 tầng lửng + 2 tầng ký thuật + 1 tầng mái, đảm bảo chiều cao xây dựng là 91,2 m. Tuy nhiên, đơn vị này được đà lấn tới, khi tiếp tục có sai phạm.

Trong công văn gửi UBND quận Thanh Xuân, chủ đầu tư lí giải tự ý thay đổi công năng 02 sàn kỹ thuật 2000 m2 thành các sàn căn hộ để bán: là do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản suy giảm, việc thiết kế một số căn hộ cao cấp trong dự án không thể bán được. Vì vậy, chủ đầu tư đã tự điều chỉnh thiết kế bên trong công trình, thay đổi công năng sử dụng của các tầng kỹ thuật.

Chủ đầu tư viện dẫn chủ trương tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết nhu cầu nhà ở cho nhân dân nên Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn chia nhỏ căn hộ, tăng diện tích sử dụng nhà của dự án...để biện giải cho việc thay đổi công năng 2 sàn kỹ thuật. Tuy nhiên, tất cả những thay đổi này đều chưa hề được sự thẩm định và cho phép của cơ quan chức năng.

Được biết, chủ đầu tư tòa cao ốc này đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình các cơ quan chức năng xin cấp phép cho việc thay đổi công năng các tầng này theo kiểu "tiền trảm hậu tấu".

Trước thông tin, các tầng kỹ thuật sau khi được biến thành các căn hộ đã được chuyển giao cho người dân sinh sống dù chưa hợp pháp, chủ đầu tư dự án cho biết mới ký hợp đồng cho thuê dài hạn với các cán bộ công nhân viên và người thuê, thỏa thuận đến khi được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho việc bổ sung các nghĩa vụ tài chính chuyển đổi sang mục đích để ở thì sẽ chuyển sang hợp đồng mua bán các căn hộ dài hạn để có thể đề nghị cấp sổ đỏ cho các hộ dân này.

Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn cũng cho biết trước khi dừng hoạt động để giải thể công ty, đơn vị này mong muốn các cơ quan liên quan tạo điều kiện để công ty tồn tại thêm một thời gian nữa để hoàn thành trách nhiệm làm "sổ đỏ" cho các cư dân đã mua căn hộ tại tòa cao ốc Sakura Tower.

Cơ quan nào sẽ “gật đầu” cấp phép hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư. Và họ lí giải như thế nào về việc đang tạo tiền lệ xấu trong cấp phép hợp thức hóa sai phạm tại các tòa nhà cao ốc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.

Thành Vinh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top