Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 8 năm 2016 | 1:33

Đà Nẵng: Sự thật vụ phá rừng ở bán đảo Sơn Trà

Tất cả các cây gãy đổ đều do tác động của cơn bão số 11 năm 2013, đa số cây đã bị mục lõi, mối mọt xâm hại. Nhiều cây bị gãy ngang, gãy ngọn chết khô; phần lớn cây gãy đổ đều là loại gỗ tạp, gỗ thường từ nhóm V tới nhóm VIII... Đó là kết quả được ghi nhận thực tế tại buổi kiểm tra của đoàn liên ngành TP. Đà Nẵng tại tiểu khu 63 bán đảo Sơn Trà ngày 11/8/2016.

Ông Thượng tá với câu chuyện trồng rừng

Đoàn liên ngành kiểm tra thực tế tại cây có số hiệu khám nghiệm K02.

Năm 1996, Ban bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà động viên gia đình ông Phạm Hùng Mạnh nhận đất trồng rừng theo Nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ. Gia đình ông Mạnh nhận thấy đây là chủ trương đúng đắn về phát triển và bảo vệ rừng, đồng thời là cơ hội để phát triển kinh tế vườn rừng. Trên cơ sở đó, hộ ông Mạnh cùng một số hộ khác đã ký hợp đồng giao khoán đất để trồng rừng và phát triển kinh tế vườn trong thời hạn 50 năm theo biên bản số 109/HĐ - GK ngày 25/08/1997 giữa Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và đại diện hộ ông Phạm Hùng Mạnh. Trong biên bản hiện trường ghi rõ việc giao đất để trồng rừng.

Trong suốt 20 năm nhận giao khoán, nhiều hecta rừng được trồng mới. Công sức, tâm huyết, mồ hôi nước mắt, tiền bạc của gia đình đã dồn vào đây để bán đảo Sơn Trà được xanh tươi, được coi là lá phổi xanh của TP. Đà Nẵng. Qua thời gian nhận giao khoán, ông Mạnh xác định, muốn bảo vệ và phát triển vườn rừng bền vững thì phải kết hợp khai thác một số dịch vụ kinh tế từ vườn rừng (những loại hình được nhà nước cho phép). Trên cơ sở đó, ông Mạnh xin phép TP. Đã Nẵng thành lập doanh nghiệp để liên kết trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển sản xuất, trồng các loại dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái. Trong 8 năm qua, hàng chục hecta cây dược liệu, hàng vạn cây sưa đỏ, cây gió bầu lấy trầm và nhiều loại cây ăn trái được trồng, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong quá trình nhận giao khoán đất để trồng rừng, gia đình ông Mạnh luôn chấp hành và tuân thủ nghiêm các quy định về bảo tồn, bảo vệ rừng, luôn chủ động đề cao công tác phòng chống cháy rừng. Nhiều lần ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng vào rừng săn thú với tang vật thu được là súng quân dụng cùng thú rừng. Tất cả đều được báo cáo và bàn giao cho Hạt Kiểm lâm địa phương.

Nhiều năm qua, các cơ quan như Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã nhiều lần vào kiểm tra và đều đánh giá cao công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng của ông Mạnh. Bản thân là đảng viên, sĩ quan quân đội với 37 năm công tác trong quân ngũ, người con trai lớn hiện đang là sĩ quan chỉ huy tàu cảnh sát biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, ông Mạnh ý thức rất cao về giá trị thiêng liêng của từng tấc đất, từng kilômét đường biển ông đã đi qua.

Căn nguyên của sự thật

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 04/2016, khi một số cơ quan thông tấn có đăng tải thông tin người dân phát hiện có người vận chuyển gỗ qua đường biển tại bãi bắc của bán đảo Sơn Trà. Qua đó, chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ký Công văn số 4609/UBND - KT2 gửi các cơ quan có liên quan về việc xử lý khai thác gỗ trái phép tại khu vực Trường Mai, tiểu khu 63, bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, qua kiểm tra, phát hiện 25 cây bị đổ có đường kính từ 15-143cm, trong đó có 13 cây có tác động của con người. Tất cả các cây theo ghi nhận đều là gỗ tạp thuộc nhóm V, VI, VII giá trị kinh tế không cao.

Mặt khác, đặc điểm rừng tại khu vực bán đảo Sơn Trà không có loại gỗ quý hiếm. Hàng năm hứng chịu nhiều cơn bão lớn, ảnh hướng của điều kiện tự nhiên nên cây rừng ở đây chủ yếu là cây thấp tầng. Trong quá trình bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng, đều nhằm tạo cảnh quan sinh thái, phòng chống cháy rừng và mục đích an toàn cho du khách tới tham quan vườn rừng. Việc thu dọn lại cây gãy đổ, chắn ngang lối đi, chắn ngang lòng suối được cắt khúc xếp gọn gàng cạnh hiện trường. Thực tế, tất cả khúc gỗ đều còn nguyên tại hiện trường, đều là gỗ khô, bị mối mọt, không phải gỗ quý hiếm, chỉ là gỗ tạp, giá trị kinh tế không cao.

Liên quan tới vấn đề này, ngày 11/08, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Đà Nẵng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ việc khai thác gỗ trái phép tại khu vực Trường Mai, tiểu khu 63, bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, theo Quyết định số 194/QĐ - CCKL ngày 5/08/2016 do đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng làm trưởng đoàn. Tại thời điểm khám nghiệm hiện trường, trong bảng kê cây rừng bị thiệt hại đã khám nghiệm của Chi cục kiểm lâm TP. Đà Nẵng thể hiện các cây bị gãy đổ tự nhiên, đã bị mối mọt xâm hại, thân cây đã mục rỗng. Cụ thể, tại cây khám nghiệm có số hiệu K20 thuộc nhóm gỗ VII, tọa độ khám nghiệm 560.18 - 1.784.728, đường kính chu vi 13, đã ghi nhận cây bị gãy đổ tự nhiên, bị mối mọt xâm hại, chiều dài thân cây là 8,6m, được cắt làm 3 đoạn, không lấy lâm sản, không mang ra khỏi hiện trường.

Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn liên ngành cũng ghi nhận các cây bị gãy đổ tự nhiên, được dọn dẹp lại, xếp đống cạnh hiện trường như các cây có số hiệu khám nghiệm K15, K16, K17, K18, K05… Đồng thời, Đoàn kiểm tra ghi nhận tại hiện trường khối lượng gỗ được dọn dẹp, thu gom chất đống cách các gốc cây chặt từ 30 - 50m. Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra, số liệu gỗ các cây gãy đổ tự nhiên được dọn dẹp lại có sự bất nhất. Cụ thể, ngày 18/1/2016 và ngày 11/3/2016, Đoàn kiểm tra đều ghi nhận việc dọn dẹp cây và phát cỏ tầm thấp. Ngày 29/4/2016, Đoàn liên ngành của TP. Đà Nẵng tiến hành kiểm tra khẳng định đây là những cây khô mục, mối mọt, không xác định được khối lượng. Tuy nhiên, ngày 17/5/2016, đoàn liên ngành kiểm tra xác minh lại xác định là phá rừng với số lượng 16 cây, khối lượng 63,4m3. Ngày 10/06/2016, tiếp tục có Đoàn kiểm tra và xác minh lại thì xác định số cây tăng lên 25 cây, khối lượng tính còn lại 39,4m3. Theo đề nghị của ông Phạm Hùng Mạnh, ngày 11/08/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành xác định số lượng cây 25, nhưng khối lượng gỗ chỉ còn 29,4m3. Rõ ràng, qua các đợt kiểm tra, số liệu của các đoàn kiểm tra có sự bất nhất, không trùng khớp.

Như vậy, thông tin tại buổi kiểm tra liên ngành TP. Đà Nẵng, tại hiện trường khác hẳn với một số thông tin trước đây về việc nghi phá rừng tại tiểu khu 63, bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.

“Trong quá trình bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng, để tạo cảnh quan sinh thái, phòng chống cháy rừng, đảm bảo an toàn cho những du khách đến tham quan, tránh để những cây chết khô đổ, gãy rất dễ gây tai nạn, tôi đã cho người vệ sinh, thu dọn một số cây gỗ đổ, gãy, cây chết đứng. Đối với một số cây đổ, gãy chắn ngang lối đi, tôi cho cắt khúc và xếp gọn gàng cạnh đó. Tất cả các khúc gỗ đều còn nguyên ở tại hiện trường, các đoàn kiểm tra cũng đã đo đếm, chứ tôi chưa hề vận chuyển một khúc gỗ, thậm trí là một mẩu gỗ nhỏ nào ra khỏi rừng.Tôi đã đổ mồ hôi công sức, tiền bạc vào khu rừng này từ hàng chục năm nay. Chỉ cần suy xét khách quan thì mọi người đều hiểu tôi không hề có bất cứ động cơ nào để thu lợi từ những khối gỗ tạp đã gãy đổ mục nát, hầu như chỉ có tác dụng để làm… củi đun. Tôi mong dư luận cũng như các cơ quan chức năng cần đánh giá và soi xét một cách khách quan, công tâm”, ông Mạnh nói.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Mạnh Tiến

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top