Hai bị cáo Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt bị tòa tuyên án tử hình trong vụ tham nhũng tại Vinashinlines.
Sau thời gian nghị án, chiều 22/2, Tòa án Hà Nội đã đưa ra phán quyết cấp sơ thẩm đối với vụ án tham nhũng tại xảy ra Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines).
Quan điểm của tòa án cấp sơ thẩm cho biết, tại phiên tòa các bị cáo thay đổi lời khai so với tại thời điểm tại cơ quan điều tra. Tuy nhiên, việc thay đổi lời khai nhưng các bị cáo không đưa ra được chứng cứ mới.
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo, các chứng cứ, tài liệu hồ sơ vụ án, HĐXX xét thấy, trong vụ án này, Trần Văn Liêm – cựu TGĐ Vinashinlines là người chỉ đạo.
Với vai trò là TGĐ, Trần Văn Liêm điều hành công ty trên mọi lĩnh vực. Liêm đã chỉ đạo Giang Kim Đạt đàm phán việc mua tàu. Chữ ký của Trần Văn Liêm là quyết định cuối cùng để thông qua việc mua tàu. Nếu cựu TGĐ không đồng ý thì Đạt không thể thực hiện việc mua 3 tàu. Việc mua bán và giá cả thỏa thuận, Giang Kim Đạt đều báo cho cho Trần Văn Liêm.
Với Giang Kim Đạt – cựu quyền trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines, theo tòa giữ vai trò đồng phạm tích cực. Trong thời gian làm quyền trưởng phòng kinh doanh, Đạt đã được giao nhiệm vụ quản lý 8 con tàu.
Đạt trực tiếp thỏa thuận để hưởng chênh lệch giá cho thuê tàu và tiền hoa hồng mua 3 con tàu. Để nhận số tiền này, Đạt đã bảo bố đẻ của mình là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản tại 4 ngân hàng để nhận tiền từ đối tác nước ngoài và tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Cựu kế toán trưởng Trần Văn Khương được tòa xác định giữ vai trò đồng phạm. Bị cáo đã thực hiện chỉ đạo của Trần Văn Liêm bỏ ngoài số sách kế toán số tiền hoa hồng được hưởng từ mua 3 con tàu. Khương biết rõ số tiền hoa hồng từ việc mua tàu của Vinashinlines nhưng đã không đưa vào quyết toán của công ty, không hạch toán vào sổ sách kinh doanh của Vinashinlines.
Đối với Giang Văn Hiển mở tài khoản ngoại tệ để nhận tiền bất hợp pháp. Bị cáo đã trực tiếp đứng tên 22 tài khoản ngoại tệ tại 4 ngân hàng, để nhận số tiền hơn 260 tỷ đồng từ các đối tác nước ngoài chuyển về.
Bị cáo nhận thức được mục đích của việc con trai đề nghị mở tài khoản tại các ngân hàng khác nhau là để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng Việt Nam. Bị cáo cũng nhận thức được số tiền các công ty nước ngoài gửi vào tài khoản của mình là tiền bất hợp pháp nhưng vẫn tích cực thực hiện.
Về số tài sản chiếm đoạt, tòa đủ căn cứ xác định bị cáo Trần Văn Liêm đã chiếm doạt số tiền hơn 3,1 tỷ đồng. Ngoài 40.000 USD thì số tiền chiếm đoạt còn được chuyển hóa bằng các bất động sản và ô tô mà Giang Kim Đạt dùng tiền bất hợp pháp trong tài khoản để mua cho cựu TGĐ.
Bị cáo Giang Kim Đạt được tòa xác định chiếm đoạt số tiền hơn 255 tỷ đồng. Bị cáo Trần Văn Khương được xác định chiếm đoạt số tiền hơn 1,7 tỷ đồng (110.000 USD).
Số tiền Giang Kim Đạt chiếm đoạt được bị cáo nhờ bố mình là Giang Văn Hiển đứng ra mua 40 bất động sản và mua bán ô tô 13 lần.
Tòa khẳng định, lời khai của bị cáo trước vành móng ngựa đã thay đổi so với thời điểm tại cơ quan điều tra nhưng không có cơ sở chấp nhận. Đối với bào chữa của các luật sư, tòa khẳng định không có cơ sở.
HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Văn Liêm tử hình, bị cáo Giang Kim Đạt tử hình, bị cáo Trần Văn Khương tù Chung thân về tội Tham ô tài sản. Riêng bị cáo Giang Văn Hiển mức án 12 năm tù về tội Rửa tiền.
Mức hình phạt đưa ra cao hơn so với đề nghị của VKS. Trước đó trong phần tranh luận, VKS đề nghị tuyên phạt Trần Văn Liêm án Chung thân, bị cáo Giang Kim Đạt án Tử hình, bị cáo Trần Văn Khương mức án 20 năm tù và bị cáo Giang Văn Hiển mức án 8-9 năm tù giam.
Các bị cáo có trách nhiệm trong việc bồi hoàn khoản tiền chiếm đoạt hơn 160 tỷ đồng cho Tổng công ty công nghiệp tàu thủy.
Theo cáo trạng, thời gian lãnh đạo Vinashinlines, Trần Văn Liêm và thuộc cấp đã thực hiện thỏa thuận với đối tác để nhận hoa hồng trong việc mua tàu, nhận chênh lệch ngoài hợp đồng cho thuê tàu… để chiếm đoạt 260 tỷ đồng.
Để nhận số tiền này, bị cáo Giang Văn Hiển – bố đẻ của Giang Kim Đạt đã mở 22 tài khoản ngoại tệ tại 4 ngân hàng. Các đối tác của Vinashinlines đã 92 lần chuyển tiền vào các tài khoản.
Cơ quan tố tụng cho biết, ngoài việc chia tiền mặt, các bị cáo còn sử dụng tiền chiếm đoạt để mua bất động sản, sắm phương tiện cá nhân đắt tiền. Tổng số tiền chiếm đoạt là hơn 260 tỷ đồng./.
Theo Việt Đức/VOV
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.