Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 3 năm 2017 | 12:11

Đắk Glong (Đắk Nông): Thiếu hiểu biết, nhà vườn rủi ro

Thời gian gần đây, nhiều bà con xã Quảng Khê gửi thư đến Báo Kinh tế nông thôn và các cơ quan chức năng huyện Đắk Glong (Đắk Nông)  phản ánh việc bón phân của Trung tâm Phân bón Sơn Trang (sau đây gọi là Sơn Trang), cà phê bị vàng lá, chết hàng loạt, khiến người dân bị thiệt hại nặng.

Điều đáng nói là, khi sự việc xảy ra bà con không báo ngay cho các cấp có thẩm quyền, khi mua hàng cũng không lấy hóa đơn, tự giải quyết với nhau không xong mới làm đơn trình báo, khiến sự việc thêm rắc rối.

Giàng Giống Xì (áo trắng) cùng Sùng A Ca chăm sóc những cây cà phê đang dần hồi phục.

Thiếu hiểu biết

Theo đơn của bà Chu Thị Minh Hương, bà có 2.000 cây cà phê mới trồng,  4.000 cây 3 năm tuổi. Tháng 8/2015, bà mua phân của Sơn Trang (mua trả chậm do thiếu vốn)  về bón cho cây. Khoảng 3 tháng sau 2.000 cây con bị vàng lá, chết dần; 500 cây lớn héo cành, khô quả. Thấy hiện tượng lạ, bà đã báo cho Sơn Trang nhưng phía Sơn Trang khất lần... Bà Hương trực tiếp ra Trung tâm thì được tư vấn mua thêm phân bón bổ sung, song vẫn không cứu được.

Khi 2.000 cây con mất trắng, 500 cây lớn khó hồi phục, Sơn Trang mới cho người vào xem, kê đơn lấy “thuốc”, nhưng không giải thích hay hướng dẫn gì. Bà Hương ra đại lý khác nhờ người chăm sóc những cây lớn có thể cứu vãn được. Khi đến Sơn Trang bàn chuyện thanh toán tiền nong, phía Sơn Trang cho biết, bà Hương  còn nợ 32 triệu đồng cả gốc và lãi. Bà Hương đề nghị, cà phê bị chết nhiều, nên tính toán lại để chia sẻ khó khăn.  Sơn Trang cho biết, chỉ bớt phần lãi, còn gốc phải trả đủ. Hai bên lời qua tiếng lại nhiều lần nhưng vẫn không giải quyết được.  

Trước tình hình đó, ngày 7/9/2016, bà Hương đã gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền huyện Đắk Glong.

Thông tin này đến với Sùng A Ca, dân tộc Mông, xã Đắk Som, khi anh đang đi chợ. Vì anh và bạn là Giàng Giống Xì cũng mua phân của Sơn Trang và cà phê cũng bị chết. Cả hai đã tìm gặp bà Hương để biết thêm tình hình.

Qua tìm hiểu, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn được biết, ngoài những người trên, Đắk Som còn có Sùng A Cấu, Trưởng thôn 2, trước đây mua phân của Sơn Trang, bị chết 500 cây/2.600 cây. Tuy nhiên, điều đáng nói là, do thiếu hiểu biết và thiếu vốn, phải mua chịu nên khi cây chết tất cả đều không báo với Sơn Trang. Anh Sùng A Cấu cho biết, có lẽ còn nhiều người mua phân ở đấy, nhưng khi cây chết, cứ tưởng do bón ít phân, lại bón tiếp. Khi không cứu vãn được vẫn im lặng, vì đang nợ tiền.   

Sau khi làm việc với các hộ dân, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã gặp bà Bạch Thị Thu Trang, chủ nhân của Sơn Trang. Tại đây bà Trang hỏi phóng viên: Các hộ gửi đơn cho báo và cơ quan chức năng, có gửi hóa đơn, hay giữ lại bao bì, nhãn mác  không? PV trả lời: “Đã yêu cầu các hộ xuất trình chứng cứ”. Bà Hương và các hộ dân đều cho biết, là khách hàng lâu năm của Sơn Trang nên không lấy hóa đơn, không giữ lại bao bì. Bà Hương cho biết thêm, bà và chủ đại lý Sơn Trang còn có tình đồng hương nên mọi việc đều “đơn giản”. Còn Sùng A Ca trình bày, do thiếu hiểu biết nên khi bà Trang đưa thuốc xịt bổ sung, xịt xong cũng vứt nhãn mác, lấy làm thùng.  

Bà Hương bên rẫy cà phê 2.000 cây con mất trắng

Người tiêu dùng tự bảo vệ mình

Sau đó, phóng viên tìm gặp Trưởng Công an xã Quảng Khê, ông Phạm Xuân Tuyến. Ông Tuyến cho biết: “Việc kiểm định chất lượng phân bón phải có cơ quan chuyên môn vào cuộc, chỉ nhìn mắt thường hay nhãn mác thì không phân biệt được”. 

Tiếp đó, phóng viên tìm gặp Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Đắk Glong, ông Nguyễn Hiền. Ông Hiền cho rằng: “Chúng tôi đã có nhiều lớp tập huấn sử dụng phân bón đúng cách, hướng dẫn bà con cách lựa chọn phân và nguyên tắc đầu tiên là phải rõ nguồn gốc. Nếu lỡ mua phân kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến cây trồng, phải phản ánh kịp thời để tìm nguyên nhân. Về vụ việc ở xã Quảng Khê, rất tiếc khi sự việc xảy ra, bà Hương và các đương sự không báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý. Mặt khác, ngành nông nghiệp chỉ quản lý phân hữu cơ, phân vô cơ thuộc trách nhiệm của Sở Công Thương nên thời gian tới, chúng tôi sẽ yêu cầu Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý tình hình kinh doanh phân bón trên địa bàn”.

Qua câu chuyện của các bên, chúng tôi thấy có rất nhiều nguyên nhân khiến cà phê chết, ví như: nắng hạn kéo dài, bón phân không đúng quy trình, không đúng thời điểm; bệnh thối rễ; phân kém chất lượng, phân giả... Thêm nữa, do bà con thiếu hiểu biết pháp luật , nhất là về quyền lợi người tiêu dùng nên khi mua phân không lấy hóa đơn, khi cây chết không báo ngay cho chính quyền và cơ quan chuyên môn để xử lý kịp thời. Người bán cũng không tư vấn cho bà con cách sử dụng phân bón đúng cách. 

Để tránh những trường hợp đáng tiếc tương tự như  bà con xã Quảng Khê, Đắk Som-  Đăk Glong (Đắc Nông) chúng tôi xin trích dẫn Điều 8 và Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng để bà con tham khảo, áp dụng khi cần thiết. 

Điều 8. Quyền của người tiêu dùng

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Điều 9. Nghĩa vụ của người tiêu dùng

1. Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

2. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng”.

Đươc biết, hàng năm ở khu vực Tây Nguyên, nạn phân bón giả, nhái, kém chất lượng đã gây thiệt hại cho người  trồng cà phê hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy, người tiêu dùng cần trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình.

   Dương An Như

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top