Hiện ở Tây Nguyên đang trong mùa khô nên nhiều dòng suối bị khô hạn trơ đáy. Lợi dụng điều đó, tại xã Vụ Bổn (Krông Păk - Đắk Lắk), lâm tặc, cát tặc ngày đêm đào bới, đục khoét lấy cát và tìm cây gỗ khiến cho dòng suối ở đây tan hoang.
PV tìm đến suối Nước Trong, đoạn qua các thôn 13 và thôn 15 của xã Vụ Bổn, không khỏi bất ngờ khi chứng kiến các nhóm lâm tặc, cát tặc dùng xe múc gầm rú vang động đất trời để đào bới 2 bên bờ suối và hàng trăm lượt xe tải liên tục ra vô chở cát đi bán. Không dừng ở đó, chúng còn dùng máy xúc công suất lớn đào bới dưới lòng sông tìm kiếm những gốc cây, cây rừng bị lũ lụt cuốn về lâu nay vùi lấp để lấy đưa đi tiêu thụ.
Lâm tặc dùng máy xúc đào bới tìm gỗ.
Thấy có người lạ mặt xuất hiện, mấy thanh niên đứng dưới lòng suối chạy lên nhìn với thái độ hung hăng, tiếng xe máy xúc cũng dần tắt theo, chỉ còn những đám bụi hòa lẫn khói đen kịt mù mịt giữa không gian của núi rừng. Một người thanh niên dáng dấp to cao, ngực trần tiến lại gần chúng tôi gằng giọng nói: “Mấy đứa mày ở đâu mà dám tới đây. Có biết tụi tao là ai không. Liệu biến đi không tao móc mắt đấy?”. Biết gặp bọn hung dữ, chúng tôi dịu giọng: “Nghe mấy anh có bán cát nên tụi em đến đây hỏi để xây công trình”.
Khác với người thanh niên bặm trợ này, từ xa giọng một người đàn ông đứng tuổi vọng lên bờ, tiếng nhỏ nhẹ: “Trọc! Mày thôi đi. Nếu mấy chú đó mua cát của mình thì cứ để mấy ảnh tham quan”. Không biết ông này có số má như thế nào ở khu vực này mà khi nghe “lệnh”, người thanh niên to cao kia hạ giọng lại và nói: “Mấy anh nghe ông chủ tui nói rồi đấy. Mấy anh cứ tự nhiên”. Nói rồi, người này quay lưng bỏ đi nhưng không quên để lại lời dặn: “Nếu tụi mày cà chớn thì “đứt”, đừng trách con dao phay của tụi này vô tình”.
Một nhóm lâm tặc đang dùng tời để kéo một khúc gỗ sao bị vùi dưới lòng suối lên.
Theo quan sát của chúng tôi, lòng suối rất rộng, đã bị các đối tượng dùng máy xúc đào bới xới ngang dọc, xới tung đất cát cạnh bờ sông để lại những hố sâu vài chục mét vuông. Một người trong nhóm này cho biết, chỉ có vài anh em vào đây lấy cát tự phát và gỗ, nhưng chúng tôi nhìn thấy hàng chục chiếc võng dù treo san sát trong những lùm cây, còn phía dưới chân đồi có gần chục chiếc xe máy.
Nhiều người dân địa phương thì cho hay, bọn họ khai thác, múc cát, khai thác gỗ rầm rộ, trong thời gian dài. Chẳng bao lâu nữa, dòng suối này sẽ bị “khai tử”. Chẳng hiểu chính quyền có cho phép không mà họ ngang nhiên đào hầm phá dòng suối từ năm ngoái đến nay; thậm chí, mới sáng tinh mơ đã nghe tiếng người nói chuyện, tiếng máy xúc inh cả tai, vang dội cả khu vực.
Những hố nước sâu, lòng suối bị nham nhở do bị lâm tặc đào bới để kiếm gỗ và lấy cát.
Khi nghe chúng tôi hỏi nhiều về vấn đề này, người dân không khỏi nghi ngờ và tỏ ra ái ngại hỏi “Các anh là nhà báo à? Mấy anh đi thế này mạo hiểm quá, bọn chúng hung dữ lắm. Các anh làm rồi rút về nhanh nhanh kẻo bọn chúng phát hiện ra thì nguy hiểm lắm”. Nghe thế, anh bạn đi cùng tôi rùng mình.
Việc khai thác tài nguyên trái phép và vô tội vạ này đã làm tan hoang con suối. Rồi đây, khi mùa mưa lũ đến, dòng chảy thay đổi sẽ xói mòn đất sản xuất 2 bên của nhân dân và ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái nói chung.
Thực trạng này đòi hỏi chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý./.
Anh Thi – Duy Hòa
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.