Thời gian gần đây, một số xã như Ea Tul, Cư Dliê M’Nông thuộc huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) rộ lên tình trạng mất trộm dây tiêu. Mới đây, vấn nạn này tiếp tục tái diễn tại xã Ea K’Pam (Cư M’Gar) khiến nhiều hộ trồng tiêu ăn không ngon ngủ không yên và rơi vào trạng thái vô cùng hoang mang, lo lắng.
Anh Nguyễn Duy Quý (SN 1985, trú tại thôn 4, xã Ea K’Pam, huyện Cư M’Gar) cho biết: “Ngày 23-5, tôi đi thăm rẫy cách nhà hơn 1km thì tá hỏa phát hiện 210 gốc tiêu mới trồng được hơn 10 ngày của gia đình bỗng dưng “không cánh mà bay”, chỉ còn trơ lại mỗi trụ bê tông. Ngay sau đó, tôi đã trình báo với chính quyền địa phương”.
Theo anh Quý, gia đình anh có gần 1ha đất trồng cà phê xen hồ tiêu. Do cà phê già cỗi nên mới đây, anh đã phá đi để đầu tư trồng mới 400 trụ tiêu. Để có tiêu giống tốt, anh Quý phải nhờ người mua giống tận Bà Rịa Vũng Tàu với giá 22.000 đồng/dây. Bình thường, anh vẫn hay ở trong rẫy nhưng thời điểm đó trùng vào dịp bầu cử nên anh về nhà thực hiện nghĩa vụ công dân, hôm sau vào lại thì thấy tiêu bị mất trộm. “Để tiện việc chăm sóc tốt cho rẫy tiêu, chúng tôi đã đầu tư lắp đặt cả hệ thống tưới nước tiết kiệm với các đường ống dẫn nhỏ giọt ở mỗi gốc. Tính sơ sơ từ tiền trụ, phân bón, thuê công đến khoan, dựng trụ, kéo dây thép neo mất gần 150 triệu đồng”, anh Quý cho biết thêm.
Ông Lê Văn Mậu chỉ những đoạn dây tiêu bị cắt trộm
Cùng thời điểm nói trên, hộ ông Lê Văn Mậu (SN 1978, ngụ cùng thôn) cũng bị kẻ gian cắt mất phần dây ác của 40 trụ tiêu 1 năm tuổi đang phát triển tươi tốt. “Gia đình tôi tính để đến mùa mưa sẽ cắt phần dây ác trong rẫy này để làm giống, ngờ đâu bị cắt mất rồi. Đặc biệt, kẻ gian chỉ chọn những dây đẹp và tốt để cắt. Nhà tôi trồng 50 trụ xen với cà phê mà mất 40 trụ rồi. Nếu cắt bán thì tính ra cũng được 300 dây, thiệt hại không nhỏ”, ông Mậu nói.
Ngoài hộ anh Quý và hộ ông Mậu, hiện trên địa bàn huyện Cư M’Gar còn gần chục hộ khác cũng bị mất trộm dây tiêu nhưng do số lượng ít nên người dân không trình báo với chính quyền địa phương. Theo nhiều người dân nơi đây, mục đích của các đối tượng trộm có thể là lấy làm giống trồng ở nơi khác hoặc bán lại cho các vườn ươm bởi chúng chỉ nhắm vào những vườn tiêu có giống tốt như: tiêu Phú Quốc, tiêu Vĩnh Linh…, còn những vườn tiêu trâu bình thường thì không bị trộm.
Vườn tiêu trồng xen với cây cà phê của ông Mậu bị kẻ trộm cắt trộm
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Nghĩa Chính, Chủ tịch UBND xã Ea K’Pam, cho hay: “Thời gian qua, trên địa bàn xã có 3 hộ đến xã trình báo mất trộm dây tiêu và bị nhổ trộm tiêu mới trồng, trong đó có hộ anh Quý. Nhận được tin báo của người dân, xã đã nắm bắt tình hình, đồng thời tiến hành lập hồ sơ trình lên công an huyện. Song song với đó, chúng tôi đã chỉ đạo lực lực công an xã phối hợp với các tổ công an viên trực tại các thôn cùng người dân tăng cường tuần tra trong rẫy, nhất là ban đêm. Nhưng phần vì địa bàn rộng và hầu hết các rẫy vườn đều trồng xen với cà phê nên việc phát hiện các đối tượng trộm cắp rất khó. Biện pháp trước mắt là chúng tôi sẽ tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác và tự bảo vệ tài sản của chính mình”.
Hiện xã Ea K’Pam có hơn 1.030ha đất nông nghiệp, hơn 3/4 diện tích này là trồng hồ tiêu, chủ yếu là trồng xen với cây cà phê và các loại cây trồng khác. Thiết nghĩ, để chăm được một vườn tiêu xanh tốt đã khó nay lại gặp tình trạng mất trộm nên các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ để người dân an tâm sản xuất.
Quốc Hùng - Thu Sa
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.