Theo ông Đoàn Hồng Quân, Chủ tịch UBND nhân xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), Công ty TNHH Long Sơn chưa làm tốt công tác quản lý rừng và diện tích đất được giao nên nhiều người dân đã đến chặt phá rừng, lấn chiếm đất đai. Từ đó dẫn đến việc tranh chấp đất giữa người dân với công ty mà đỉnh điểm là vụ xả súng khiến 3 người chết và 16 người bị thương vừa qua.
>> Đắk Nông: Thông tin chính thức vụ việc 3 người bị bắn chết và 16 người khác bị thương
>> Khẩn trương điều tra vụ giết bảo vệ rừng tại Đắk Nông
Ngày 13-12-2007, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 241/QĐ-UBND cho Công ty TNHH Long Sơn (huyện Tuy Đức) thuê 1.079ha đất và rừng tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, với thời hạn là 50 năm để đầu tư dự án Nông lâm nghiệp cũng như quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, UBND tỉnh phê duyệt phương án hoạt động của công ty trồng 441,1ha cao su, 62,2ha rừng, 68ha điều. Còn đối với diện tích 539ha rừng tự nhiên, công ty có trách nhiệm quản lý, bảo vệ theo quy định
Sau gần 9 năm thực hiện dự án, công ty mới chỉ trồng được là 92,3ha cao su. Trong khi đó, diện tích rừng được giao cho công ty đã bị tàn phá là 501,7ha. Còn diện tích rừng còn lại (khoảng 38ha) chỉ là rừng nghèo kiệt. Hiện nay có 147 hộ dân đến từ nhiều địa phương khác nhau đang lấn chiếm của công ty 514,14/1.079ha đất rừng để trồng điều (434,8ha), cà phê (46,7ha), cao su (29,3ha) và hồ tiêu (3,3ha)... Bên cạnh đó, còn có 35 căn nhà do người dân lấn chiếm đất mới dựng lên tại tiểu khu 1535.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức, việc tranh chấp diện tích đất đai bị người dân lấn chiếm đã dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Cụ thể, các hộ dân ở đây đã khiếu kiện yêu cầu công ty bồi thường về tài sản, công trình trên đất và thu hồi đất của công ty, giao lại cho các hộ dân sản xuất; đồng thời yêu cầu công ty bồi thường hỗ trợ khi tiến hành san ủi, chặt phá cây trồng, nhà cửa của người dân cho dù đất đó do người dân lấn chiếm. Ngày 2-8-2010, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1144/QĐ-UBND để giải quyết vụ việc, ngay sau đó UBND huyện Tuy Đức cũng đã ban hành các công văn chỉ đạo công ty xử lý theo quy định, nhưng đến nay các hộ dân vẫn chưa chấp thuận.
Nơi xảy ra vụ việc. Ảnh:CTV
Sự việc chưa giải quyết dứt điểm thì vào 6 giờ 30 ngày 23-10, Công ty TNHH Long Sơn đã sử dụng lực lượng, phương tiện để san ủi diện tích đất (khoảng 0,5ha) do một số người dân xâm chiếm để trồng điều tại tiểu khu 1535 thuộc lâm phần của công ty mà không thông báo với chính quyền địa phương và các hộ dân. Khi lực lượng của công ty san ủi đến diện tích đất đã bị ông Hoàng Văn Thắng (trú tại thôn 6, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp) lấn chiếm thì hai bên đã xảy ra cãi cự, tranh chấp, dẫn đến xô xát giữa lực lượng công nhân, bảo vệ của công ty với một nhóm người dân. Một số người trong nhóm người dân này đã dùng súng tự chế (đạn hoa cải) và súng thể thao bắn vào lực lượng của công ty khiến 3 người chết tại chỗ, 16 người khác bị thương nặng.
Ngay sau đó, những nạn nhân này được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đang điều trị 11 bệnh nhân bị thương nặng. Ngày 26-10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Quận 2, TP. Hồ Chí Minh tổ chức buổi hội chẩn hướng điều trị các bệnh nhân. Sau khi thống nhất, nhóm bác sĩ đã tiếp nhận 11 bệnh nhận và phẫu thuật, chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Còn 1 trường hợp có dị vật găm sâu vào não đã được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục theo dõi, chữa trị.
Đến nay, hầu hết các nạn nhân bị thương đều đã qua cơn nguy kịch, các bệnh nhân có tình trạng sức khỏe tốt, các tổn thương do vũ khí gây ra không còn gây nguy hiểm đến tính mạng. Riêng 3 nạn nhân thiệt mạng đã được thân nhân đưa về quê an táng.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cũng đã phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Mắt, TP. Hồ Chí Minh tiến hành phẫu thuật cho một bệnh nhân bị đạn găm vào nhãn cầu mắt. Hiện bệnh nhân này cũng đã qua khỏi cơn nguy kịch.
Tang vật thu giữu tại hiện trường mà hai bên dùng để xô nhát nhau. Ảnh:CTV
Qua xác minh, điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án và phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh truy nã đối với Đặng Văn Hiến (SN 1976, dân tộc Nùng, trú tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) về hành vi giết người.
Ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân tỉnh Đắk Nông cho biết, sau vụ bắn chết người tại tiểu khu 1535, cơ quan điều tra đã thu giữ tại nhà đối tượng Đặng Văn Hiến 10 khẩu súng kíp. Gần nhà đối tượng Hiến còn có 2 tử thi của nhân viên Công ty TNHH Long Sơn. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã đang tạm giữ hai đối tượng là Hoàng Văn Thắng (51 tuổi, trú tại huyện Đắk Rlấp, Đắk Nông) và vợ của đối tượng Hiến là Mai Thị Khuyên (trú tại tiểu khu 1535). Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng đã xác định được một số đối tượng tình nghi khác có liên quan đến vụ án và đang tiến hành truy bắt.
Quốc Hùng - CTV
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.