Cuộc sống của người dân tổ 1, phường Nghĩa Trung (TX. Gia Nghĩa - Đắk Nông) đang yên lành bỗng dưng chính quyền sở tại ra quyết định thu hồi đất, không phải để làm công trình phúc lợi mà bán lại với giá cao hơn nhiều so với giá đền bù khiến bà con bức xúc...
Đền bù thấp, tái định cư giá cao
Việc thu hồi, giao đất tái định cưdự án đường Bắc-Nam, đoạn qua TX. Gia Nghĩa có nhiều khuất tất, gây bức xúc dư luận.
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đắk Nông, nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, ổn định quy hoạch, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tăng khả năng lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TX. Gia Nghĩa, ngày 6/10/2009, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 1529/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường Bắc - Nam giai đoạn 2, giao Sở GTVT tỉnh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí lên đến hơn 193,3 tỷ đồng. Diện tích đất sử dụng cho dự án là 224.308m2.
Ngay sau đó, UBND TX. Gia Nghĩa ra các quyết định thu hồi đất của bà con nơi đây để xây dựng tuyến đường Km0+056 đến Km1+900 thuộc dự án đường Bắc - Nam giai đoạn 2. Đường này rộng 36m; trong đó lòng đường mỗi bên rộng 7m, dải phân cách ở giữa rộng 12m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m. Tuy nhiên, sau khi bà con giao đủ số diện tích làm dự án tuyến đường Bắc - Nam, chính quyền thông báo thu hồi thêm của người dân mỗi bên 30m để “tạo vốn làm đường”.
Bà Vũ Ngọc Nga, ở tổ 1, phường Nghĩa Trung, cho biết: “Ban đầu, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không tổ chức họp dân, mà chỉ thông báo sẽ thu hồi 96m đất, vị chi mỗi bên 48m đất tính từ tim đường, để làm đường dân sinh, đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con. Thấy nhà nước đầu tư làm đường to đẹp, người dân chúng tôi rất mừng, ai cũng đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, khi thấy các nhà thầu chỉ làm đường rộng 36m, còn lại để trống mỗi bên 30m, chúng tôi sinh nghi và bắt đầu tìm hiểu mới biết họ để phần đất đó nhằm phân lô tái định cư, bán đất nền lại cho dân. Khi đó, chúng tôi quyết liệt phản đối vì rõ ràng chính quyềncơ sở nói một đằng, làm một nẻo. Khi đã quy hoạch đô thị thì chính quyền phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết và thông báo rộng rãi cho người dân biết ngay từ đầu, chỗ nào làm đường, chỗ nào tái định cư chứ cứ úp úp mở mở thế này thì không chấp nhận được”.
Theo nhiều người dân ở tổ 1, ban đầu, khi nhà nước có chủ trương làm đường 96m, vì người dân đồng tình ủng hộ nên mặc dù chưa nhận tiền đền bù, họ vẫn bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. “Việc chính quyền “lật kèo”, chỉ làm đường 36m, sau đó thu hồi mỗi bên 30m, phân lô bán nền tái định cư thì chúng tôi không đồng ý. Ngoài ra, chính quyền thu hồi đất mà đền bù giá quá thấp, sau đó bán tái định cư với giá cao thì chúng tôi lấy tiền đâu ra mà ổn định chỗ ở. Đất cũ đã ra quyết định thu hồi, nhà cũng chuẩn bị đập phá, dỡ bỏ; đất mới lại không đủ tiền mua, nhà dân đang ở tự nhiên bảo đập rồi lại xây cái khác, chúng tôi biết sống ra sao?”, bà Nga bức xúc.
Nhiều người dân cho biết, theo giá thị trường, nhà và đất của họ đã được nhiều người đến hỏi mua, trả trên 3 tỷ đồng nhưng họ chưa muốn bán. Đến khi chính quyền thu hồi thì đền bù rất thấp, không đủ mua một lô đất mới là không thỏa đáng. Chưa kể, phần đất đó sau khi thu hồi có thể phân làm 6 lô, mỗi lô bán 500 triệu đồng. Như vậy, phải chăng cán bộ đã o ép dân, lấy đất của dân, đẩy dân ra đường?
“Kêu không tới trời”
Bà Nguyễn Thị Hoa ở tổ 1, phường Nghĩa Trung, bức xúc: “Ngoài phần đất 36m để làm đường, tại sao chính quyền không để người dân khu vực này được ở lại chỗ cũ để hưởng lợi từ dự án đường Bắc - Nam mà ép dân phải đi nơi khác. Nhiều gia đình đang sinh sống bình thường bị chính quyền ra quyết định lấy đất, phân lô, cấp bán cho người khác. Lúc họp, dân ý kiến thì chính quyền nói sẽ làm đường dân sinh nhưng mấy năm rồi chẳng thấy. Vậy là cớ làm sao? Chưa kể, nhà nước lấy đất của dân mà cũng lấy không công bằng. Trong khi chúng tôi có nguy cơ phải phá dỡ nhà cửa để nhà nước làm khu tái định cư thì nhà hàng Lâm Vy (nay là Karaoke Hạ Trắng) vẫn ở vị trí cũ, thậm chí còn xây lấn để to đẹp hơn. Điều lạ hơn nữa là, trong quyết định thu hồi đất, UBND TX. Gia Nghĩa nêu lý do thu hồi đất là làm đường Bắc – Nam giai đoạn 2, nhưng trên thực tế, nhân dân nơi đây chưa nhận được quyết định nào nói đến việc thu hồi đất làm tái định cư.
Bức xúc trước cách làm không hợp tình hợp lý của chính quyền địa phương, hơn 20 hộ dân ở tổ 1 đã nhiều lần làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, gửi đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông, TX. Gia Nghĩa nhưng vẫn chưa được giải quyết. Khi thấy chính quyền “ngâm” đơn khiếu nại, người dân đến hỏi tại sao thì nhận được câu trả lời: “hết thời hạn, không thể xử lý”. Ông Nguyễn Hồng Vân, người dân khu vực này, cho biết: “Đó là câu trả lời hết sức thiếu trách nhiệm, cho thấy chính quyền đã cố tình kéo dài thời gian giải quyết đơn khiếu kiện của nhân dân, rồi thông báo là hết thời hạn. Trong khi người dân phải sống trong cảnh lo lắng, tạm bợ chờ ngày được làm rõ trắng đen thì chính quyền chỉ biết né tránh”.
Cũng theo ông Vân, trước đây, đường đã có tên, có chỉ giới, có điện chiếu sáng đàng hoàng. Từ ngày Nhà nước có chủ trương đầu tư mở rộng, trong một thời gian dài, người dân hết sức khổ sở vì phải chịu cảnh làm đường bụi bặm, đi lại khó khăn. Nay đường xong, lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy nhà cửa chuẩn bị không còn, cũng chưa biết đến chừng nào mới ổn định cuộc sống.
“Mọi vấn đề do tỉnh quyết định, Sở GTVT không có quyền”
Đó là câu trả lời của ông Nguyễn Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, khi phóng viên hỏi về những vấn đề liên quan đến việc thu hồi đất, bán đất tái định cư cho người dân tổ 1, phường Nghĩa Trung.
Ông Viện cho biết: Ngoài 36m làm đường Bắc - Nam giai đoạn 2, UBND tỉnh còn ra quyết định thu hồi mỗi bên 30m để làm khu tái định cư dự án. Đa số các hộ dân chấp hành, chỉ một vài hộ có ý kiến nhưng đây là chủ trương của tỉnh, Sở không thể làm khác được. Trong tất cả diện tích đất đã thu hồi, phần nào làm đường, Sở đã làm đường, phần còn dư thì giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của địa phương để bố trí tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án tuyến đường Bắc - Nam giai đoạn 2 và nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi một số dự án khác trên địa bàn.
Cũng theo ông Viện, người dân tổ 1 đồng tình cho thu hồi đất nhưng phải dùng để xây dựng các công trình công cộng, phục vụ cộng đồng; còn việc thu hồi xong rồi bố trí tái định cư cho các hộ khác thì họ không đồng ý. “Liên quan đến vấn đề này, tôi cũng không biết phải trả lời ra sao vì đây là chủ trương của UBND tỉnh, còn phương án đền bù là do UBND TX. Gia Nghĩa xây dựng. Hiện theo phương án đền bù, tái định cư đã được phê duyệt thì khu tái định cư có tổng cộng 210 lô. Còn bố trí cho dân ở lô nào để đảm bảo công bằng, theo chủ trương của UBND tỉnh, địa phương sẽ tổ chức bốc thăm trên tinh thần ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ cho những hộ bị thu hồi đất tại khu vực đó”, ông Viện cho biết.
Ông Viện cũng cho rằng, Sở chỉ có trách nhiệm làm đường, còn chủ trương đền bù thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Sau khi UBND thị xã lên phương án đền bù, chủ đầu tư chỉ có trách nhiệm chuyển tiền. Khi phóng viên hỏi có hay không việc tỉnh thu hồi đất với giá đền bù thấp rồi đấu giá, bán lại theo diện tái định cư cho người dân với giá cao, ông Viện phân bua: “Không có đấu giá, chỉ bố trí tái định cư theo giá do UBND tỉnh quy định cho những người có đủ điều kiện tái định cư theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Giá đền bù do tỉnh quy định, giá đất tái định cư cũng do tỉnh quy định”.
Với cách giải thích lòng vòng của ngành chức năng, nhiều người dân vẫn thắc mắc tại sao có nhiều hộ bị thu hồi đất trong phần diện tích 30m nhưng không thuộc diện tái định cư. Việc xếp ai vào diện được tái định cư cũng không có quy chuẩn rõ ràng khiến người dân bức xúc.
Đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông, TX.Gia Nghĩa sớm giải quyết dứt điểm vụ việc.
Nhóm PVĐT
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.