Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 7 năm 2017 | 1:45

Đắk Nông: Vụ án hành hung cán bộ kiểm lâm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?!

KTNT - Bị hành hung trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng với mức giám định thương tật 15% và biết rõ đối tượng hành hung cùng nhiều nhân chứng, vật chứng quan trọng. Song, theo người bị hại, cơ quan điều tra huyện Krông Nô (Đắk Nông) lại “ngâm tôm”, thậm chí “bỏ sót” chứng cứ khiến vụ án có nguy cơ bỏ lọt tội phạm (?!).

Đó là nội dung đơn thư của anh Phạm Xuân Ngọc, ở thôn 10, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô phản ánh đến báo Kinh tế nông thôn.

>> UBND tỉnh Đắk Nông vào cuộc

>> Vụ việc cán bộ lâm nghiệp bị hành hung có nguy cơ bị chìm xuồng

Anh Ngọc điều trị tại bệnh viện.

Chứng cứ rõ ràng

Báo Kinh tế nông thôn đã có loạt bài phản ánh về việc anh Ngọc bị hành hung trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng.

Cụ thể, khoảng 17 giờ ngày 23/3/2016, trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng, anh Phạm Xuân Ngọc và anh Phạm Văn Hưng, cán bộ của Công ty TNHH MTV Nam Nung (Công ty Nam Nung), phát hiện 02 xe càng (máy cày lắp thùng kéo) chở gỗ (một xe chở gỗ trên thùng sau có hai đối tượng trên xe; một xe đang dùng cáp kéo gỗ cũng có hai đối tượng trên xe) từ dưới khe suối thuộc vùng giáp ranh giữa xã Đắk Moi và xã Nam Nung lên đường mòn thuộc tiểu khu 1294, xã Nam Nung.

Sau khi phát hiện, anh Ngọc gọi điện về cho anh Lê Đình Tùng (cán bộ Công ty Nam Nung) đến hỗ trợ để chặn kiểm tra 02 xe chở gỗ.

Khoảng 20 giờ cùng ngày, anh Lê Đình Tùng đến hiện trường để cùng tham gia chốt chặn, kiểm tra 02 xe gỗ. Lúc này, có hai thanh niên không rõ lai lịch, mỗi người vác 01 cưa xăng từ dưới khe suối, nơi có hai xe càng chở gỗ, đi lên. Anh Ngọc, anh Tùng, anh Hưng đã kiểm tra và tạm giữ hai cưa xăng của hai đối tượng trên, sau đó tiếp tục chốt chặn đợi kiểm tra hai xe gỗ.

Lúc này, hai đối tượng trên gọi điện cho ông Nguyễn Đăng Đoàn và ông Đoàn yêu cầu đưa máy cho anh Ngọc nghe điện thoại, nhưng anh Ngọc không nghe và đề nghị các đối tượng sáng mai đến công ty làm việc.

Khoảng 22 giờ cùng ngày, ông Nguyễn Đăng Đoàn cùng Hoàng Văn Định (em rể của Đoàn) chạy xe máy đến hiện trường. Đối tượng Đoàn đã dùng tay, chân đánh anh Ngọc gây thương tích ở ngực, hàm trên, dưới và gãy răng. Còn đối tượng Hoàng Văn Định dùng cây gậy cao su (của tổ bảo vệ rừng) đánh gây thương tích vùng trán của anh Ngọc. Sau đó, anh Ngọc bỏ chạy khỏi hiện trường vào nhà dân nhờ sơ cứu và được chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện.

Ngay sau đó, anh Ngọc đã thông báo lên các cơ quan chức năng. Đến nay đã hơn 1 năm, anh Ngọc cho biết, cơ quan điều tra Công an huyện Krông Nô vẫn “ngâm tôm” vụ việc. Thậm chí, theo anh Ngọc, cơ quan này còn “bỏ sót” chứng cứ dẫn đến có nguy cơ bỏ lọt tội phạm (?!) và phiên tòa sơ thẩm phải hoãn xử?

Ông Vũ Y Định, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Công ty Nam Nung), cho biết: Sau khi sự việc diễn ra, cơ quan có gửi văn bản báo cáo công an và các cơ quan liên quan trên địa bàn đề nghị làm rõ vụ cán bộ bảo vệ rừng bị đánh. Thấy vụ việc lâu chưa được xử lý, mang lại công bằng, gần đây, chúng tôi tiếp tục gửi văn bản lên các cơ quan chức năng, nhưng vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Bản kết luận điều tra của Công an huyện Krông Nô.

Có bỏ lọt tội phạm (?!)

Trước “sức ép” của dư luận, ngày 8/8/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Krông Nô thông báo đến người bị hại rằng: Sau quá trình tiến hành điều tra, xác minh, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Krông Nô đã có đủ cơ sở xác minh sự việc anh Phạm Xuân Ngọc bị đối tượng Nguyễn Đăng Đoàn đánh gây thương tích vào tối 23/03/2016 đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”.

Trên cơ sở đó, ngày 8/8/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Krông Nô ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 40/QĐKTVA đối với vụ án “cố ý gây thương tích” để tiến hành điều tra.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Nô cũng có văn bản trả lời các nội dung đơn thư ông Ngọc ngày 13/3/2017 do Phó viện trưởng Đỗ Văn Huyến ký nêu rõ: “1- Yêu cầu xem xét khởi tố đối tượng Hoàng Văn Định về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 2, Điều 104 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, quá trình điều tra Cơ quan điều tra không đủ căn cứ chứng minh được đối tượng Hoàng Văn Định, về tội “cố ý gây thương tích.

2- Về xác minh nguồn gốc 02 xe càng chở gỗ. Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh vào ngày 23/3/2016 tại thời điểm tiểu khu 1295, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô không có vụ chặt phá rừng nào. Mặt khác, việc xác định 02 chiếc xe càng chở gỗ (theo ông trình bày) tại hiện trường là không có cơ sở.

3- Về xác minh hành vi chống người thi hành công vụ của bị can Nguyễn Đăng Đoàn. Quá trình điều tra, nhận thấy việc mâu thuẫn giữa ông và bị can Đoàn là mâu thuẫn cá nhân dẫn đến bị can Nguyễn Đăng Đoàn đã gây thương tích cho ông. Ông Nguyễn Đăng Đoàn đã bị khởi tố hình sự và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mà bị can đã gây ra theo đúng quy định của pháp luật”.

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Phạm Xuân Ngọc bức xúc: “Tôi đã gửi đơn nhiều lần nhưng Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát không trả lời thỏa đáng. Bởi, theo trả lời của Viện Kiểm sát nhân dân và Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Krông Nô thì xác định mâu thuẫn giữa tôi và các đối tượng Nguyễn Đăng Đoàn, Hoàng Văn Định là mâu thuẫn cá nhân, vụ án xảy ra không phải thời gian tôi thi hành công vụ theo yêu cầu của công ty. Tôi hoàn toàn không chấp nhận vấn đề này, báo cáo của Công ty Nam Nung, giấy tờ công tác của tôi, bản thân tôi và lời khai của các đương sự, nhân chứng đều xác định rõ tôi không có mâu thuẫn cá nhân với các đối tượng trên. Vụ án xảy ra do các đối tượng trên khai thác, vận chuyển gỗ trái phép và tôi – trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, được công ty giao đã phát hiện và xử lý hành vi vi phạm của các đối tượng trên. Từ đó, họ đã cản trở công vụ, gây thương tích cho tôi và cướp lại hai xe gỗ tại hiện trường”.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Nô.

Về vấn đề này, theo phân tích của luật sư Hồ Quang Khánh (Văn phòng luật sư Đức Lưu, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk): Qua tiếp cận hồ sơ thấy lời khai của bị hại, của các người làm chứng đều thống nhất nội dung: Mục đích anh Ngọc và tổ công tác chốt chặn kiểm tra, bắt giữ hai xe máy cày, một xe chở gỗ, một xe kéo gỗ đi lên hướng hiện trường vụ án. Có việc bị cáo Đoàn rủ anh Hoàng Văn Định đến hiện trường để giải quyết việc bắt cưa và sau khi đánh anh Ngọc chạy khỏi hiện trường. Bị cáo Đoàn, anh Hoàng Văn Định cùng hai người làm công cho bị cáo Đoàn bị bắt cưa và một số đối tượng khác mang hai cưa bị tạm giữ về cùng với hai xe máy cày. Ngoài bị cáo Đoàn đánh anh Ngọc bằng tay, anh Hoàng Văn Định đã dùng gậy cao su của anh Lê Đình Tùng mang vào để trước chòi rẫy đánh anh Ngọc.

Không dừng lại ở đó, nội dung lời khai của bị cáo Đoàn và anh Hoàng Văn Định cũng mâu thuẫn nhau về nội dung vụ án, dù các tình tiết vụ án có bị cáo Đoàn và Định tham gia không nhiều.

Cụ thể, thứ nhất: Khai mâu thuẫn về nội dung các đối tượng làm công cho bị cáo Đoàn gọi về cho bị cáo Đoàn thông báo bị bắt cưa.

Thứ hai: Khai mâu thuẫn về phương thức bị cáo Đoàn thông báo cho Định và lý do bị cáo Đoàn gọi Định và cùng Định đi vào hiện trường vụ án.

Thứ ba: Khai mâu thuẫn về việc hai xe càng chở gỗ cho bị cáo Đoàn. Các bản khai của bị cáo Đoàn không đề cập đến bất cứ điểm nào về hai xe gỗ này trong khi các bản khai của Hoàng Văn Định lại đề cập đến hai xe càng trên.

Thứ tư: Khai mâu thuẫn về số lần bị cáo Đoàn đánh anh Ngọc. Cả bị cáo Đoàn và Hoàng Văn Định lúc thì khai đánh một lần, cuối cùng thì khai đánh hai lần.

Mặt khác, lời khai của bị hại Phạm Xuân Ngọc, người làm chứng Lê Đình Tùng, Phạm Văn Hưng, xác định có 2 xe máy cày chở gỗ ở gần hiện trường vụ án; việc các anh Ngọc, Tùng, Hưng lập chốt chặn vì mục đích chặn và kiểm tra tính pháp lý của việc khai thác 02 xe gỗ trên. Ngay cả lời khai của Hoàng Văn Định cũng xác định có hai chiếc xe máy cày của bị cáo Đoàn ở gần hiện trường, sau đó hai máy cày này được người làm công điều khiển về cùng với anh Định và bị cáo Đoàn.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, các biên bản lấy lời khai, hỏi cung, đối chất của các đương sự, cơ quan điều tra gần như “bỏ quên”, chưa xác minh, làm rõ thông tin tố giác trên, chỉ tập trung xoáy vào việc bị cáo Đoàn gây thương tích cho anh Ngọc để khởi tố vụ án cố ý gây thương tích.

"Với các thông tin trên, có thể thấy có dấu hiệu của tội Hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 189, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa  xác minh, làm rõ và điều tra vấn đề này. Đây là thiếu sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra dẫn đến việc xác minh không đầy đủ, khách quan, toàn diện vụ án", luật sư Khánh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vật chứng là cây gậy cao su đã được anh Lê Đình Tùng giao nộp cho cơ quan điều tra. Thương tích của anh Ngọc đã được giám định và kết luận tổng cộng 15%.

Hiện trường xảy ra xô xát chỉ có một bên là bị cáo Đoàn và Hoàng Văn Định, một bên là tổ chốt chặn gồm bị hại anh Ngọc, anh Tùng và anh Hưng. Như vậy, trong hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ lời khai của bị hại, người làm chứng; có vật chứng thu thập được; có thương tích thực tế xảy ra; có đối tượng gây thương tích; có động cơ gây thương tích, có hiện trường vụ án tuy nhiên, cơ quan điều tra không xem xét các yếu tố trên.

"Trường hợp xác định Hoàng Văn Định dùng gậy cao su gây thương tích 11% cho anh Ngọc thì các bị can trong vụ án này không thể bị truy tố theo khoản 1, Điều 104, Bộ luật Hình sự mà phải bị truy tố theo khoản 2, Điều 104, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao hơn và nhiều tình tiết tăng nặng hơn, mức độ nguy hiểm của tội phạm cũng phải được xem xét ở mức cao hơn rất nhiều vì có yếu tố phạm tội có tổ chức", ông Khánh phân tích.

Bà Nguyễn Thị Thọ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Nô, cho biết: Quan điểm của Viện là phải đảm bảo xử đúng người, đúng tội, khách quan với đầy đủ chứng cứ.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ án trên.

Tú An

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top