KTNT - Nhiều năm nay, Tỉnh lộ 3 đoạn từ nghĩa trang Phước Đồng (TP. Nha Trang) đến Quốc lộ 1 (Suối Cát - Cam Lâm - Khánh Hòa) bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường dày đặc ổ gà, ổ voi, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội. Điều đáng nói, trên tuyến đường này, các loại xe chở vật liệu xây dựng hạng nặng lưu thông suốt ngày đêm khiến hàng trăm hộ dân hai bên đường “kêu trời”, phải đóng cửa suốt ngày để tránh “bão bụi”. Không những thế, tai nạn giao thông còn luôn đe dọa, rình rập.
Tỉnh lộ 3 xuống cấp, dày đặc ổ voi, ổ gà.
Dân “kêu trời”
Tỉnh lộ 3 dài khoảng 10km, mặt đường rộng 3,5m nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn chỉ có “sống trâu”, ổ voi, ổ gà dày đặc. Điều đáng nói, dọc tuyến đường này hàng ngày có hàng trăm chiếc xe ben, xe tải hạng nặng chở đất đá, cát, gạch, xi măng… để san lấp mặt bằng, phục vụ xây dựng cho các khu đô thị như: An Bình Tân, Phước Long và nhiều công trình khác. Mỗi khi xe chạy qua, bụi lại cuộn lên mù mịt, ngày mưa thì đường lầy lội.
Bà Lê Thị Kim Dung, 64 tuổi, bán cơm phở tại thôn Khánh Thành Nam cho biết: “Tỉnh lộ 3 xuống cấp nhiều năm nay, mặt đường bong tróc khắp nơi, ổ gà hàng loạt, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải chở đất, đá chạy qua, tôi đóng cửa quán từ lâu rồi vì bụi bay mù mịt, không ai dám ăn”.
Ông Lê Đức Thành, Phó thôn Khánh Nam phàn nàn: “Do quá bức xúc, nhiều người dân trong thôn lấy đá chặn 2 bên mép đường để tài xế phải giảm tốc độ cho đỡ bụi. Thế nhưng, nhiều tài xế xe tải vẫn phóng bạt mạng khiến không ít người đi đường gặp tai nạn. Từ đầu năm đến nay, trên tuyến đường này xảy ra trên 10 vụ tai nạn. Một số gia đình muốn giảm bụi phải liên tục tưới nước đoạn đường trước nhà nhưng cũng chỉ được 30 phút đường lại khô và bụi trở lại. Người dân nhiều lần phản ánh tình trạng này đến UBND xã Suối Cát nhưng xã trả lời là không đủ thẩm quyền, cán bộ tỉnh về thôn hứa cuối năm 2017 sẽ nâng cấp đường nhưng dân chỉ biết chờ chứ biết kêu ai”.
Anh Trần Quốc Bảo, ở thôn Phước Sơn, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang buồn rầu nói: “Bụi bặm thế này, chỉ lo trẻ nhỏ đổ bệnh, mỗi khi chở con đi học là phải mặc áo mưa trùm kín người, không kể ngày nắng hay mưa để tránh bụi”.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, cho biết, xã đã kiến nghị UBND TP. Nha Trang để có biện pháp khắc phục tình trạng này. Tỉnh lộ 3 không thuộc quyền quản lý của xã nên địa phương chỉ có thể báo đơn vị trực tiếp quản lý là Sở Giao thông vận tải (GTVT) xử lý xe quá tải phá đường gây bụi.
Các loại xe chở vật liệu xây dựng lưu thông suốt ngày đêm trên Tỉnh lộ 3.
Bao giờ dự án thành hiện thực?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, khẳng định: Tỉnh lộ 3 do Sở GTVT Khánh Hòa quản lý. Trước đây tuyến đường này được xây dựng bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Hiện, đường đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường hầu hết đã hư hỏng nặng. Tỉnh xác định Tỉnh lộ 3 là tuyến đường phải được đầu tư xây dựng cấp bách và đã được quy hoạch là đường đô thị mặt cắt ngang 42m, chia thành 8 làn đường, giải phân cách 4m, đường hành lang đi bộ mỗi bên 4m, nhưng vẫn chưa tìm được nguồn vốn xây dựng.
“Trước mắt, Sở GTVT đã chỉ đạo thanh tra Sở xử lý nghiêm các loại xe quá tải lưu thông trên Tỉnh lộ 3, đồng thời có biện pháp hạn chế bụi. Sở cũng đã yêu cầu các chủ doanh nghiệp có xe cơ giới chở vật liệu lưu thông trên tuyến đường này phải tưới nước thường xuyên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm cho người dân hai bên đường”, ông Định cho biết thêm.
Triển khai dự án nâng cấp Tỉnh lộ 3 không chỉ giải quyết những hậu quả do đường xuống cấp gây ra bấy lâu nay mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà cho kinh tế phía Tây Khánh Hòa “cất cánh”. Tất cả đang chờ vào nguồn vốn đầu tư và kế hoạch triển khai dự án một cách hợp lý.
Xuân Hướng
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.