Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc nâng cao trình độ, kỹ năng cho lao động nông nghiệp, nông thôn là vấn đề đặt ra đối với các cấp, các ngành.
Nguồn nhân lực có trình độ cao sẽ đóng vai trò quyết định năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững nông nghiệp nói chung và kinh tế vườn nói riêng.
Trên thực tế, việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp và kinh tế vườn tuy có đạt nhiều kết quả nhưng còn không ít khó khăn.
Đào tạo nghề phải đi trước
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) với mục tiêu: “Bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...”.
Triển khai thực hiện từ năm 2010, các ngành, các địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, đưa ra nhiều mô hình dạy nghề và hình thức dạy nghề phù hợp. Một số mô hình đã bước đầu triển khai có hiệu quả, như đào tạo nghề cho lao động ở các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu cây công nghiệp như thuốc lá, chè... (có sự phối hợp giữa địa phương và các doanh nghiệp); dạy nghề cho lao động trong các làng nghề (có sự phối hợp giữa địa phương, các cơ sở dạy nghề và các làng nghề); dạy nghề ngắn hạn cho người nông dân ở cộng đồng (có sự phối hợp giữa địa phương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư)...
Hoạt động dạy nghề cho nông dân và lao động nông thôn không chỉ huy động các cơ sở dạy nghề mà còn thu hút được các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học; lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp; những nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề tham gia giảng dạy... Bản thân người nông dân và lao động nông thôn là những đối tượng được thụ hưởng chính sách cũng tích cực ủng hộ chủ trương của Chính phủ, từ việc xác định được nhu cầu học nghề sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến việc tham gia đầy đủ các khóa đào tạo.
Qua một số mô hình đào tạo nghề cho lao động vùng chuyên canh ở một số địa phương (Lạng Sơn, Cao Bằng, Tây Ninh, Gia Lai...) thấy kỹ năng nghề của người nông dân đã được cải thiện, chất lượng cây trồng, năng suất lao động, thu nhập của người nông dân tăng lên rõ rệt. Nhờ đào tạo nghề, một bộ phận lao động đã có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững.
Đặc biệt, người nông dân còn được cung cấp những kỹ năng về hội nhập kinh tế, về các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của thế giới và Việt Nam; về cách ứng xử với môi trường (công nghệ sạch) và bước đầu được trang bị những kiến thức về khởi nghiệp.
Các cơ sở dạy nghề không chỉ thuần túy dạy nghề mà còn tư vấn, hướng dẫn nông dân cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bảo đảm “đầu ra” sản phẩm hoặc tiếp nhận lao động sau khi học nghề.
Sau khi học nghề, một bộ phận lao động nông thôn đã chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm mới tại các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ tại địa phương, thực hiện “ly nông bất ly hương”. Một bộ phận đã thành lập doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho bản thân và cho các lao động khác, góp phần đáng kể trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thiếu lao động chất lượng cao
Đào tạo nhân lực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đang trở thành xu hướng tất yếu để tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn và góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong nông nghiệp (với tỷ trọng khoảng 46%) chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, trong 10 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 1/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã đào tạo được 2,3 triệu lao động nông thôn. Đội ngũ lao động qua đào tạo đã nâng cao nhận thức, áp dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hành hóa, tuân thủ quy trình kỹ thuật an toàn và cải thiện chất lượng nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích, thu nhập đầu người tăng từ 16,64 triệu đồng (năm 2010) lên 39,9 triệu đồng (năm 2019).
Tuy nhiên, đề án vẫn còn một số tồn tại như bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và khung chương trình đào tạo nghề đã có chủ yếu là kỹ thuật sản xuất cơ bản, thiếu các nghề trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, quản trị doanh nghiệp…; Tỷ lệ cấp chứng chỉ đạt 31%, thấp hơn so với yêu cầu là 70%; Thiếu hình thức dạy nghề trực tuyến...
Nước ta đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời thúc đẩy quá trình đô thị hóa trên phạm vi cả nước. Nông nghiệp cũng cần được cơ cấu lại sản xuất để phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn không chỉ đào tạo cho lao động trong sản xuất, mà còn phải đào tạo cả nhân lực cho quản lý. Nông thôn hiện nay không chỉ cần có nhân lực cho nông nghiệp, mà cần cả nhân lực cho công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đào tạo nhưng phải gắn liền với sử dụng, tạo công ăn việc làm.
Đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đi vào chiều sâu chất lượng, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng phù hợp để phát triển ngành nông nghiệp có thể cạnh tranh với các nước trên thế giới.
Mô hình “Nông dân dạy nông dân”
Một trong những mô hình đạt hiệu quả thiết thực trong đào tạo nghề cho nông dân được Hội Nông dân triển khai trong thời gian qua là “Nông dân dạy nông dân”. Các ngành nghề đào tạo cho nông dân đang từng bước phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, từng sản phẩm; gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của thị trường trong nước và nước ngoài.
Theo một số kết quả nghiên cứu, nông dân đạt trình độ tay nghề giỏi ở nước ta chỉ chiếm khoảng 10%, trung bình 20%, còn lại là yếu kém. Trong khi đó, kỹ thuật canh tác, sản xuất nông nghiệp lại rất tùy tiện, ít tuân thủ các quy định và quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, nguồn lao động nông nghiệp qua đào tạo chỉ chiếm 24%, khu vực nông thôn nơi trực tiếp sản xuất chỉ có 13%. Từ những thực tế nêu trên, Hội Nông dân xác định công tác dạy nghề, đào tạo, tập huấn cho nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ông Phạm Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề, Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: Hội Nông dân đã xây dựng được một hệ thống cơ sở dạy nghề từ trung ương đến các khu vực và địa phương. Ngoài cơ sở dạy nghề còn có đội ngũ giáo viên thỉnh giảng và cộng tác viên làm công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, Hội Nông dân Việt Nam còn phối hợp Hội Nông dân Đức tổ chức đưa các cán bộ, giáo viên, nông dân trẻ, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại CHLB Đức. Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nghệ nhân, nông dân có tay nghề cao tham gia, tổ chức dạy nghề truyền nghề cho nông dân gắn với xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi để nông dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng.
Sau mỗi lớp dạy nghề, các cấp hội tích cực tổ chức tư vấn, giới thiệu và tìm cách giải quyết việc làm cho nông dân, giúp nông dân có việc làm mới hoặc tự tạo việc làm, mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Các cấp hội rất chú trọng tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân sau khi học nghề, như cho vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, tín chấp vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội...
Lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam đánh giá: Các ngành nghề đào tạo cho nông dân đang từng bước phù hợp từng vùng, từng nhóm đối tượng, từng sản phẩm, gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của thị trường trong nước và nước ngoài. Một số mô hình “Nông dân dạy nông dân” đã được Hội Nông dân và một số tổ chức thực hiện đã đạt được những thành công nhất định trong công tác dạy nghề, được đánh giá là mô hình hiệu quả trong đào tạo, chuyển giao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ứng dụng kiến thức vào sản xuất
Với những hoạt động đa dạng, hiệu quả, thời gian qua, những người làm khuyến nông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, năm 2019, Trung tâm đã triển khai thực hiện được 18 dạng mô hình. Trong đó trồng trọt, cơ giới hóa 11 dạng mô hình, chăn nuôi 4 dạng mô hình, thủy sản 3 dạng mô hình trên toàn bộ địa bàn các quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Điển hình là mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại các huyện Thanh Oai, Mê Linh, Thạch Thất; mô hình chăn nuôi bò sinh sản được triển khai ở 3 huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất và Ba Vì; mô hình nuôi chạch thương phẩm tại 3 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn; mô hình chăn nuôi thủy sản áp dụng công nghệ “Sông trong ao” ở 3 huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Quốc Oai... Đặc biệt, mô hình chăn nuôi bò sinh sản với quy mô 90 con bò cho 90 hộ nghèo. Đến nay, bò sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 98,8%; hiện có 15 bò mẹ sinh bê con khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được hệ thống khuyến nông Hà Nội thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hệ thống khuyến nông Hà Nội đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; luôn đồng hành với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp... để trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết nhằm nâng cao trình độ, tay nghề lao động nông thôn.
Bình quân hàng năm, thông qua các lớp tập huấn, hướng nghiệp đã có hàng nghìn lượt người lao động được dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Các nghề đào tạo tập trung vào các loại cây con có lợi thế của địa phương, chú trọng các tiêu chuẩn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như: Trồng rau, hoa theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ cao; trồng dâu nuôi tằm; trồng chăm sóc cây đặc sản (một số loại nấm, chuối laba, dâu tây…); trồng cây dược liệu (diệp hạ châu, atiso, các loại sâm…); trồng và chăm sóc cây cảnh; kỹ thuật nuôi cá nước lạnh; kỹ thuật chăn nuôi bò sữa; trồng và chăm sóc cây ngắn ngày...
Thông qua các hoạt động đa dạng, công tác khuyến nông nhìn chung đã có có những đóng góp quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tính đến nay, Hà Nội đã xây dựng được hơn 100 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20 ha trở lên cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; phát triển 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh 20 ha/vùng cho giá trị 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được trên 100 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi khép kín; 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm; xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp...
Dạy nghề theo nhu cầu thực tế
Hoạt động đào tạo, tập huấn, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật luôn được xác định là hoạt động trọng tâm của Hội Làm vườn Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, phần lớn các cấp hội không được Nhà nước trực tiếp giao kinh phí để thực hiện, nên chủ yếu là phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ và Môi trường, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên hiệp các hội KHKT… là những đơn vị được Nhà nước giao kinh phí thực hiện. Nhờ cách tiếp cận này, mỗi năm có trên 300-400 nghìn hội viên, nông dân được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất VAC, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực cho hội viên, nông dân về áp dụng kỹ thuật sản xuất VAC.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Đổi mới nội dung, chương trình theo hướng thiết thực hiệu quả, bám sát vào yêu cầu, quy hoạch của địa phương. Đổi mới phương pháp giảng dạy linh hoạt gắn với trình độ và đặc điểm của lao động. Ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào quá trình đào tạo; lấy mô hình cụ thể để hướng dẫn. Việc đào tạo cần gắn với tạo việc làm và định hướng nghề. |
Một số tỉnh Hội đã thực hiện tốt sự phối hợp là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Kiên Giang…
Điển hình là HLV tỉnh Bắc Giang, hàng năm đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan. Hiện nay, nhu cầu học nghề của hội viên và nông dân rất lớn, song việc tổ chức học nghề còn gặp nhiều khó khăn. Song, trong 5 năm qua, tỉnh hội và các hội cơ sở (huyện, xã) đã tổ chức được 5.921 lớp tập huấn cho 308.073 lượt người tham; tổ chức 856 buổi thăm quan học tập mô hình cho 22.183 lượt người. Nội dung các lớp đào tạo, tập huấn, tham quan do các tổ chức hội phối hợp thực hiện đã bám sát vào chương trình phát triển nông nghiệp của từng địa phương, nhu cầu nguyện vọng của hội viên với phương pháp phù hợp, thiết thực và hiệu quả.
Gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp
Hiện nay, cả nước có 13 trường ĐH, CĐ đào tạo về nông - lâm nghiệp; 60% trường TCCN, CĐ nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề về nông - lâm nghiệp. Các trường này chuyên đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý, đào tạo tay nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn. Thực tế thấy, nhu cầu về cán bộ được đào tạo qua các trường này rất lớn, nhưng công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, do tâm lý người học nghĩ rằng sau khi học phải về làm việc ở nông thôn, vùng khó khăn nên không muốn học.
Trong những năm gần đây, công tác đào tạo nghề tại chỗ cho lực lượng lao động tại nông thôn, đào tạo nghề nông nghiệp cũng được quan tâm. Hoạt động dạy nghề đi liền với chuyển đổi ngành nghề được áp dụng cho các địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng như xây dựng đô thị, khu công nghiệp.
Thực tế thấy việc đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của xã hội. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần đúng người, đúng nghề, các chương trình giảng dạy phong phú, phù hợp với đối tượng về trình độ, năng lực và cả địa bàn cư trú. Lao động trẻ, có trình độ, tay nghề, kỹ thuật, thông thạo ngoại ngữ… là nhu cầu của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần nhận thức rõ sức ảnh hưởng và tác động của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, cần thay đổi chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp để có thể thích ứng sự phát triển doanh nghiệp nông nghiệp.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định, việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và sinh viên, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Sinh viên sẽ có thêm cơ hội thực hành, nâng cao tay nghề, học tập kiến thức thực tiễn.
“Đặc biệt, cần chú trọng dạy nghề theo chuỗi như: kỹ năng làm nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam và thế giới; quản trị chuỗi giá trị nông sản, xây dựng, tiếp cận thị trường; xây dựng và quản lý thương hiệu”, ông Đào Sỹ Tam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc (Lạng Sơn) nói.
Còn PGS.TS Trần Văn Điền, Hiệu trưởng Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, cho rằng, để đào tạo nghề nông cho lao động nông thôn hiệu quả, cần xây dựng chuẩn chương trình chứ không phải chương trình chuẩn.
“Nghĩa là chúng ta cần nắm rõ thị trường đang thiếu lao động trong lĩnh vực nào, ngành nghề nào và sự thiếu ấy sẽ kéo dài trong khoảng bao lâu? Các kỹ năng cần đào tạo cho người lao động trong lĩnh vực ấy là gì?
Đào tạo trong bao lâu thì đáp ứng được nhu cầu thị trường và không bị lạc hậu? Phải có một khảo sát, tính toán chi tiết cho những việc này thì mới có những lứa lao động qua đào tạo đạt hiệu quả thực sự”, PGS.TS Trần Văn Điền nói.
Không chỉ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đổi mới chương trình đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi còn tìm kiếm đầu ra cho sinh viên tại các công ty nước ngoài ngay từ khi các em đang học, thông qua ký hợp tác với Công ty Samsung Việt Nam và được đầu tư phòng Lab trị giá 1,3 tỷ đồng. Trường ký hợp tác với Công ty Minami Fuji, Công ty Work staff, Công ty Kofu (Nhật Bản), Công ty TNHH Esuhai, Công ty VTI Japan và Công ty Học viện Đào tạo quốc tế ATI xây dựng những chương trình đào tạo về ngôn ngữ, văn hóa và phong cách làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc cấp cao Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, một trong những đơn vị sớm triển khai mô hình liên kết đào tạo, cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng của công ty lên đến hàng nghìn lao động mỗi năm, trong đó hơn 60% nguồn nhân lực chất lượng cao, cho nên công ty đã chủ động đặt hàng các cơ sở đào tạo và trường đại học trong nước theo hợp đồng liên kết đào tạo. Trong thời gian đào tạo, phía công ty sẽ tạo điều kiện để sinh viên thực hành tại cơ sở, trang trại để các em nắm bắt được công nghệ, hiểu biết về ngành nghề mà sau này mình gắn bó…”.
Để mối liên kết đào tạo bền vững, công tác dự báo thị trường lao động cần phải được đẩy mạnh, cập nhật cho các cơ sở giáo dục - đào tạo. Có như vậy, chúng ta mới sớm có được nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn tinh thông ngoại ngữ, có kỹ năng mềm tốt và khả năng hợp tác cao.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, sẽ sớm khắc phục những hạn chế trong công tác dạy nghề; đổi mới tư duy, dạy nghề linh hoạt, nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, phù hợp xu hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới theo hướng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… Tăng cường kiểm tra giám sát đào tạo nghề nông nghiệp. Nâng cao vai trò của các trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT trong đào tạo nghề, xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
“Bộ sẽ có những chỉ đạo chiến lược để địa phương lấy đó làm căn cứ dạy nghề dựa trên thế mạnh của địa phương nhằm tái cơ cấu sản xuất tại vùng giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Bộ sẽ xây dựng các nội dung, định hướng cụ thể hoạt động cho đào tạo lao động nông nghiệp nông thôn”, Thứ trưởng nói.
Việc có cơ chế chính sách tạo cầu nối lao động - thị trường lao động cũng rất cần thiết. Đây là chính sách hết sức quan trọng để tạo sự gắn kết giữa hoạt động dạy nghề với thị trường lao động, bao gồm cả thị trường lao động ở nông thôn cũng như ở các khu đô thị, nông nghiệp và phi nông nghiệp. Chính sách này sẽ là một trong những nền tảng chính đảm bảo tính hiệu quả của công tác dạy nghề - dạy được nghề và sử dụng được nghề đã học.
Khó khăn và thách thức Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa được quan tâm đúng mức; nhiều bộ ngành, địa phương, cán bộ và xã hội nhận thức chưa đầy đủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chưa tốt. Cơ sở vật chất trang bị của các cơ sở dạy nghề chưa phù hợp với chương trình và đối tượng đào tạo nghề này. |
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.