Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 3 năm 2022 | 9:48

“Đất tặc” lộng hành: Lỗ hổng pháp luật?

Trên thực tế, tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra từ rất lâu, Chính phủ đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt các địa phương ngăn chặn vấn nạn này, song đến nay nó vẫn tiếp diễn.

Dư luận hoài nghi liệu có lợi ích nhóm, bảo kê cho “đất tặc”, bởi lâu nay luôn có sự mập mờ trong quy hoạch, cấp phép khai thác…

Thực trạng buồn

Vụ việc sai phạm trong quản lý đất đai ở xã Phú Xuân (Bình Xuyên-Vĩnh Phúc) đã gây bức xúc cho người dân.  Báo chí phản ánh có hiện tượng vận chuyển đất từ khu vực tập kết của Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt tại thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên) đến một số nhà máy gạch trên địa bàn.

Ngoài ra, lãnh đạo xã Phú Xuân đã giao thầu đất 5% không đúng quy định; nhiều người dân xây nhà, lấn chiếm đất nông nghiệp, lấn chiếm hành lang giao thông sai quy định…

Sau khi báo chí phản ánh vụ việc, ông Nguyễn Văn Mậu,  Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, viết đơn xin từ chức; còn UBND huyện Bình Xuyên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thông tin và thanh tra công tác dồn thửa đổi ruộng tại địa phương.

Đặc biệt, khi bị phản ánh về tình trạng khai thác đất trái phép, nguy cơ thất thoát tài nguyên đất ở tỉnh Vĩnh Phúc, thì có thể thấy nhiều lãnh đạo cấp huyện, thành phố  “quy trách nhiệm” cho chính quyền địa phương, cụ thể là chính quyền xã, phường.

Một vụ tương tự được người dân phản ánh tình trạng “bát nháo khai thác mỏ đất ở Thái Nguyên”, mặc dù nhiều diện tích chưa được chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, giao đất, đặc biệt là đã hết hạn được cấp phép khai thác mỏ đất Núi Lầm và Núi Hiếu, nhưng Công ty cổ phần Leadertec Việt Nam vẫn ngang nhiên khai thác mỏ đất này với quy mô lớn để vận chuyển đi bán.

Sau khi được báo chí phản ánh, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình Nguyễn Thị Loan đã chỉ đạo Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, UBND xã Điềm Thụy tiến hành kiểm tra, yêu cầu Công ty Cổ phần Leadertec Việt Nam dừng ngay các hoạt động khai thác mỏ đất Núi Lầm và Núi Hiếu. Đồng thời, giao các cơ quan này thường xuyên kiểm tra, giám sát mỏ đất, nếu phát hiện hành vi khai thác sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

 

a3-hiện-trường-vụ-việc-khai-thác-đất-slmb-trái-phép-tại-xã-kiên-thành-lục-ngạn.jpg
Hiện trường vụ việc khai thác đất trái phép tại xã Kiên Thành (Lục Ngạn - Bắc Giang).

 

Cách đây không lâu, tại huyện Lục Nam (Bắc Giang), cũng diễn ra tình trạng tương tự. Cụ thể, thông qua phản ánh của người dân, lực lượng chức năng đã triển khai kiểm tra, phát hiện tại khu đồi thuộc thôn Xuân Sơn, xã Cẩm Lý có một máy xúc đang múc đất đồi trái phép lên 4 xe ô tô.

Xác định người khai thác đất là ông Lương Ngọc Thức, công dân sinh sống trên địa bàn xã. Ông này đã khai thác 56m3 đất song không xuất trình được giấy phép và thừa nhận hành vi khai thác đất trái phép. Trước hành vi này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt ông Thức hơn 138 triệu đồng gồm tiền phạt hành chính, tịch thu tang vật quy đổi bằng tiền và tiền tương đương giá trị phương tiện sử dụng trái phép vi phạm (1 máy xúc).

Tại không ít địa phương khác cũng xảy ra tình trạng múc đất trái phép vận chuyển đi tiêu thụ. Đơn cử, tại thôn Bản Hạ, xã Kiên Thành (Lục Ngạn), cơ quan công an bắt quả tang ông Nguyễn Văn Khiêm điều khiển máy xúc múc đất đồi đổ lên xe ô tô BKS 98C-127.38 đưa đi tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, các cá nhân khai thác, vận chuyển 32m3 đất đồi. Lực lượng chức năng đang tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định.

Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ xử lý vụ khai thác đất trái phép xảy ra trên địa bàn ấp 1, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Qua điều tra, xác minh, lực lượng công an xác định bãi đất trên do ông Lâm Thanh An (SN 1975), ngụ Khóm 2, phường 1, thị xã Giá Rai làm chủ đầu tư và thuê Ngô Trí Phương điều khiển xe cuốc đất với tiền công 10 triệu đồng/tháng, đồng thời thuê Phan Hoàng Giang, Trần Hoàng Phúc, Phạm Chí Hữu, Nguyễn Hoàng Hiển điều khiển xe ôtô tải chở đất đi san lấp mặt bằng với tiền công 40.000 đồng/chuyến...

Đùn đẩy, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương

Tình trạng khai thác đất san lấp mặt bằng, đất sét trái phép, vi phạm giấy phép từng được báo chí, người dân phản ánh, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý. Số vụ vi phạm tuy giảm nhưng vẫn có chiều hướng diễn biến khá phức tạp nếu không được ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm.

Để xảy ra các sai phạm về đất đai, khai thác đất đồi, đất nông nghiệp trái phép nhưng không kịp thời đôn đốc, tham mưu xử lý dẫn đến vi phạm ngày một nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận. Thế nhưng, đến phần trách nhiệm lãnh đạo, cán bộ của các đơn vị này thì chỉ nhận hình thức “xin nghiêm khắc rút kinh nghiệm” hoặc “nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm”.

Câu chuyện “cha chung không ai khóc” trong hoạt động quản lý đất đai ở cơ sở và sự đùn đẩy, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương tại các cấp đã khiến cho hoạt động khai thác đất trái phép thời gian qua vẫn còn đất sống.

“Đất tặc” vẫn đang nhờn luật, coi thường các cơ quan chức năng và tranh thủ thời cơ để làm bậy… Và có thể, trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, có “bóng dáng” của tham nhũng, lợi ích nhóm, của những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, về đạo đức, lối sống trong một số cán bộ của những cơ quan có trách nhiệm quản lý tài nguyên!

Bịt “lỗ hổng” về chính sách

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để ngăn chặn tận gốc tình trạng khai thác đất trái phép - dẫn đến thất thoát tài nguyên đất ở tỉnh Vĩnh Phúc, cũng như các địa phương khác, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, bịt “lỗ hổng” về chính sách, pháp luật, về phân cấp.

Để “đất tặc” không còn đất sống, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các bộ ngành trong quản lý tài nguyên, khoáng sản ở cơ sở, nhất là trong việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên.

Bà An “hiến kế”: Những nơi để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải khởi tố các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Nếu làm mạnh tay, quyết liệt được như vậy, thì “đất tặc” sẽ không còn đất sống”.

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top