Dự án tu bổ, nâng cấp đê biển cửa sông qua địa bàn hai xã Cẩm Lộc và Cẩm Hà (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, thấy nhiều dấu hiệu nghi vấn công trình bị rút ruột?
Thời điểm phóng viên có mặt tại hiện trường, Công ty cổ phần Xây lắp Thành Vinh (TP. Hà Tĩnh) đang huy động nhân công, máy móc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Không khí lao động hết sức khẩn trương, thế nhưng trên toàn tuyến không hề có bóng dáng của cán bộ tư vấn giám sát, kỹ thuật hiện trường. Mọi công việc từ lắp ghép cấu kiện bê tông, san lấp thân đê, làm tường chắn sóng đến việc đảm bảo an toàn lao động… đều phó mặc cho công nhân "tự biên, tự diễn".
Trao đổi với chúng tôi, một công nhân vô tư cho biết: "Cán bộ giám sát, cán bộ kỹ thuật thỉnh thoảng có tới công trình một lúc rồi lại đi. Những người ấy đảm nhiệm nhiều dự án lắm, nên có đến đây cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” chứ thời gian đâu mà bám sát hiện trường, mà đôn đốc, nhắc nhở công nhân".
Hệ luỵ của việc buông lỏng quản lý là trên công trường đã phát sinh nhiều bất cập. Hệ thống cấu kiện bê tông đúc sẵn sau khi lắp ghép mái kè nhiều chỗ đã bị sứt mẻ, bong tróc, mặt cấu kiện bị xói lở, bào mòn. Chân khay, dầm ngang, dầm dọc cong vênh và bắt đầu xuất hiện những vết nứt ngang mà không hề được sửa chữa, hàn gắn.
Cấu kiện bê tông bị sứt mẻ...
Đặc biệt, đá trộn bê tông làm tường chắn sóng theo thiết kế là đá 1x2cm (loại 1), nhưng nhà thầu đã sử dụng đá lép, đá vỏ phong hoá lẫn đá 0,5cm không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Sắt thép hoen gỉ; xi măng, cát sỏi chỗ thì đổ dồn thành từng đống lớn, chỗ thì vương vãi khắp nơi nên rất khó để cân tỷ lệ và đảm bảo khâu vệ sinh chất lượng vật liệu đầu vào.
Vật liệu nham nhở đã đành, thân đê lại càng tồi tệ hơn. Theo ghi nhận của phóng viên, nhà thầu đã sử dụng đất trộn lẫn nhiều đá bở, rễ cây nên không thể lu lèn, đầm chặt. Nguy cơ xói lở, sụt lún thân đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Một người dân ở xã Cẩm Hà (đề nghị giấu tên) cho biết: "Công trình đê biển nhằm giúp nhân dân phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, ổn định cuộc sống lâu dài, bền vững. Vậy nhưng, thay vì tin tưởng, kỳ vọng, giờ đây chúng tôi lại lo lắng vì mùa mưa lũ đã đến, trong khi công trình có dấu hiệu thi công không đảm bảo chất lượng".
Trước những bất cập trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Phan Văn Ánh, Phó trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Cẩm Xuyên (Ban A xây dựng). Ông Ánh cho biết: Dự án tu bổ, nâng cấp đê biển cửa sông các xã Cẩm Lộc, Cẩm Hà dài 6,4km, tổng mức đầu tư hơn 98 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đá trộn bê tông được cho là không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn được nhà thầu sử dụng làm tường chắn sóng.
Ông Ánh cho rằng, quá trình thi công, Ban A xây dựng thường xuyên kiểm tra, giám sát và nhìn chung công trình đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi: “Vậy cấu kiện bê tông bị sứt mẻ, hệ thống dầm bị gãy ngang, đá trộn bê tông 1x2cm và đất đắp thân đê không đảm bảo chất lượng kỹ thuật nguyên nhân từ đâu?”, lặng thinh một lúc, ông Ánh chậm rãi trả lời: "Sự cố này chắc là do sơ suất khi thi công". Nói xong, ông này vội vã rời khỏi phòng làm việc!
Nhà thầu thi công, chủ đầu tư thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý chất lượng công trình, từ thực tế này, dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng dự án tu bổ, nâng cấp đê biển cửa sông hai xã Cẩm Lộc, Cẩm Hà đang bị rút ruột?
Nhóm PV điều tra
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.