Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 3 năm 2021 | 16:53

Đâu là chìa khóa để ngành mía đường phát triển bền vững?

Thị trường mía đường trong nước đã có những tín hiệu tích cực chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên, để phát triển ngành mía đường một cách bền vững, còn rất nhiều việc phải làm.

185484848484884-1602886242629.jpg
Cán bộ Công ty cổ phần mía đường Sông Con (tỉnh Nghệ An) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc mía với người dân.

 

Ngành mía đường được xem là ngành hàng chiến lược trong an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân và đóng góp nguồn ngân sách lớn cho đất nước, tuy nhiên, ngành hàng này vẫn chưa hết khó khăn khi phòng vệ thương mại chỉ được coi là "tấm khiên chắn", hỗ trợ phần nào chứ không thể vực dậy được cả ngành mía đường trong giai đoạn khó khăn.

Vậy chìa khóa để vực dậy và phát triển bền vững ngành mía đường là gì?

Giá mía đường tăng nhờ chính sách bảo hộ

Ngay sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%. Trong một thời gian khá dài, ngành mía đường Việt Nam đã xảy ra nghịch lý: sản lượng đường trong nước dư thừa, nhưng lại nhập siêu lên đến 884.285 tấn đường vì không còn rào cản thuế.

Đứng trước những khó khăn lao đao của ngành mía đường, ngày 9-2-2021, Bộ Công thương đã ký ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan với mức 48,88% cho đường tinh và 33,88% cho đường thô.

Quyết định này đã mang lại cơ hội cạnh tranh công bằng cho đường của Việt Nam ở thị trường nội địa. Nhiều tín hiệu tích cực khác trong năm 2021 như giá đường có tăng nhẹ, nhu cầu đường thế giới liên tục tăng thời gian qua cũng giúp ngành mía đường có cơ hội vực dậy.

Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Cơ hội và thách thức cho ngành mía đường, do báo Nhân dân tổ chức mới đây, bà Nguyễn Cẩm Trang –  Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương cho biết, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN. Năng lực sản xuất trung bình của Việt Nam hàng năm đạt 1-1,3 triệu tấn đường trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp và cho sản xuất chế biến là khoảng hơn hai triệu tấn/năm.

 

164359239_1221880598248655_2328697546782766873_n.jpg
Các đại biểu tham dự Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Cơ hội và thách thức cho ngành mía đường.

 

Theo thống kê của cơ quan Hải quan, giai đoạn 2017-2019 đường nhập khẩu vào Việt Nam đạt 200 nghìn tấn đến 400 nghìn tấn, trong đó nhập khẩu đường thô và đường tinh luyện (mã HS 1701) đạt gần 250 nghìn tấn/năm (năm 2018-2019); đường lỏng (mã HS 1702) nhập khẩu trung bình đạt 150 nghìn tấn/năm (năm 2018-2019).

Tác động của việc bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường để thực hiện cam kết theo Hiệp định ATIGA tới tình hình ngành mía đường trong nước đã được dự báo trước thời điểm ngày 1-1-2020.

Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong năm 2020 đạt hơn 1,5 triệu tấn. Do lượng đường nhập khẩu tăng đột biến trong năm 2020 nên sản lượng sản xuất đường trong nước bị ảnh hưởng đáng kể (niên vụ 2019-2020 ép chưa được 900 nghìn tấn đường so với trung bình hàng năm trên 1,2 triệu tấn đường).

Tháng 1-2021, đường nhập khẩu vẫn tiếp tục đạt mức cao, đạt 113 nghìn tấn, do các doanh nghiệp chủ động tăng nhập khẩu để dự trữ nguồn hàng trước khi quyết định áp thuế phòng vệ thương mại của Bộ Công thương có hiệu lực (Quyết định số 477/QĐ-BCT ban hành ngày 9-2-2021 và có hiệu lực sau bảy ngày là ngày 16-2-2021).

“Tuy chưa có số thống kê chính thức của cơ quan Hải quan trong tháng 2-2021, nhưng đã có một số dấu hiệu tích cực từ khi Quyết định số 477 có hiệu lực như: Giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020; Giá thu mua mía nguyên liệu của người trồng mía cũng tăng so với vụ ép năm ngoái, tăng từ 50 nghìn – 100 nghìn đồng/tấn (giá mua trung bình hiện tại dao động khoảng  950 nghìn - 1 triệu đồng/tấn)”, bà Trang cho hay.

Khó khăn kiểm soát đường lậu

Ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn phát biểu ý kiến cho rằng, Có thể thấy Quyết định số 477 đã xác định được đúng đắn giá trị thực tế của ngành mía đường trong nước, nếu cạnh tranh sòng phẳng thì ngành mía đường trong nước không thua kém các nước trong khu vực.

Đây là điều kiện tốt để từng bước phục hồi lại ngành mía đường trong nước, đặc biệt là vùng nguyên liệu của các nhà máy và các doanh nghiệp sản xuất mía đường. Với giá đường được đánh giá đúng với giá trị thực, giá đường tăng, các nhà máy sẽ tăng giá mua mía cho bà con nông dân, người trồng mía yên tâm tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng mía, từ đó từng bước khôi phục lại vùng nguyên liệu, các nhà máy có đủ nguyên liệu để sản xuất.

 

1337_9-_4744_img_7077.jpg
Đường nhập lậu bị Hải quan bắt giữ. Ảnh: L.T

 

Thực tế vụ 2020-2021 nhiều nhà máy đã tăng giá thu mua mía cho bà con nông dân, đối với Lam Sơn đã thông báo giá mua mía trước vụ ép là 1.000.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng. Cao hơn giá trong vùng 200.000 đồng/tấn và cao hơn so với vụ trước 2019-2020 là 150.000 đồng/tấn.

Giá đường tăng, giá mua mía tăng, người trồng mía thu nhập cao sẽ góp phần phát triển kinh tế các địa phương có vùng nguyên liệu mía.

Tuy nhiên, theo tôi khó khăn lớn nhất vẫn là việc kiểm soát đường nhập lậu. Nếu không quyết liệt, không kiểm soát chặt chẽ đường nhập lậu sẽ gây lũng đoạn giá đường trong nước, đường các nhà máy sản xuất trong nước sẽ không tiêu thụ được, doanh nghiệp mía đường sẽ tiếp tục gặp khó khăn như những năm trước đây.

Bên cạnh đó việc nhập khẩu đường từ Thái Lan qua nước khác rồi nhập về Việt Nam cũng khó được kiểm soát sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng chỉ ra rằng, việc quyết định áp thuế sau quá trình điều tra đã cho thấy bộ mặt thật của môi trường cạnh tranh trong ngành đường ASEAN đã bị biến dạng bởi các biện pháp trợ cấp và phá giá để dành thị phần chứ không phải môi trường của năng lực cạnh tranh thực sự, và chứng tỏ những đánh giá trước đây về năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam không chịu đổi mới, chưa sẵn sàng cho hội nhập, chỉ đi xin cơ chế là hoàn toàn sai lệch.

Việc áp thuế phòng vệ thương mại là sự can thiệp kịp thời và chẳng khác nào chiếc phao cứu sinh xuất hiện kịp thời trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh của ngành đường Việt Nam. Tuy nhiên, do đã bị thiệt hại quá nặng nề nên việc phục hồi sẽ còn rất nhiều gian truân trở ngại đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành. Ngành mía đường Việt Nam mong chờ quyết định áp thuế chính thức với mức thuế thích đáng sớm được ban hành để bảo đảm giá đường giá mía tương đương với các đồng nghiệp trong khu vực tạo điều kiện cho nông dân và các nhà máy của ngành đường Việt Nam được hoạt động trong môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch.

Cần sự liên kết chặt chẽ và chuyên nghiệp

“Nói đến mía đường, thị trường còn nhiều vấn đề. Những vấn đề đang bàn ở đây chỉ là vài khía cạnh. Quan trọng nhất là người trồng mía và nhà máy phải có tiếng nói chung”,Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn Lê Văn Tam nói.

Và theo ông Tam, giải pháp lớn của ngành mía đường thì phải không chỉ làm mía, làm đường mà từ đường làm ra nhiều sản phẩm nữa, sản phẩm được thị trường chấp nhận thì mới đỡ cho người nông dân. Thực ra, các nhà máy lỗ, phá sản rất nhiều chứ không phải nhà máy ăn gian lận của người nông dân. Nhà máy cần hiểu là giúp đỡ nông dân để có nguồn nguyên liệu thì mình mới làm tốt.

Thị trường thì quan trọng nhất là chống buôn lậu. Nếu không cảnh giác, chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn nữa chứ không chỉ như thế này. Buôn lậu có thể thêm nhiều hình thức khác, qua các nước khác, khiến nguy hiểm cho giá đường thô, giá đường trắng, gây ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Phải lưu ý vấn đề này.

Đối với nhà máy đường phải phát triển nhiều ngành nghề. Như tận dụng bã mía phát triển điện sinh khối được thì rất tốt. Các ngành nghề khác cũng cần chung tay. Như Hội Nông dân phải hướng dẫn nông dân thâm canh, hiện nông dân không còn lo thâm canh nữa.

 

thanh-thanh-cong-bien-hoa-xuat-khau-duong.jpg
Giải pháp lớn của ngành mía đường là đa dạng hóa sản phẩm và được thị trường đón nhận. (Ảnh minh họa)

 

“Chúng ta nói áp dụng khoa học công nghệ nhiều nhưng đi vào thực chất ít. Giống thì chúng ta đã có giống tốt, cho năng suất cao. Kỹ thuật canh tác chúng ta có đầy đủ rồi, nhà máy làm mẫu cho nông dân rồi nhưng người nông dân hiện chưa coi trồng mía là nghề chính”, ông Tam chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bàn sâu về tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có vấn đề mía đường, làm thế nào để tăng hiệu quả. Vấn đề khoa học công nghệ, các viện, trường, đặc biệt là viện nghiên cứu mía đường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực trong vấn đề giống mía, cải thiện chất lượng giống mía.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trao đổi với Vụ Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt trong nội hàm về chính sách tín dụng thương mại đối với các nhà máy đường phù hợp với chu kỳ thu hoạch, phù hợp với khả năng tín dụng của các nhà máy mía đường; đặc biệt là mối quan hệ giữa người nông dân với Ngân hàng Nhà nước như thế nào. Qua đây hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật với những vùng nguyên liệu mía đường” - ông Nguyễn Quốc Toản nói.

Ngoài hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật thì dự báo thị trường cũng rất quan trọng, thúc đẩy các thị trường xuất khẩu, tận dụng được các ưu đãi của các FTA mới, ông Toản thông tin thêm.

“Bộ NN và PTNT đang trình Thủ tướng Chính phủ một nghị định về cơ giới hoá nông nghiệp. Đây sẽ là một hành lang pháp lý rất quan trọng để chúng ta đẩy mạnh cơ giới hoá và các hoạt động chế biến sâu”, ông Toản cho biết.

Có thể thấy rõ, hội nhập mang lại những cơ hội lớn, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ nếu doanh nghiệp không trang bị được cho mình khả năng cạnh tranh mạnh mẽ. Điều này chỉ có được nếu ta có những cánh đồng mía năng suất, chất lượng, rộng lớn, dễ áp dụng công nghệ thu hoạch, chế biến và tạo ra sản phẩm chất lượng, đồng thời, sở hữu công nghệ chế biến tiên tiến thế giới.

Chìa khóa vực dậy cả ngành mía đường và tạo sự phát triển bền vững chính là sự phối hợp đồng bộ của cả cơ quan chức năng, doanh nghiệp, nông dân và cả sự ủng hộ của người tiêu dùng.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top