Các hiệp định thương mại đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán đang mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt vươn ra thị trường thế giới.
Doanh nghiệp (DN) chính là “đầu tàu” dẫn dắt, nhưng thực tế, con đường này không trải hoa hồng, đòi hỏi phải có sự sáng tạo, chủ động và sự ủng hộ từ chính sách.
Để vươn ra thị trường toàn cầu, nâng cao giá trị nông sản, cần giải bài toán năng suất, an toàn trong sản xuất, chế biến cũng như xây dựng thương hiệu.
Bài 1: Hiện hữu những thách thức
Nông sản Việt hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch trên 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động, thời gian tới, DN xuất khẩu (XK) nông sản phải đối mặt với thách thức nào? Đâu là điều kiện để DN vươn ra bàn ăn thế giới?
Ba nhóm thách thức
Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sau quá trình đổi mới, đặc biệt là năm 2018, sản xuất nông sản Việt Nam không chỉ đáp ứng được nhu cầu của gần 100 triệu dân mà còn tạo ra khối lượng sản phẩm XK tới 40 tỷ USD, trong đó có 10 nhóm ngành hàng nông nghiệp có giá trị XK 1 tỷ USD trở lên. Phải khẳng định, đây là bước tiến rất lớn trong sản xuất nông nghiệp cũng như chuỗi giá trị ngành hàng nông sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, thời gian tới, để hàng nông sản tham gia sâu hơn vào chuỗi nông sản giá trị toàn cầu là thách thức rất lớn. Có thể nói về ba nhóm thách thức cơ bản:
Thứ nhất, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế; đòi hỏi phải tiếp tục tổ chức lại nền sản xuất dựa trên hộ nhỏ lẻ với 8,6 triệu hộ thành nền nông nghiệp tập trung hướng đến hàng hóa, có quản trị.
Thứ hai, thách thức, nguy cơ còn đến từ tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam là 1 trong 5 nước bị tổn thương lớn nhất về biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 2015-2018, mỗi năm nước ta thiệt hại 1-2 tỷ USD từ thiên tai. Chúng ta phải tổ chức nền sản xuất nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam phải có những giải pháp tổng thể, lựa chọn đối tượng sản xuất cho đến quy trình, các bước khác nhau với phương châm là biến bất lợi thành lợi thế. Đây mới là lựa chọn khôn ngoan.
Thứ ba, đến từ quá trình hội nhập sâu rộng. Việt Nam có xuất phát điểm thấp khi GDP bình quân đầu người mới đạt 2.574 USD, so với các nước có tiềm năng rất lớn về kinh tế, về khoa học kỹ thuật và bối cảnh thị trường mở là sự cạnh tranh khốc liệt.
Kể từ sau năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, các nước có xu hướng chung là tập trung chăm lo, ưu tiên đầu tư cho khu vực nông nghiệp, lấy đây là khu vực để không chỉ đảm bảo sự ổn định an ninh chung mà còn là hướng ưu tiên số 1. Vì thế, khi Việt Nam muốn tham gia XK chuỗi giá trị toàn cầu, phải chịu áp lực cạnh tranh rất quyết liệt. Trước tình hình đó, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, chế ngự được 3 nút thắt, tồn tại, bất cập lớn này mới mong hàng nông sản Việt XK tốt hơn, thúc đẩy cho sản xuất phát triển.
Nắm thông tin thị trường
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm rau, quả sang thị trường Mỹ, cho biết, để tăng cường lượng tiêu thụ, thúc đẩy thương mại hàng hóa nông sản trong xu thế hiện nay, quan trọng nhất vẫn là thông tin thị trường.
Đây là yếu tố cần được quan tâm đầu tiên khi doanh nghiệp có kế hoạch xuất khẩu nông sản đến thị trường Mỹ nói riêng và các nước khác trên thế giới nói chung. Bởi vì tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa của các nước ở từng khu vực là khác nhau và nhất là hàng hóa xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế ở các nước phát triển thì càng phải cần nghiên cứu kỹ về nhu cầu, tiêu chuẩn, hoạt động của thị trường của các nước.
Riêng thị trường Mỹ khắt khe về chất lượng và yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải đạt những tiêu chuẩn nhất định và tuân theo đúng thủ tục nhập khẩu. Cụ thể, Mỹ tăng cường kiểm soát kỹ thuật thương mại, cơ chế kiểm dịch thông qua các tiêu chuẩn như GMP, ISO, HACCP, an toàn vệ sinh thực phẩm… trong sản xuất và chế biến mặt hàng nông sản trước khi đưa vào thị trường nước này. Muốn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với hàng nông sản thì phải quan tâm từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch đến xử lý sau thu hoạch, bảo quản, vận chuyển…
Ngoài ra, Mỹ yêu cầu thủ tục bao gồm nhiều giấy tờ như: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy nhập khẩu hải quan, hóa đơn thương mại, danh mục kiện hàng (nếu có), giấy tờ khác theo yêu cầu cụ thể của chính quyền liên bang hay địa phương nhập hàng. Vì thế, khi các doanh nghiệp XK Việt Nam chưa nắm rõ hệ thống quy định về pháp luật của Mỹ thường cảm thấy khó nhập khẩu hàng vào thị trường này.
Từng bước làm chủ công nghệ
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Quốc Toản, hiện nay, Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản có công suất thiết kế bảo đảm chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu; sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 180 nước và vùng lãnh thổ, kể cả thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản...
Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình làm nhiệm vụ sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Toản, sự phát triển của ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, còn bộc lộ những tồn tại, nút thắt trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, như: Năng lực chế biến một số ngành hàng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ; công nghệ chế biến nông sản chưa cao, chủ yếu là sản phẩm thô, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp (tính chung 15-20%), chủng loại chưa phong phú.
Theo ông Toản, để nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị của ngành chế biến nông sản, các địa phương cần tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ, khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, hỗ trợ các dự án nâng cao năng lực chế biến nông sản; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về trình độ công nghệ chế biến, bảo quản nông sản để tiến tới hình thành thị trường khoa học công nghệ trong lĩnh vực này; nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao, hiện đại vào sản xuất.
Việc các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết như EVFTA, CPTPP, nông sản, thực phẩm Việt được kỳ vọng sẽ có điều kiện thuận lợi để hội nhập, chinh phục các thị trường khó tính nhất; đồng thời ngành nông nghiệp sẽ có cơ hội thu hút vốn từ các thị trường mới chưa bao giờ đầu tư vào Việt Nam. Thực tế, trong 3 năm qua, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tăng gấp 3 lần. Chỉ riêng năm 2018, hơn 10.000 tỷ đồng đã được đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Phan Thế Anh, Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, với việc hàng loạt các FTA thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực cũng như sự phát triển năng động của nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển vượt bậc.
Theo nhận định của các chuyên gia, năm nay được kỳ vọng là năm chuyển động mạnh mẽ của các dòng vốn vào lĩnh vực chế biến nông sản để Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ. Trong đó, việc thu hút đầu tư phát triển sản xuất, làm chủ công nghệ tiên tiến sẽ là mấu chốt căn bản để thúc đẩy sự phát triển.
“Chúng ta phải coi đây là thành tố rất tốt, trên nền tảng đó kết hợp phát triển nhiều hợp tác xã. Theo chương trình phát triển, từ nay đến năm 2020 sẽ có 50.000 hợp tác xã. Làm sao để 8,6 triệu hộ nông dân liên kết chặt chẽ với 50.000 hợp tác xã với hơn 10.000 DN hiện tại. Như vậy, chúng ta mới hình thành được sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực sản xuất, khu vực chế biến và tổ chức thị trường, gắn với thương hiệu quốc gia tiến tới thành công,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bài 2: Đâu là át chủ bài cho nông sản Việt?
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.