Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 3 năm 2016 | 2:7

Để khôi phục nhanh đàn gia súc sau rét đậm, rét hại: Cải tạo lại đồng cỏ cần được quan tâm

Theo thống kê, từ ngày 22/01- 18/02/2016, tổng đàn gia súc bị thiệt hại do rét đậm, rét hại  trên địa bàn các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ lên tới 23.555 con, trong đó có 10.392 con trâu, nghé; 4.950 con bò, bê và 8.213 con gia súc khác. Hiện, công tác khôi phục đàn gia súc, phát triển đồng cỏ sau rét đang được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Cần phát triển diện tích đồng cỏ để phục vụ chăn nuôi bền vững.

Người dân còn chủ quan

Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ đàn gia súc bị thiệt hại do rét đậm, rét hại tăng cao. Đơn cử như tại Lào Cai, đến nay, số hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo phòng chống rét là 39.707 hộ, chiếm 64,3%. Số hộ có chuồng nhưng chưa bảo đảm phòng chống rét là 15.315 hộ, chiếm 25,3%. Số hộ không có chuồng (buộc quanh nhà, gầm sàn và thả rông gia súc trong rừng) 6.762 hộ, chiếm 10,9%.

Trước những diễn biến bất thường, khó lường của tình hình thời tiết và dịch bệnh trên đàn gia súc, UBND tỉnh Lào Cai, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ kế hoạch và giải pháp, hướng dẫn người dân tích cực nhân rộng diện tích cỏ trồng để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc; chỉ đạo UBND các xã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo phòng chống đói rét cho đàn gia súc, yêu cầu cán bộ phụ trách thôn bản phải phối hợp với trưởng thôn, cán bộ khuyến nông, thú y viên đến tận hộ chăn nuôi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc. Giao cho hệ thống khuyến nông tiến hành rà soát toàn bộ các hộ chăn nuôi, nắm rõ danh sách các hộ chưa có chuồng để vận động các hộ đầu tư làm chuồng đảm bảo vệ sinh và phòng chống rét cho gia súc. Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng đợt rét đậm, rét hại vừa qua, Lào Cai vẫn có 1.467 con trâu, bò, ngựa bị chết rét, chiếm 0,94% tổng đàn.

Tại Yên Bái, từ ngày 22/01 - 27/01/2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, tại hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã vùng cao của các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, nhiệt độ từ dưới 0-4 độ C, xuất hiện mưa tuyết, băng giá kéo dài đã làm chết 1.382 con gia súc, trong đó có 756 con trâu và 354 con bò. Theo đánh giá, đây là đợt rét đậm, rét hại nhất trong vài chục năm trở lại đây, do vậy, mặc dù công tác phòng chống rét cho gia súc của của các cấp chính quyền và người dân đã ngày càng chủ động hơn song việc thiệt hại về gia súc là khó tránh khỏi.

Công tác chỉ đạo phòng chống rét cho trâu, bò còn gặp nhiều khó khăn do tập quán chăn nuôi thả rông trâu, bò trong rừng không có chuồng trại nên không thể tìm bắt trâu, bò về quản lý chăm sóc tại nhà trong những ngày rét. Một bộ phận người dân còn coi nhẹ không quan tâm đến việc chống rét cho trâu, bò nên mặc dù đã được phổ biến phương pháp chống rét nhưng vẫn không thực hiện, không dự trữ thức ăn thô xanh hay che chắn chuồng trại trước khi bước vào vụ rét. Điều kiện kinh tế các hộ gia đình còn rất khó khăn nên không có điều kiện để chăm sóc cho trâu, bò như việc đảm bảo lượng thức ăn thô xanh và bổ sung thức ăn tinh cho trâu, bò trong những ngày giá rét; mặt khác, việc bố trí kinh phí để hỗ trợ khẩn cấp trong chống đói, rét cho trâu, bò còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Khôi phục hệ thống đồng cỏ

Theo ông Lê Xuân Đông, Trung tâm Nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì, sau rét đậm, rét hại, công tác khôi phục diện tích đồng cỏ bị ảnh hưởng rất quan trọng. Theo đó, cần thu cắt toàn bộ thân lá trên đồng cỏ theo kỹ thuật thu hoạch đã được khuyến cáo của các giống cỏ trồng. Mục đích là làm giảm tiếp xúc của cây với không khí lạnh, giảm khả năng mất nước, chống xâm nhiễm của vi sinh vật và nấm bệnh làm thối, chết thân cỏ. Có thể tận dụng cỏ bị ảnh hưởng cho gia súc ăn hoặc phủ lên gốc cỏ nhằm giảm tiếp xúc với khí lạnh, tránh ảnh hưởng của sương muối, giữ ấm cho gốc cỏ.

Sau khi đồng cỏ được vệ sinh, cần bón phân nhằm làm ấm, ẩm thân ngầm của cỏ, cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cỏ, tạo điều kiện để cỏ sinh rễ mới và tái sinh chồi mới khi thời tiết thuận lợi. Sử dụng phân hữu cơ hoai mục, phân lân, kali với lượng: Phân chuồng hoai mục bón từ 10-15 tấn/ha; lân supe 300-400 kg/ha; kali 100-150 kg/ha. Sau khi bón phân cần vun gốc cỏ để giữ ấm cho gốc. Đối với các giống cỏ thân ngầm như cỏ voi, cỏ Goatemala, có thể vun kín gốc cỏ giữ ấm cho thân ngầm. Với các giống cỏ thân rễ như cỏ Ghinê, cỏ Mulato, không vun lấp kín khóm cỏ để tạo điều kiện cho thân rễ sinh chồi mới.

Sau khi bón phân cần tưới nước cho đồng cỏ với nơi có điều kiện nhằm tạo độ ẩm, hòa tan phân bón, giữ ấm cho gốc cây,  đồng thời tạo điều kiện  phục hồi và tái sinh nhanh khi thời tiết thích hợp.

Đồng cỏ sau khi bón phân phải được quản lý tốt, đảm bảo mật độ mầm cỏ tái sinh thích hợp. Không để gia súc giẫm đạp ảnh hưởng đến gốc và mầm mới tái sinh. Khi cỏ tái sinh, đây là thời điểm thiếu thức ăn nghiêm trọng của chuột và các loài động vật khác. Vì vậy, cần quan tâm diệt chuột, bảo đảm an toàn cho mầm cỏ tái sinh. Trồng dặm nhằm tránh mất khoảng, đảm bảo mật độ thảm cỏ sau khi được phục hồi.

Để phát triển đồng cỏ, các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các chính sách đồng bộ nhằm phát triển cây thức ăn gia súc, phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của các tỉnh miền núi phía Bắc, như: Chính sách chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả để trồng cây thức ăn cho gia súc với các giống cỏ phù hợp. Ưu tiên cho nghiên cứu lựa chọn cơ cấu giống cây thức ăn phù hợp với từng vùng; khuyến khích hỗ trợ thông qua nghiên cứu xây dựng mô hình; tập huấn về kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật chế biến và dự trữ thức ăn xanh thô; nâng cao nhận thức về trồng cây thức ăn gia súc của người chăn nuôi. Nhà nước cần giành nguồn kinh phí đầu tư cải tạo đồng cỏ tự nhiên bằng các giống cỏ có khả năng phát tán, chống chịu tốt trên đất chưa sử dụng, vùng bìa rừng, ven sông suối để nâng cao năng suất, chất lượng thức ăn xanh thô cho gia súc.

Theo ông Mai Thành Luân, Viện Nghiên cứu Ngô, ngoài các giống cỏ, các địa phương cũng có thể nghiên cứu phát triển các giống ngô làm thức ăn thô xanh cho gia súc. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Ngô đã và đang phối hợp với nhiều cơ quan, địa phương, công ty sản xuất sữa để đưa tiến bộ kỹ thuật phổ biến cho nông dân trồng ngô ở nhiều địa phương. Cụ thể, năm 2015, viện đã tiến hành mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân nuôi bò sữa ở các huyện Duy Tiên, Lý Nhân (Hà Nam) trong vùng sản xuất sữa của Công ty Cô gái Hà Lan. Tập huấn kỹ thuật, chuyển giao các giống ngô lai có năng suất chất xanh lớn, chất lượng tốt cho các vùng nguyên liệu thức ăn xanh cho gia súc ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thọ Xuân (Thanh Hóa), các huyện có diện tích trồng ngô lớn của Nghệ An như Nghĩa Đàn... Các sản phẩm giống ngô lai của viện đều cho năng suất cao, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nông dân.

Ông Luân cho biết, thời điểm lý tưởng để cắt ngô ủ chua là khi 50% số bắp trên ruộng ở giai đoạn chín sáp. Khi thu hoạch ngô để ủ chua, cần thu hoạch toàn bộ số bắp, bởi vì hạt có chứa đường, tạo thuận lợi cho quá trình lên men. Nếu chỉ ủ chua những cây ngô không bắp sẽ không tạo ra loại thức ăn ủ chua có chất lượng tốt.

Kỹ thuật ủ như sau: Sau khi cắt ngô cần rải xuống đất hoặc sân, phơi tái dưới nắng khoảng nửa ngày, làm cho cây ngô bị mất nước và khô đi một chút. Lưu ý là không phơi quá khô trước khi thái nhỏ và  đưa vào  hố/túi ủ. Trong lúc phơi, cứ 2 giờ cần trở đảo một lần để cây khô héo đều. Bước tiếp theo là tiến hành băm, thái ngô cây thành những mẩu nhỏ 3-5cm. Sau đó chất vào hố/túi và nén thật chặt.

Cho thêm rỉ mật:Trong các loài cây thức ăn nhiệt đới, lượng đường thường không đủ để sản sinh ra lượng axít lactic cần thiết làm chua cho toàn khối thức ăn. Do vậy, cần bổ sung thêm đường để tạo thuận lợi cho quá trình lên men lactic. Đối với cây ngô, cần bổ sung 5 lít rỉ mật đường cho 01 tấn thức ăn.

Đóng hố ủ: Kỹ thuật đóng hố ủ cũng thay đổi tùy theo từng loại hố. Trường hợp hố ủ lớn, hai vách song song, sau khi đã nén kỹ lớp thức ăn trên cùng, dùng tấm bạt hoặc nylon dày, màu thẫm phủ kín toàn bộ miệng hố. Cuối cùng dùng các vật nặng (lốp xe cũ, gỗ…) chèn chặt lên trên.

Đối với loại hố ủ xây, nhỏ, sau khi toàn bộ thức ăn đã được nén chặt tới miệng hố, tiến hành đóng hố ủ lại bằng cách phủ một lớp rơm (độ dày 5cm) lên đỉnh hố, sau đó đổ một lớp đất dày (tối thiểu 30cm) lên trên và bao phủ toàn bộ bề mặt hố ủ. Khoảng 72 giờ sau khi đóng hố ủ, hiện tượng lên men dừng lại. Cây ngô thức  ăn chuyển thành thức ăn ủ chua. Khi đó bắt đầu một thời kỳ ổn định, kéo dài khoảng 6-7 tuần. Thức ăn ủ chua này có thể sử dụng cho gia súc bắt đầu từ tuần lễ thứ 8.

Khánh Nguyên

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top