Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 8 tháng 11 năm 2018 | 9:30

Đề nghị bổ sung chế tài đối với cơ quan quản lý tại địa phương

Thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Chăn nuôi tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề chưa quy định rõ trong luật.

nuoi-ga11.jpg
Khi Luật Chăn nuôi được thông qua và có hiệu lực sẽ giúp ngành chăn nuôi nước ta phát triển bền vững.

 

Cần có chính sách đủ mạnh

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Chăn nuôi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, một số ý kiến cho rằng ngành chăn nuôi của Việt Nam đã có tốc độ phát triển nhanh, đưa lại giá trị kinh tế lớn nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, nên cần phải có chính sách đủ mạnh, chiến lược phù hợp để phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, chuỗi khép kín, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý môi trường chăn nuôi; bổ sung quy định về chế biến, bảo quản để phát triển chăn nuôi theo chuỗi, bền vững; đồng thời đề nghị rà soát nội dung và số lượng chương, điều của Dự thảo Luật cho phù hợp hơn.

Về chính sách của Nhà nước về chăn nuôi, các đại biểu đề nghị bổ sung chính sách  phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo tồn nguồn gen vật nuôi, nhất là nguồn gen bản địa, quý, hiếm, nguồn gen có nguy cơ tuyệt chủng; bổ sung chính sách về dự trữ quốc gia đối với một số sản phẩm chăn nuôi thiết yếu; bổ sung chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ để đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào chăn nuôi; hỗ trợ hoạt động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi.

Quản lý thức ăn chăn nuôi là vấn đề được dư luận quan tâm, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng chăn nuôi và an toàn thực phẩm. Từ đó, có đề nghị tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa, bổ sung các quy định về thức ăn chăn nuôi tại Chương III; luật hóa những quy định về thức ăn chăn nuôi mà đã được kiểm nghiệm, thực hiện ổn định trong thực tế; quy định yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường; cụ thể hóa trình tự, thủ tục công bố sản phẩm đối với từng loại thức ăn đậm đặc, hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn bổ sung, thức ăn truyền thống và nguyên liệu đơn. Do đó, Dự thảo Luật đã giảm đáng kể nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Thiếu các quy định chế tài trong xử lý chất thải

Thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Chăn nuôi tại kỳ họp thứ 6, cho ý kiến về vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, một số đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi bao gồm nhiều nội dung như xử lý chất thải ở cơ sở chăn nuôi trang trại; xử lý tiếng ồn từ chăn nuôi; xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ; nguyên tắc quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; quản lý cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi…

Những vấn đề này đang gây nhức nhối, ảnh hưởng đến đời sống con người, nhất là chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại chung chung, thiếu các quy định chế tài, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý tại địa phương; chưa đi sâu, cụ thể về nội dung của các quy định này, trong khi việc xử lý chất thải chăn nuôi nếu không được đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con người và môi trường.

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng, cần làm rõ quy định về tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi và tổ chức, cá nhân sở hữu vật nuôi. Trong thực tiễn, có nhiều chủ sở hữu trang trại chăn nuôi không trực tiếp tổ chức chăn nuôi mà cho người khác thuê để tổ chức chăn nuôi. Nếu quy định trách nhiệm về xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi cho chủ sở hữu trang trại thì việc này khó thực hiện bởi  chủ trang trại không trực tiếp tổ chức chăn nuôi. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tổ chức chăn nuôi bằng hình thức cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y cho các chủ nuôi gia công. Nếu quy định như thế thì trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi đổ dồn cho người nuôi gia công mà những người thực sự là chủ sở hữu các vật nuôi thì không có trách nhiệm xử lý.

Về vấn đề này, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, điểm a, khoản 2, Điều 59, Dự thảo Luật cần bổ sung thêm cụm từ “hoặc nước tưới trong trồng trọt”. Điểm a, khoản 2, Điều 59 Dự thảo Luật quy định: Tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản hoặc nước tưới trong trồng trọt. Đồng thời, để đồng bộ với Luật Chăn nuôi, đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo Luật Trồng trọt cần nghiên cứu, bổ sung các nội dung liên quan đến việc sử dụng chất thải chăn nuôi đã qua xử lý, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, làm phân bón hữu cơ hoặc nước tưới trong các điều khoản về phân bón và quy định về canh tác của Luật này.

“Đối xử không tàn bạo với vật nuôi”

Quan tâm đến nội dung về đối xử nhân đạo với vật nuôi, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, qua nghiên cứu Dự thảo Luật được Chính phủ trình, các quy định trong dự thảo chủ yếu đề cập đến các điều kiện đối xử với vật nuôi như: vệ sinh chuồng trại, không gian, diện tích chăn nuôi, thức ăn, nước uống cho vật nuôi ở Điều 68; điều kiện về việc sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi ở Điều 69; và điều kiện về cơ sở giết mổ được quy định ở Điều 70.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, sửa đổi tên Mục 2 cũng như các điều cụ thể trong mục này thành “điều kiện đối xử đối với vật nuôi” thay vì “đối xử nhân đạo với vật nuôi”. Như vậy, Điều 68 sẽ là “Điều kiện đối với vật nuôi trong chăn nuôi”; Điều 69 sẽ là “ Điều kiện với vật nuôi trong vận chuyển”; Điều 70 sẽ là “Điều kiện với vật nuôi trong giết mổ”.

Cùng quan điểm, một số đại biểu cũng cho rằng, “đối xử nhân đạo với vật nuôi” là tâm nguyện của nhiều người dân, tuy nhiên, cụm từ “đối xử nhân đạo với vật nuôi” trong Dự thảo Luật là chưa phù hợp. Các đại biếu đề nghị cân nhắc sử dung cụm từ này, bởi “nhân đạọ” là cách dùng từ để nói cách đối xử với con người, không thể nói với con vật. Do đó, các đại biểu đề nghị thay là “đối xử không tàn bạo với vật nuôi” cho hợp lý.

Nhiều vấn đề cần tham chiếu hài hòa khi xây dựng luật

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Luật Chăn nuôi được xây dựng trong hoàn cảnh có 4 điểm đặc trưng. Thứ nhất, nền nông nghiệp Việt Nam đang chuyển từ sản xuất để cung cấp trong nước, phục vụ chính cho nhu cầu tiêu dùng, đến giai đoạn hiện nay đòi hỏi sản xuất phần nhiều để tập trung xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, có nhiều vấn đề cần tham chiếu, hòa đồng khi xây dựng các luật.

Thứ 2 là vấn đề lao động trong nông nghiệp. Ví dụ, khu vực chăn nuôi lợn trước đây là trên 10 triệu hộ, sau quá trình chuyển đổi, lao động nông nghiệp hiện còn 37%, chăn nuôi lợn hiện còn trên dưới 3 triệu hộ, do đó, khi thiết kế luật, những quy định liên quan sẽ phải thích ứng với việc chuyển dịch lao động này.

Thứ 3, mọi giải pháp trước đây tập trung giải quyết yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực theo nghĩa rộng là chính, nhưng nay với đà tăng trưởng về kinh tế, nhu cầu của gần 100 triệu dân đòi hỏi phải sản xuất sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn và đáp ứng phát triển các ngành khác, như du lịch. Mà để gắn với du lịch, thì phải đi liền với cảnh quan, văn hoá, ẩm thực; phải khai thác tốt các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế như đặc sản, vật nuôi quý hiếm…

Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng với yêu cầu, điều kiện kinh tế khác nhau là yếu tố thứ tư ảnh hưởng đến quá trình xây dựng luật. Quy luật, nhu cầu phát triển của mỗi vùng, mỗi khu vực có sự khác biệt, đòi hỏi cần có hướng quy định cụ thể về phát triển chăn nuôi ở thị xã, thành phố, từng vùng.

 

Chăn nuôi là ngành kinh doanh có điều kiện

 

Dự thảo Luật Chăn nuôi có 7 chương, 82 điều quy định về chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Theo quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Xuân Dương, mục tiêu của Luật Chăn nuôi là tạo điều kiện tốt nhất, giải phóng các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Quan trọng nhất là phải xã hội hoá dịch vụ công, tiến tới cả người chăn nuôi, nhân dân, tổ chức xã hội cũng được tham gia vào quá trình này, qua đó nhằm góp phần thực hiện luật được công khai, minh bạch.

Điểm mới quan trọng nhất của Luật Chăn nuôi là quy định chăn nuôi là ngành kinh doanh có điều kiện, trong đó có quy định hộ chăn nuôi, chủ trang trại phải đăng ký số lượng vật nuôi với địa phương; quy định số lượng đơn vị vật nuôi thế nào là trang trại nhỏ, thế nào là trang trại lớn; hay các quy định về môi trường…

Một điểm mới nữa là ngoài quy định về gia súc gia cầm, động vật nuôi bán hoang dã, Luật cũng có quy định về một số vật nuôi khác, với danh mục cụ thể.

Một điểm đáng lưu ý trong Luật là đã đưa vào quyền vật nuôi, hay nói cách khác là đối xử nhân đạo với vật nuôi.

Ngoài ra, vấn đề chế biến, kết nối thị trường các sản phẩm chăn nuôi - đây là lĩnh vực yếu kém nhất trong ngành nông nghiệp nước ta hiện nay, nhất là ngành chăn nuôi.

Một điều quan trọng nữa là chuyển từ chăn nuôi không có điều kiện sang có điều kiện sẽ phải có lộ trình, sau khi Luật có hiệu lực sẽ có khoảng 3 năm để các chủ hộ chăn nuôi, trang trại thực hiện.

Hoàng Văn

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
Top