Trải qua thời gian dài điêu đứng vì thị trường đóng băng, nay giá thủy sản tăng trở lại nhưng chưa khiến những hộ nuôi cá lồng trên sông ở Bắc Ninh bớt âu lo.
Bởi cùng lúc này, giá con giống và giá thức ăn công nghiệp tăng cao khiến chi phí sản xuất đội lên, hầu hết các hộ đều thận trọng khôi phục và mở rộng quy mô lồng nuôi.
Người nuôi gặp khó
Là hộ nuôi cá lồng có kinh nghiệm, ông Vũ Văn Chứ, thôn Kiều Lương, xã Đức Long (Quế Võ), chia sẻ: “Nhà tôi có 13 lồng nuôi cá trên sông, chủ yếu là cá chép và cá lăng. Nếu thị trường ổn định, thu nhập từ việc sản xuất cá lồng có thể đạt tiền tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2021 là năm khó khăn nhất đối với người nuôi cá, có thời điểm giá cá lăng giảm còn 45.000 đồng/kg trong khi giá cám tăng đến 110.000 đồng/bao, chúng tôi vẫn phải bám trụ, chấp nhận thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Tới nay, giá cá tăng lên hơn 100.000 đồng/kg, nhưng các hộ nuôi cũng chẳng còn cá mà bán. Nhà tôi có 5 lồng cũng phải tới tháng 10 này mới được xuất bán”.
Theo ông Chứ, hiện giá cám công nghiệp vẫn cao hơn 20.000 đồng/ bao so với năm ngoái, mỗi ngày ông phải sử dụng 35 bao cám, giá 430.000 đồng/ bao. Như vậy, mỗi tháng ông phải chi riêng tiền cám là 450 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, do tình hình nhập khẩu khó khăn, giá con giống cũng tăng chóng mặt. Hiện, giá cá lăng lên tới 5.000 đồng/ con, trong khi cùng kỳ năm trước là 1.000 đồng/ con, gây khó khăn cho người nuôi.
Qua khảo sát, sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, các ngành thương mại - dịch vụ, nhất là du lịch hoạt động mạnh trở lại khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng cao. Tuy nhiên, ngoài cá lăng, hiện giá xuất bán các loại cá phổ biến nuôi tại lồng trên sông tăng không đáng kể. Cụ thể, điêu hồng có giá 50.000-54.000 đồng/ kg, chép 56.000 đồng/ kg, ngạnh 130.000/ đồng… Hầu hết các hộ đều trải qua thời gian dài cầm cự nên rất khó khăn trong việc duy trì số lượng lồng nuôi.
Nhiều hộ không tìm được thị trường tiêu thụ nên đã chủ động giảm mật độ. Có 15 lồng cá đạt tiêu chuẩn VietGAP trên dải sông đoạn qua xã Đức Long (Quế Võ), ông Vũ Văn Chiến chia sẻ: “Đợt này, các thương lái thường xuyên đến hỏi thăm nhà tôi mua một số loại cá đặc sản, nhất là loại trọng lượng lớn, nhưng năm ngoái tôi đã bán tháo nhiều rồi. Điều chúng tôi mong muốn lúc này là được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục đầu tư sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Trong khi đó, dù có được lứa cá lăng xuất bán đúng thời điểm đỉnh giá, anh Trần Quý Ninh có 15 lồng cá tại Chi Nhị, Song Giang (Gia Bình) cũng chưa trọn niềm vui: “Tháng 6 vừa rồi, tôi bán 6 tấn cá lăng loại 2-4kg, với giá 100-106.000 đồng/ kg, lãi cao nhưng chỉ bù được một phần tiền vay mua cám năm trước. Vậy nên, tôi cũng không dám tái đàn cá lăng nhiều vì thời gian nuôi quá dài, từ 18-24 tháng, đòi hỏi người nuôi phải trường vốn. Cùng với đó, nguồn nước sông không ổn định, thỉnh thoảng xuất hiện đợt ô nhiễm khiến loài cá nhạy cảm này có tỷ lệ hao hụt nhiều. Hiện nay, tôi phải cơ cấu đàn nuôi cho phù hợp, chuyển hướng sang thả nuôi nhiều cá diêu hồng hơn”.
Giải pháp nuôi hiệu quả
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 2.409 lồng nuôi cá trên sông. Từng mở ra phương kế làm ăn cho nhiều hộ dân ven sông, việc nuôi cá lồng sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp trong bối cảnh thị trường biến động mạnh khiến không ít hộ thua lỗ.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh, cho biết: Để việc nuôi cá lồng hiệu quả, các hộ cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất về đối tượng con giống, kích cỡ, thời vụ xuất bán. Về lâu dài, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nắm bắt thị trường, không chạy theo xu hướng nuôi ồ ạt. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ thất thường như hiện nay, cần chú trọng công tác phòng bệnh. Vào những ngày nắng nóng cần cho cá ăn muộn hơn, bổ sung một số loại vitamin A, B, C và axit amin thiết yếu nhằm tăng sức đề kháng, dùng lưới đen che phủ mặt lồng nuôi…
Về phía quản lý nhà nước, Chi cục tích cực tuyên truyền, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc đàn cá đạt hiệu quả cao; tiến hành quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh thường xuyên; định hướng cơ cấu đàn nuôi; hỗ trợ tiếp cận chính sách ưu đãi và xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối các hộ dân với các kênh tiêu thụ cá lồng ổn định…