Những con sâu gai góc đầy mình, to như ngón tay cái, đua nhau ngốn lá sắn đang là món ăn khoái khẩu của dân nhậu và là vật nuôi cho tiền triệu của nhiều người dân huyện Anh Sơn (Nghệ An).
Những con tằm nhìn như những con sâu khổng lồ.
Dịp này, đến xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn không khó để chứng kiến cảnh sâu chen chúc trên nền nhà, sâu lóc nhóc trên nong nia, sâu ngọ nguậy trên những bàn tay vào độ thu hoạch. Lắm nhà còn dẹp cả bàn ghế phòng khách sang một bên để nhường không gian đủ rộng cho nghề nuôi sâu sắn hay còn gọi là con tằm.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Duy Mai, thôn 10, xã Thọ Sơn vào giữa trưa, đang là thời điểm tằm ăn lên ngồn ngộn nên ông Mai phải huy động mọi thành viên trong gia đình tất tả ra thu hoạch. Nhanh tay bắt những con sâu chín vàng, ông Mai phấn khởi nói: "Hơn 3 năm nay, gia đình tôi theo nghề nuôi tằm lá sắn, giá cả có khi lên khi xuống nhưng chưa bao giờ bị ế. Nuôi đến đâu xuất bán đến đó, đầu mùa giá cao thì 80.000 - 100.000 đồng/kg, giữa vụ giảm xuống còn 50.000 - 60.000 đồng/kg nhưng so với các loại cây - con khác nuôi tằm vẫn lợi hơn nhiều".
Ông Mai cho biết thêm: "Khác với tằm dâu thân hình bé nhỏ, tằm sắn có kích cỡ bằng ngón tay trỏ của người lớn, gai góc nhọn tua tủa chạy thành hàng từ đầu xuống chân. Đây là loại côn trùng dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, không mất nhiều thời gian chăm sóc.. Chỉ cần trồng vài sào sắn là có thể nuôi từ 8 -10 lứa tằm mỗi năm, mỗi lứa ít nhất cũng được vài bà triệu đồng...”.
Nghề nuôi sâu sắn đang được nhiều người dân huyện miền núi Anh Sơn theo đuổi.
Cách đó không xa, ông Bùi Văn Quý ở thôn 10 cũng tất tả ra vườn hái sắn về cho tằm ăn. Ông Quý cho biết: Tằm lá sắn rất nhanh lớn do chúng ăn nhiều, bình quân một ngày phải cho chúng ăn 5-6 lần.Tằm thích ăn lá sắn tươi nhưng trời mưa, người nuôi phải hết sức cẩn trọng rũ sạch nước trên lá nếu không chúng sẽ bị bệnh mà chết. Nuôi tằm tuy dễ mà khó. Tằm kỵ nhất là kiến và mẫn cảm với môi trường một cách lạ lùng. Trong nhà nếu có mùi lạ như nước xả vải, thuốc tẩy, thuốc nhuộm màu, tằm ngửi hơi là chết la liệt, do vậy mà người nuôi ở đây gọi tằm là loại thực phẩm siêu sạch.
Cũng theo ông Quý, tằm có lẽ là giống vật nuôi siêu tốc nhất, chỉ 18-20 ngày là đã cho thu hoạch. Bình quân mỗi lứa ông Quý nuôi từ 3-4 vỉ tằm giống, mỗi vỉ nếu thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt sẽ đạt năng suất 17-20 kg, với giá bình quân 60.000 đồng/kg, mỗi lứa ông Quý cũng thu về từ 2,5-3 triệu đồng trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Ông Nguyễn Duy Mai, thôn 10, xã Thọ Sơn Anh Sơn thu hoạch những con tằm đã chín vàng
Sở dĩ ở Anh Sơn có nhiều người dân nuôi tằm bởi nơi đây có vùng nguyên liệu sắn bạt ngàn hơn 1.000ha. Các địa phương có người dân tham gia nuôi tằm nhiều là xã Hoa Sơn, Hội Sơn, Tường Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn… Tằm thương phẩm được thương lái đến thu mua tận nơi rồi mang đi nhập ở những nơi khác trong tỉnh Nghệ An như Đô Lương, Diễn Châu, Vinh.
Việc phát triển nghề nuôi tằm lá sắn không những tận dụng được vùng nguyên liệu rộng lớn mà còn góp phần mang lại thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân miền núi huyện Anh Sơn.
Huyền Trang - Lưu Khuyên
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.