Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 1 năm 2019 | 14:20

Để nông nghiệp khu vực Tây Bắc bứt phá: Đâu là cơ chế đặc thù?

Từ thuận lợi và thách thức trong phát triển nông nghiệp, khu vực Tây Bắc rất cần một cơ chế đặc thù để bứt phá.

HTX đã và sẽ được hỗ trợ thế nào? Các chính sách của Nhà nước và cơ chế của địa phương đã thực sự đến với lĩnh vực kinh tế hợp tác, vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ…

 

2.JPG
Đoàn công tác Trung ương và địa phương, thăm gian hàng HTX Tây Bắc tại Sơn La.
 

HTX cần “tiếp sức”

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn - Sơn La), Sơn La đã có chính sách ưu đãi cho HTX nông nghiệp, ghi rõ trong nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh: “Cần tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp thuê đất làm mặt bằng, thu gom nông sản và tiêu thụ sản phẩm cho bà con”. Mặc dù vậy, đã nhiều lần làm đơn gửi các cấp có thẩm quyền, song 10 năm nay, HTX  vẫn chưa có mặt bằng xây dựng kho lạnh để thu gom hoa quả, đảm bảo xuất khẩu.

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao, cho biết, khó khăn nhất của HTX là, khi có đơn hàng xuất khẩu cà phê nhân 5 – 10 conteiner, HTX  phải chuyển giao cho đơn vị thứ 3, vì không đủ tiềm năng và không có tài sản lớn để thế chấp vay vốn. Hoặc, trong 8 tháng đầu năm 2018, HTX thuê chuyên gia Đức, Mỹ sang chế biến cà phê mật ong, và đã xuất khẩu được 6,8 tấn sang các quốc gia nói trên. Vì vậy, chúng tôi rất cần được vay vốn ngân hàng, được hỗ trợ đầu tư nhà kính để chế biến cà phê xuất khẩu.

Giám đốc HTX Táo mèo, bản Nậm Lộng, xã Hang Chú (Bắc Yên - Sơn La), ông Giàng A Chinh, nêu ý kiến: Điều quan trọng nhất của bản Nậm Lộng lúc này là làm con đường rải nhựa, thay đường đất, đá trơn trượt, để vận chuyển sơn tra (táo mèo) từ chân núi đến trung tâm xã, dài 30km. Hiện, tỉnh đang xây dựng nhà máy chế biến hoa quả cho cả vùng, cách bản 170km, nếu có thêm máy hái sơn tra nữa, sẽ đỡ vất vả, nguy hiểm thì càng tốt. Mặt khác, có thể nghiên cứu thêm về tác dụng của sơn tra, để giới thiệu đến thị trường có nhiều tiềm năng, nhất là nước ngoài. 

Không chỉ cần vốn, mặt bằng, đường giao thông, các HTX khu vực Tây Bắc còn thiếu năng lực quản trị HTX, kể cả giám đốc và các thành viên. Ông Vàng Văn Sưởng, Giám đốc HTX Mường Kim, chuyên sản xuất, chế biến các loại dược liệu cổ truyền của dân tộc Giáy, cho biết, bản thân ông  mới học hết lớp 8/12; các thành viên khác cũng cực kỳ yếu kém, nhiều người không biết chữ. Khi tham gia HTX, bà con cam kết góp vốn, nhưng khi bắt tay vào công việc lại thờ ơ, nên thiếu vốn sản xuất (vốn điều lệ HTX 760 triệu đồng). Hoạt động theo Luật HTX mới, nhưng vẫn đậm tư duy kiểu cũ và tư tưởng “cha chung không ai khóc”, trông chờ ỷ lại. 

“Đơn cử, HTX đã cung cấp cây giống gừng gió để bà con trồng, HTX sẽ thu mua với giá thị trường. Song, các thành viên không trồng, thích đi làm thuê cho Trung Quốc, để có tiền ngay. Vì vậy, ngoài vốn, HTX rất cần bồi dưỡng những kiến thức căn bản, cần thiết về Luật HTX kiểu mới 2012; những lớp học cấp tốc, để nâng cao năng lực quản trị HTX cho giám đốc và các thành viên. Về lâu dài, cần nâng cao nhận thức về canh tác, sản xuất bền vững để ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà”, ông Sưởng chia sẻ.  

Khó khăn

Khu vực miền núi phía Bắc có 2.724 HTX nông nghiệp, chiếm 23% số HTX nông nghiệp cả nước. Ở một số huyện “trắng” HTX như Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng); Mường Nhé (Điện Biên);  Lai Châu, Sơn La, Quảng Ninh có 10 - 20% số xã không có HTX ; riêng Bắc Kạn còn 50% số xã không có HTX.

Mặt khác, các HTX ở Tây Bắc hầu hết quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu; thiếu liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác; hợp tác với thành viên chưa chặt chẽ, thiếu tính bền vững. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân dân về vai trò kinh tế hợp tác, HTX chưa đầy đủ, nên chưa có sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư đúng mức dẫn đến nông dân chưa tích cực tham gia HTX.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Giàng A Tính, cho biết, HTX nông nghiệp của tỉnh chiếm 34,5%, có 17 HTX xây dựng được thương hiệu, song, chủ yếu ở vùng sản xuất cây, con tập trung, cơ sở hạ tầng đảm bảo. Còn những nơi chưa quy hoạch, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn, hàng hóa khó lưu thông, chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo nên có nhiều HTX hoạt động chưa hiệu quả.

Mặt khác, trình độ, năng lực cán bộ HTX rất thấp. Trong 695 người quản lý HTX nông nghiệp, có tới 72,2% chưa qua đào tạo. Do năng lực yếu nên mục tiêu, phương án sản xuất không rõ ràng, nhiều thành viên HTX không phải trụ cột gia đình, nên không có tiếng nói quyết định trong làm ăn, góp vốn, vay vốn. Bộ phận kiểm toán, quản lý, theo dõi sổ sách thiếu minh bạch; ngân hàng đến thẩm định cho vay, không giải ngân được. Mức độ rủi ro trong nông nghiệp cao, lợi nhuận thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật yếu, đất đai hạn chế. Vì vậy, các tổ chức tín dụng, ngân hàng còn rụt rè, thiếu niềm tin vào HTX nên không muốn cho vay.

Nhận thức được những hạn chế đó, hai năm qua, Lai Châu đã mở 8 lớp học bồi dưỡng cho 400 học viên, nâng cao năng lực quản trị HTX. Làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho từng vùng, tạo niềm tin để hình thành HTX. Cấp vốn điều lệ, quỹ hỗ trợ thành lập mới, hoặc chuyển đổi HTX; chỉ đạo ngân hàng, quỹ tín dụng cho HTX vay vốn. Do đó,  năm 2018, đã có 20 HTX được vay vốn khoảng 16 tỷ đồng, bước đầu đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả.       

Tái cơ cấu nông nghiệp là cơ hội để Tây Bắc cất cánh

Tây Bắc có diện tích 5,6 triệu hecta; trên 10 triệu người và 20 dân tộc. Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại và là vùng sinh thái của Bắc Bộ. Vì vậy, để khu vực kinh tế hợp tác, HTX bứt phá mạnh mẽ, cần chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng; có cơ chế chính sách đặc thù cho từng vùng. Đặc biệt, yếu tố con người là quan trọng, vì vậy, cần nâng cao năng lực quản trị HTX cho cán bộ và  các thành viên, nhất là khi trình độ, nhận thức người dân khu vực còn chưa cao. 

Để làm được những điều này, các địa phương cần bố trí cho HTX thuê đất, để xây dựng trụ sở làm việc, xưởng sản xuất, chế biến...; thuê cửa hàng kinh doanh; kể cả giao đất không thu tiền sử dụng đất. Được vay vốn từ nhiều nguồn: Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; Quỹ Quốc gia về việc làm; các chính sách hỗ trợ phát triển theo Nghị định 41 /2010/NĐ – CP về chính sách tín dụng, phục vụ phát triển nông thôn. Ngoài ra, cần có các chính sách khác như: Hỗ trợ khoa học – công nghệ; mở rộng thị trường; đầu tư cơ sở hạ tầng…

Phát biểu tại Hội thảo Phát triển Kinh tế hợp tác, HTX vùng Tây Bắc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, ông Trần Thanh Nam, cho rằng: “Cần tuyên truyền, cụ thể hóa Luật HTX 2012, để cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu rõ vai trò HTX trong xã hội; trong hội nhập kinh tế. Xây dựng mô hình HTX làm ăn hiệu quả, theo chuỗi giá trị; tăng cường  đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, cán bộ kế vị. Hỗ trợ HTX công tác kiểm toán để nâng cao tính minh bạch. Thực hiện tốt Nghị định Bảo hiểm nông nghiệp, Nghị định đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt, ngoài chính sách Nhà nước, các địa phương cần có chính sách riêng cho HTX. Hiện, Sơn La và một số tỉnh đã làm tốt điều này. Nếu Tây Bắc có cơ chế, chính sách cụ thể, các HTX sẽ có điều kiện phát triển. Tái cơ cấu nông nghiệp là cơ hội để Tây Bắc cất cánh, nhất là Sơn La”.

Ngoài ra, ông Nam còn cho biết, điều kiện địa lý, thổ nhưỡng, phương thức canh tác vùng Tây Bắc đòi hỏi sự phân công lao động trong HTX nông nghiệp hợp lý. Các địa phương cần tìm thêm HTX vệ tinh ở các thành phố lớn trên cả nước để tìm kiếm thị trường tiêu thụ nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là sản phẩm chất lượng cao.

Ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết: “Hiện, Bộ đã trình Chính phủ chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Hỗ trợ chi phí tư vấn, nghiên cứu xây dựng hợp đồng, dự án liên kết; phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường. Hỗ trợ ưu đãi đất đai, hạ tầng, giảm tiền sử dụng đất, khi chuyển mục đích sử dụng. Đầu tư máy móc, trang thiết bị, công trình hạ tầng phục vụ liên kết. Hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình khuyến nông. Đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, phát triển thị trường; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm”…

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX sẽ đề xuất với Chính phủ ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, HTX dành riêng cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020 - 2025; ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các HTX, liên hiệp HTX biên giới phát triển bền vững, kết hợp với bảo vệ biên giới Tổ quốc, cho các HTX bảo vệ rừng bền vững vùng Tây Bắc và phát triển HTX, Liên hiệp HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời, sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh phát triển các HTX, Liên hiệp HTX.

Được biết, Sơn La là tỉnh đi đầu khu vực Tây Bắc về phát triển HTX và có nhiều việc làm rất cụ thể: Đến mùa vụ, đích thân Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi bán hàng cho bà con. Hoặc, tổ chức hội chợ ở Sơn La, Trung Quốc, Hà Nội để “lôi kéo” doanh nghiệp chế biến sản phẩm cho nông dân. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương đi bán hàng cho nông dân từ đầu vụ đến cuối vụ.

Có thể khẳng định, phát triển kinh tế hợp tác, HTX đang được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên. Các tỉnh Tây Bắc cần xem xét cụ thể từng trường hợp, để khu vực kinh tế hợp tác làm tốt vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Giai đoạn 2018-2020, mỗi tỉnh trong vùng Tây Bắc đặt mục tiêu thành lập mới 35- 40 HTX/năm, 80 - 90 tổ hợp tác/năm.

Đồng thời, sẽ xây dựng mỗi năm 20-30 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị để nhân rộng tại địa phương; tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tham gia đào tạo bồi dưỡng tăng trên 30%; số lượng thành viên HTX tăng từ 15% trở lên.

Đặc biệt, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt từ 50% trở lên; tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp tác, HTX, nâng tỷ trọng đóng góp vào RGDP hàng năm của tỉnh trên 5%.

 

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top