Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 6 năm 2022 | 11:52

Để nông nghiệp Việt Nam phát triển xanh, bền vững, an toàn và có trách nhiệm

Kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung được quan tâm nhất của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong quá trình thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như là một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp.

Từ đó, giúp tăng thu nhập của nông dân, đồng thời hướng đến “zero phát thải”.

Tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng thu nhập

Đến thăm mô hình trang trại của anh Đặng Xuân Nam ở xã Nguyên Lý (Lý Nhân - Hà Nam), các thành viên trong đoàn công tác khuyến nông trung ương và địa phương đều cảm nhận thấy môi trường sản xuất ở đây rất sạch, trong lành.

Dù chăn nuôi trên 30 con bò sữa nhưng hệ thống xử lý chất thải được anh Nam xây dựng khá bài bản. Sau khi vật nuôi thải phân ra chuồng sẽ được công nhân dọn và rửa rồi đưa ra thệ thống bể ủ cùng với men vi sinh. Khi ủ đủ thời gian, anh Nam sẽ dùng máy bơm hút và tưới cho cỏ voi, chuối...

Bên cạnh đó, anh Nam còn dùng phân hữu cơ tại trại của mình để chăm bón cho khoảng trên 15ha cây húng quế để sản xuất tinh dầu dược liệu. Đến khi thu hoạch húng đưa vào sản xuất tinh dầu, số bã thải của loại dược liệu này cũng sẽ được anh Nam đưa ra khu ủ để làm phân quay lại bón cho các loại cây trồng tại trang trại.

“Chất thải ở trang trại của chúng tôi đều được coi là tài nguyên quý, một loại nguyên vật liệu dùng để sản xuất phân bón cho chuối, ngô, húng... Dùng phân hữu cơ giúp cải tạo đất, đáp ứng đủ dinh dưỡng, giúp cây trồng hấp thụ nhanh, phát triển tốt, cho năng suất cao và hiệu quả hơn.

Nhờ thế mà chúng tôi giảm được chi phí mua phân hóa học, xử lý môi trường khép kín tuần hoàn rất hiệu quả”, anh Nam chia sẻ.

 

20.jpg
Anh Nam dùng máy băm cỏ chăn nuôi bò sữa tại trang trại của gia đình. Ảnh: Trần Quang

 

Theo chủ trang trại Đặng Xuân Nam, với diện tích trên 30ha vận hành theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn hoàn khép kín từ trồng trọt, chăn nuôi bò sữa, sản xuất tinh dầu dược liệu.... mỗi năm trang trại đạt doanh thu hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Hà Nam đánh giá, trang trại của anh Nam là một trong những mô hình điển hình ở Hà Nam áp dụng rất thành công mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

“Nhiều người hiểu nhầm việc phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phải đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, tiêu tốn nhiều tiền nhưng thực chất giải pháp này rất đơn giản, chỉ là dùng chất thải của chăn nuôi phục vụ trồng trọt, phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, vòng tròn cứ như vậy khép kín năm này qua năm khác...”, ông Thông nói.

Ngoài mô hình của anh Nam, hiện mô hình nuôi cá sông trong ao, cá - lúa, nuôi bò - ủ phân trùn quế... ở Hà Nam cũng đang áp dụng khá triệt để giải pháp  nông nghiệp tuần hoàn, giúp giải quyết được vấn đề môi trường nước, môi trường nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Trong nuôi trồng thủy sản, toàn bộ lượng phân của cá trong các mô hình cá - lúa, sông trong ao... được các trang trại, HTX thu gom và đưa lên để tưới rau, cũng như tưới cây trên bờ, mô hình này sẽ được khép kín, có nghĩa là nó sẽ không làm ô nhiễm môi trường nước. Hiện, chúng tôi quan tâm lựa chọn các mô hình trang trại kinh tế lớn, các hộ tích tụ ruộng đất 5 - 10ha đến vài chục hecta sẽ áp dụng nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh”, ông Thông khẳng định.

Xu thế tất yếu

Các hợp phần cấu thành của vòng tròn sản xuất nông nghiệp tuần hoàn hiện nay đang được khai thác, ứng dụng và tiềm năng còn rất lớn. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở nước ta còn nhiều thách thức bởi nông nghiệp tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình trong bối cảnh chúng ta chưa làm chủ nhiều công nghệ và quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; chưa có hành lang pháp lý cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính.

Phát biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Giải pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn” diễn ra mới đây tại Hà Nam, ông Lê Hoàng Thuyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam, cho biết, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế tất yếu. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về kinh tế tuần hoàn cũng như vai trò của kinh tế tuần hoàn trong phát triển bền vững. Việc tuyên truyền về kinh tế tuần hoàn phải được thực hiện cho cả người tiêu dùng và người sản xuất; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các nhà sản xuất, hướng đến sản xuất có trách nhiệm, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, từng bước thay đổi tư duy sản xuất và chế biến áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu xả thải.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho sự hình thành và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Lấy ví dụ như Hà Nam đã và đang phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học; trong đó có nông nghiệp tuần hoàn, đó là các mô hình: vườn - ao - chuồng - biogas; lúa - cá; nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”; nuôi bò - trồng cây dược liệu, cây ăn quả; sản xuất tổng hợp nuôi bò - nuôi giun quế - trồng cỏ, ngô, cây ăn quả; gia cầm - cá… đã giúp người sản xuất quản lý tốt chất thải nông nghiệp, sử dụng hợp lý phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón trả lại độ phì nhiêu cho đất, xử lý an toàn chất thải động vật, tạo năng lượng tái sinh, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ được hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

Để nông nghiệp phát triển xanh, bền vững và trách nhiệm

TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết, phát triển kinh tế tuần hoàn đã và đang là xu hướng của các quốc gia trên thế giới, là giải pháp văn minh và bền vững. Kinh tế tuần hoàn không chỉ tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế.

Kinh tế tuần hoàn mang lại bốn lợi ích cụ thể giúp phát triển bền vững, đó là: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế và lợi ích xã hội. Nông dân Việt Nam đã quá quen với kinh tế tuần hoàn trong các hệ thống canh tác như: vườn - ao - chuồng,  vườn - ao - chuồng - rừng,  xen canh, gối vụ, trong đó, chất thải của chăn nuôi phục vụ trồng trọt, phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, vòng tuần hoàn cứ như vậy năm này qua năm khác, một số năm gần đây là lúa - cá, lúa - tôm và tôm - rừng. Nhưng tùy từng quy mô khác nhau thì sẽ sử dụng các công nghệ khác nhau và trong quá trình triển khai, áp dụng thì cần có sự hỗ trợ của các cán bộ khuyến nông tại chỗ, tư vấn cho người dân nên sử dụng giải pháp nào, sử dụng các loại chế phẩm sinh học nào cho phù hợp; đồng thời cần tăng cường thông tin tuyên truyền với người dân.

Hiểu được tầm quan trọng của nền nông nghiệp tuần hoàn, Hệ thống Khuyến nông đang nỗ lực cố gắng triển khai các giải pháp, tổ chức và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chu trình khép kín, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tái sử dụng tối đa nguồn phụ phẩm nông nghiệp, mang lại giá trị gia tăng cho người nông dân, giảm chi phí vật tư đầu vào, đặc biệt ở quy mô nông hộ, góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trở thành nền nông nghiệp xanh, bền vững, an toàn và có trách nhiệm.   

 

 

                     

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top