Với vai trò là thước đo sức khỏe nền kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 2/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP), 3/4 giá trị sản xuất công nghiệp và tạo nhiều việc làm mới cho nền kinh tế. Chính vì vậy, việc thành lập mới doanh nghiệp (DN) luôn được khuyến khích. Tuy nhiên, sẽ có nhiều rủi ro tiềm ẩn nếu chúng ta không siết chặt quản lý DN sau khi thành lập.
Hơn 11.150 DN mới được thành lập trong tháng 10.
Ồ ạt thành lập…
Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, trong tháng 10, cả nước có 11.158 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 119,2 nghìn tỷ đồng, tăng 29,6% về số doanh nghiệp và tăng 48% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,7 tỷ đồng, tăng 14,2% so với tháng trước.
Tính chung 10 tháng năm 2017, cả nước có 105.125 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.021,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Nếu tính cả 1.414,5 nghìn tỷ đồng của hơn 29,5 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng qua là hơn 2.436 nghìn tỷ đồng.
Tuy vậy, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 10 tháng qua tăng khá cao, lên tới 9.794 doanh nghiệp, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 52.782 doanh nghiệp, tăng 4,1%, bao gồm 19.619 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 11,6% và 33.163 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 0,1%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn chủ yếu là các công ty trách nhiệm hữu hạn. Doanh nghiệp tư nhân, hợp doanh chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Đua nhau… phá sản
Lý giải về việc ra tăng số lượng các DN mới, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Phạm Thị Kim Tuyến cho biết: Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) đã làm thay đổi căn bản quyền kinh doanh và đăng ký doanh nghiệp. Trước đây, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải ghi đầy đủ ngành nghề kinh doanh. DN kinh doanh lĩnh vực ngoài đăng ký là vi phạm pháp luật. Bởi vậy, để dự phòng, nhiều DN đăng ký trong hồ sơ tới 10 trang giấy ngành nghề kinh doanh. Nay, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không ghi ngành nghề, DN có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Hồ sơ đăng ký cũng không còn bao gồm các giấy tờ liên quan như: giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh... “Nói dễ hiểu thì cách thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp đã chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
“DN tự kê khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ, đã giúp rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của DN, giảm thời gian đăng ký thành lập DN xuống còn 2-3 ngày làm việc. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi các sở, ngành, chính quyền các địa phương nâng cao trách nhiệm và sâu sát hơn trong quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập”, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Anh Tuấn cho biết.
Thực tế thấy rõ, DN đang gặp rất nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển trên thị trường, bất chấp những nỗ lực cải cách của Chính phủ đặt ra, cùng nhiều quyết sách quan trọng thúc đẩy kinh tế đi lên. Điều đó cho thấy môi trường kinh doanh của nước ta còn chưa thật ổn định và các DN còn yếu kém trong hoạt động; sức cạnh tranh chưa cao.
Ngoài ra, do khó khăn của nền kinh tế, sức cạnh tranh giảm sút, nhu cầu thị trường xuống thấp nên nhiều DN đang có xu hướng co cụm, tìm cách sáp nhập, hợp nhất với nhau để tăng sức mạnh hoặc bị chính các đối thủ cạnh tranh thôn tính.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài những khó khăn về vốn, thị trường… khiến nhiều DN phải giải thể hoặc ngừng hoạt động thì khá nhiều DN lách các chính sách về thuế để thành lập “DN ma” nhằm trục lợi. Chính sự tồn tại của hàng chục nghìn “DN ma” chỉ trong thời gian ngắn và thành lập rồi giải thể trong vòng vài tháng hoặc nhiều lắm chỉ đến một năm khiến số lượng DN giải thể và thành lập mới luôn tăng mạnh trong nhiều năm qua.
Theo chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp Eric Vũ, người có bề dày kinh nghiệm set up và tái cấu trúc cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, có 7 nguyên nhân chính khiến cho nhiều DN “chết lâm sàng” hoặc biến mất vĩnh viễn khỏi thị trường trong thời gian qua, đó là: Chọn sai mô hình kinh doanh; phụ thuộc hoàn toàn vào chủ DN, khi chủ DN không có tầm nhìn, đưa ra chiến lược sai hoặc duy ý chí, DN sẽ phải trả giá; Không biết cách dùng người; Chậm áp dụng khoa học kỹ thuật, dẫn tới lạc hậu và bị đào thải; Không biết cách cạnh tranh trong thời đại kỹ thuật số, nhất là với các đối thủ năng động hơn trước thời cuộc hoặc mạnh hơn về tài chính; Không biết quản lý tài chính dẫn đến thất thoát nguồn lực. Và cuối cùng là xem nhẹ hoạt động Marketing, không biết cách xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, dẫn đến việc không thể cạnh tranh trước đối thủ, mất dần khách hàng và doanh thu tụt dốc.
Với nền kinh tế có quá nhiều DN phá sản, đặc biệt đối với nước ta, khi yêu cầu có môi trường kinh doanh ổn định nhằm thu hút đầu tư, nhất là đầu tư từ nước ngoài thì việc có tới hàng chục nghìn DN phá sản trong một năm cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh trong nước.
Mặt khác, những hệ lụy về mặt xã hội như công ăn việc làm cho lao động, ảnh hưởng môi trường sinh thái khi nhiều DN ngừng hoạt động cũng làm đau đầu các nhà quản lý.
Siết chặt quản lý
Tháng 3/2017, UBND TP. Hà Nội ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX sau đăng ký thành lập. Nhờ đó, công tác này đã có những thay đổi tích cực khi trách nhiệm của từng cơ quan được phân định rõ ràng, cụ thể, gắn với chức năng, nhiệm vụ hơn. Các đơn vị như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế thành phố cùng các đơn vị liên quan và chính quyền các quận, huyện thường xuyên trao đổi, cung cấp, công khai thông tin DN, nhất là trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN. Chính quyền các quận, huyện đã tích cực kiểm tra DN, quản lý về việc đáp ứng các điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tuân thủ an toàn lao động, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Tuy nhiên, công tác quản lý DN sau đăng ký thành lập vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia vẫn đang ở trong giai đoạn hoàn thiện, chưa nhập được dữ liệu các DN nhà nước, HTX, chi nhánh ngân hàng nước ngoài... Thông tin chung về DN đã được sự liên thông giữa cơ quan đăng ký và cơ quan thuế, nhưng chưa tương thích, chưa đồng bộ và cập nhật kịp thời, gây mất thời gian, công sức cho DN khi thực hiện các thủ tục. Số lượng DN, hộ kinh doanh trên địa bàn quận, huyện lớn, trong khi cán bộ quản lý doanh nghiệp của chính quyền địa phương lại mang tính kiêm nhiệm, việc đi thực tế kiểm tra còn rất hạn chế. Nhiều vi phạm của DN chưa có chế tài xử lý hoặc xử lý kéo dài, mức xử lý chưa đủ răn đe.
Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc cung cấp thông tin, phối hợp quản lý DN. Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, nhiều thủ tục về thành lập, kinh doanh, tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản DN… đã được đơn giản và giảm thiểu. “Điều này đã tạo thuận lợi đáng kể cho DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, văn bản nêu rõ. Bộ này cũng thừa nhận, thời gian qua xuất hiện tình trạng các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng này để thành lập nhiều DN hoạt động hoặc lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản DN để gian lận trốn thuế, chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Nguyễn Tiến Học cho rằng, trong thời gian tới, các sở, ngành, quận, huyện phải nghiêm túc thực hiện tốt Quy chế phối hợp của thành phố trong việc quản lý DN sau đăng ký kinh doanh; thường xuyên trao đổi, phối hợp cung cấp, công khai thông tin, từ đó tạo thuận lợi cho DN trong tiếp cận thông tin, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy nhanh thời gian gia nhập thị trường cho DN. Đồng thời, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước với DN, các hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của nhà nước cho đối tượng này. Quan trọng hơn, các đơn vị phải tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra DN sau đăng ký kinh doanh, phối hợp giải quyết nhanh và nghiêm các trường hợp DN giả mạo hồ sơ, vi phạm ngành nghề kinh doanh, gian lận thuế, hóa đơn... để góp phần hình thành một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hợp pháp.
Nguyễn Tố
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào những vấn đề quan trọng, từ đó tạo sự thống nhất đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và quyết tâm thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.