Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 6 năm 2021 | 15:34

Để sản phẩm OCOP tạo ấn tượng đẹp trong lòng người dân: Chú trọng chất lượng

Xác định trọng tâm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (DN, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

 

Thời gian qua, Chương trình OCOP tại Hải Phòng đã được triển khai khá hiệu quả với những chính sách ưu đãi riêng.

Kinh tế nông thôn giới thiệu cách làm của Hải Phòng, thành phố công nghiệp lớn trong phát huy giá trị sản phẩm nông nghiệp và làng nghề truyền thống.

 

t5.jpg
Công ty TNHH Moocos Việt Nam vinh dự được nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đến thăm gian hàng được trưng bày tại Hội chợ thực phẩm khách sạn châu Á tại Singapore năm 2018.

 

Về cơ bản, Chương trình OCOP đã phát huy tích cực giá trị, bắt đầu thu hút được người dân quan tâm tham gia và góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương.

Hải Phòng được đánh giá là địa phương có hàng trăm sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, có thể tham gia chương trình để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Vậy, Hải Phòng đã làm thế nào để những mặt hàng nông sản này không chỉ là tiềm năng, làm thế nào để OCOP phải là sản phẩm tử tế do những người tử tế làm ra và sản phẩm OCOP trong lòng người dân phải là những ấn tượng đẹp, không để sản phẩm không tốt lọt vào Chương trình OCOP?

45 sản phẩm đạt OCOP

Chương trình OCOP được TP. Hải Phòng triển khai năm 2018, tập trung vào phát triển 6 nhóm sản phẩm, gồm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch cộng đồng và phát triển du lịch.

Sau thời gian tuyên truyền triển khai, thực hiện, các địa phương đã lựa chọn ra các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh để tham gia Chương trình. Giai đoạn 2018-2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP. Hải Phòng đã đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho 45 sản phẩm của 19 chủ thể thuộc địa bàn 12 xã, 5 phường, 1 thị trấn. Trong đó: 21 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Các cơ sở sản xuất có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP được sử dụng logo OCOP và hạng sao in trên bao bì sản phẩm. Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố có hiệu lực 36 tháng kể từ ngày ký.

Cụ thể, TP. Hải Phòng đã công nhận 21 sản phẩm đạt 4 sao, gồm: 6 sản phẩm dầu gấc ép lạnh, tương gấc, thịt gấc tươi thanh trùng, gấc cô đặc thanh trùng, nước gấc dinh dưỡng Gavi, sữa gấc lên men của Công ty TNHH Moocos Việt Nam; 7 sản phẩm gà tươi Ogari, gà ta Ogari, gà Ri 3 sạch Ogari, gà ác thuần chủng, gà tươi Ogari, vịt tươi Ogari, ngan tươi Ogari của Công ty cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ; cá mòi kho Làng chài của Cơ sở chế biến Làng Chài (xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy) …

24 sản phẩm đạt 3 sao, gồm: Gạo ruộng rươi của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương; Mật ong hoa rừng ngập mặn nguyên chất của HTX sản xuất Mật ong Tùng Hằng; Chuối quả của HTX nông - lâm - thủy - hải sản Nam Việt; Táo Bàng La của HTX nông nghiệp - thủy sản Bàng La; Rượu Nếp mân của Cơ sở sản xuất rượu Hoàng Quân; Rượu vang Hibinatu, Nước giải khát Hibigreen, Trà Hibinatu, Nước cốt Hibisy của Công ty CP Thương mại thực phẩm Trường Xanh…

Đến nay, Chương trình OCOP đã thực hiện hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm theo chính sách  trong Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP. Hải Phòng cho 8 tổ chức, cá nhân thuộc 6 huyện để đổi mới công nghệ, máy móc trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, đổi mới, gắn tem nhãn sản phẩm với tổng kinh phí hỗ trợ trên 6 tỷ đồng.

Thực tế, việc triển khai Chương trình OCOP sẽ giúp nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đồng thời, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Hải Phòng.

Tuy nhiên, số lượng sản phẩm tham gia chương trình này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.

Cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX tham gia OCOP còn hạn chế. Việc xếp hạng sản phẩm OCOP yêu cầu nhiều hồ sơ, thủ tục, quy trình thẩm định nhưng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP thường thiếu một số thủ tục theo quy định; một số sản phẩm đăng ký tham gia xếp hạng OCOP còn mang tính nhỏ lẻ. Một số sản phẩm sau khi được công nhận là OCOP vẫn phải “tự bơi” để tìm đầu ra cho mình.

Ông Nguyễn Khắc Tùng, Bí thư Chi bộ Hợp tác xã nông nghiệp thủy sản Bàng La (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng), cho biết, sau nhiều năm gây dựng vùng chuyên canh, táo Bàng La đã có thương hiệu trên thị trường và được công nhận là sản phẩm OCOP. Mặc dù sản phẩm cũng được đưa đi giới thiệu tại một số gian hàng, hội chợ nhưng số lượng tham gia còn ít, tính hiệu quả chưa cao. Việc tiêu thụ sản phẩm vẫn do hợp tác xã tự tìm đầu ra là chủ yếu. Hy vọng, thời gian tới, TP. Hải Phòng sẽ có chính sách hỗ trợ để các sản phẩm OCOP được tham gia nhiều hơn nữa các sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài thành phố. Từ đó, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh và đầu ra cũng ổn định hơn.

Khi nông sản có thương hiệu

Năm 2020, HTX mật ong Tùng Hằng (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy) tham gia Chương trình OCOP và được công nhận sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm của HTX có tên tuổi, nhãn mác và cũng là cơ hội để sản phẩm mật ong của HTX đến gần hơn với người tiêu dùng.

 

t5a.JPG
Anh Đặng Thanh Tùng, Giám đốc HTX mật ong Tùng Hằng bên đàn ong mật.

 

Anh Đặng Thanh Tùng, Giám đốc HTX mật ong Tùng Hằng biết đến ong mật từ năm 1987, khi đó anh đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh). Cuối tuần anh theo chân cán bộ đơn vị vào rừng để bắt ong về nuôi, từ đó niềm đam mê với ong trỗi dậy trong anh. Sau khi trở về địa phương, đến năm 2000, thấy người dân tại Hải Dương chuyển các tổ ong xuống nuôi tại khu rừng ngập mặn của địa phương để nuôi, Tùng lân la  học tập kinh nghiệm. Nhận thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển ong mật, anh bắt tay vào nuôi ong và thành lập HTX mật ong Tùng Hằng với 7 thành viên tham gia.

Tùng chia sẻ: Trước đây, tôi sản xuất và bán sản phẩm theo phương thức truyền thống, chủ yếu là sản phẩm thô, sản phẩm không có tem, nhãn mác, chỉ đóng chai nhựa bán cho người tiêu dùng, doanh thu thấp. Năm 2020, HTX được thành phố hỗ trợ 450 triệu đồng để đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ xản xuất. Từ nguồn vốn này, HTX đã mua máy hạ thủy phần và một số trang thiết bị khác phục vụ cho việc sản xuất mật ong.

“Từ khi tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm mật ong của HTX được nhiều người biết đến. Sản phẩm có cơ hội được quảng bá, giới thiệu ở nhiều thị trường lớn nên sức tiêu thụ tốt hơn, sản phẩm mật ong của HTX được bày bán tại siêu thị Go Hạ Long (Quảng Ninh). Hiện nay, sản phẩm mật ong của HTX không đủ cung cấp cho thị trường. So với trước khi tham gia Chương trình OCOP thì  sản phẩm mật ong của chúng tôi chưa bao giờ cháy hàng như hiện nay”, anh Tùng phấn khởi nói.

Chọn khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là càng mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ càng cần nhiều vốn đề đầu tư cho nguyên liệu, máy móc và lao động. Năm 2013, Công ty TNHH Moocos Việt Nam quyết tâm chọn sản phẩm quả gấc làm thương hiệu phát triển. Với dây chuyền sản xuất khép kín, công nghệ mới hiện đại, áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000, HACCP, Công ty cho ra mắt thị trường 7 dòng sản phẩm gồm: Dầu gấc; nước gấc; tương gấc; sữa gấc lên men; gấc cô đặc; gấc tươi; bột gấc.

Chia sẻ với PV, anh Vũ Dũng Thành, Giám đốc kinh doanh và Marketing - Công ty TNHH Moocos Việt Nam, cho biết: “Công ty tham gia Chương trình OCOP là để sản phẩm có thương hiệu hơn, thị trường biết đến sản phẩm nhiều hơn. Hiện  sản phẩm của công ty đang cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, Trung tâm thương mại Aeon mall Hải Phòng và các nước Hàn Quốc,  Thái Lan, Pháp... Năm 2018, Công ty vinh dự được Thủ tướng (hiện là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc đến thăm gian hàng được trưng bày tại Hội chợ thực phẩm khách sạn châu Á 2018 tại Singapore”.

 

t6.jpg
Sản phẩm của công ty TNHH Moocos Việt Nam được bày bán tại thị trường nước ngoài.

 

“Sản phẩm của Công ty vượt qua nhiều vòng xét duyệt, tuyển chọn, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà hội đồng thẩm định OCOP đưa ra. Công ty mong muốn thành phố có cơ chế hỗ trợ để sản phẩm được bày bán tại các siêu thị, trước mắt là tại Hải Phòng. Đồng thời, có cơ chế xây dựng những gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản OCOP để người dân biết đến và tin dùng”, anh Thành bày tỏ nguyện vọng khi sản phẩm của công ty đã được chứng nhận sản phẩm OCOP.

1.000 sản phẩm tiềm năng

Từ khi TP. Hải Phòng triển khai Chương trình OCOP đến nay, toàn thành phố mới có 45 sản phẩm được xếp hạng, con số còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Nhưng những sản phẩm được chứng nhận bước đầu đã tạo nên chất lượng thương hiệu, nét đặc sắc riêng của vùng quê Hải Phòng. Hơn nữa, Hải Phòng lại có những chính sánh hỗ trợ riêng nên Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông sản. 

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, trong quá trình xây dựng Chương trình OCOP thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngoài những sản phẩm đã được công nhận OCOP, qua kết quả điều tra, khảo sát bước đầu cho thấy toàn thành phố có khoảng 1.000 sản phẩm đặc trưng, có thể tham gia OCOP để tăng giá trị sản phẩm, nguồn thu cho nông dân.

Các sản phẩm có tiềm năng như: sản phẩm gốm của Công ty Sơn Hải (Hải đồ cổ); sản phẩm gốm của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên (huyện Kiến Thụy); sản phẩm bánh Trung thu; nước mắm; ổi lê Đài Loan... Các sản phẩm chủ yếu được tập trung vào nhóm thực phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng.

Năm 2021, Cơ sở tôm đông lạnh Đông Vui đăng ký tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm tôm sú đông lạnh.

Anh Trịnh Đình Vũ (quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng) cho biết: “Hải Phòng là địa phương có nhiều sản phẩm không chỉ trồng trọt mà còn về thủy hải sản. Do đó tôi tham gia chương trình với sản phẩm tôm sú được bà con nuôi them hình thức quảng canh. Tôm được nuôi theo con nước tự nhiên, chất lượng sản phẩm ngon, giòn, ngọt, giá trị dinh dưỡng cao… Hiện nay, sản phẩm tôm sú của cơ sở đang cung cấp phần lớn cho thị trường Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh. Tôi mong muốn sản phẩm của mình không chỉ người dân Hải Phòng đón nhận mà cả thị trường trong và ngoài nước. Để khi nhắc đến Hải Phòng , sẽ nhắc đến sản phẩm tôm sú Đông Vui”.

 

t6a.jpg

Sản phẩm tôm sú của Cơ sở tôm đông lạnh Đông Vui.

 

Đến thời điểm hiện tại, TP. Hải Phòng đã có khoảng 30 chủ thể đăng ký với khoảng 70 sản phẩm tham gia OCOP năm 2021. Thành phố đang hướng dẫn cho các chủ thể lập hồ sơ cho các sản phẩm dự thi OCOP, phấn đấu trong năm 2021, TP. Hải Phòng sẽ công nhận từ 60 sản phẩm trở lên với các sản phẩm được đánh giá từ 3 sao trở lên.

Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình OCOP được thực hiện tại 217 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, 7 quận của TP. Hải Phòng. Mục tiêu phát triển, nâng cấp và hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng cho 335 sản phẩm OCOP. Trong đó, năm 2021 hoàn thiện hồ sơ đáng giá phân hạng 60 sản phẩm; năm 2022 là 65 sản phẩm; năm 2023 là 70 sản phẩm và đánh giá lại 12 sản phẩm; năm 2024 là 70 sản phẩm và đánh giá lại 33 sản phẩm; năm 2025 là 70 sản phẩm và đánh giá lại 60 sản phẩm theo quy định.

Đồng thời, củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh, lựa chọn phát triển và cơ cấu lại 50-100 tổ chức kinh tế là các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể. Hoàn thiện nâng cấp phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị cho ít nhất từ 150-200 sản phẩm có tiềm năng và khả năng thương mại. Nâng cấp phát triển sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cho ít nhất 5 sản phẩm.

Ngoài việc TP. Hải Phòng phát triển các sản phẩm OCOP trong 5 năm tới, thành phố còn rà soát, kiện toàn lại hệ thống quản lý điều hành Chương trình OCOP tại các địa phương. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý chương trình OCOP các cấp được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành; 100% các nhà quản lý của các doanh nghiệp, HTX, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất kinh doanh.

Trong giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ đánh giá lại các sản phẩm của giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm tiềm năng thuộc các nhóm sản phẩm OCOP, tiếp tục hỗ trợ và phát triển mới các tổ chức kinh tế làm sản phẩm OCOP.

OCOP trong lòng người dân phải là những ấn tượng đẹp

Thực tế đã chứng minh, Chương trình OCOP giúp nâng tầm giá trị nông sản Việt và quan trọng hơn là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Từ chỗ sản xuất manh mún, thô sơ sang cánh đồng mẫu lớn, phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng chuyên sâu, giúp hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị.

Ông Tăng Xuân Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, nhấn mạnh: “Trước hết, sự tồn tại và phát triển sản phẩm phải dựa theo quy luật của thị trường. Tuy vậy, tham gia Chương trình OCOP sẽ góp phần nâng cao năng lực của chủ thể (đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể) về các kỹ năng trong quản trị sản xuất, quản trị nguồn nhân lực…; nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm. Tham gia Chương trình là một trong các hình thức giúp chủ thể tạo dựng và phát triển thương hiệu (đặc biệt là đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các tổ hợp tác, hợp tác xã). Mặt khác, các sản phẩm OCOP sẽ được đánh giá lại sau 3 năm theo quy định. Do đó, sản phẩm ngày càng được hoàn thiện, từ đó nâng cao thu nhập cho chủ thể sản xuất”.

“Tôi luôn yêu cầu các chủ thể đã được chứng nhận sản phẩm OCOP phải giữ bằng được chất lượng sản phẩm, chất lượng chỉ được tăng lên chứ không được giảm đi. Khi có chất lượng, sản phẩm OCOP trong lòng người dân phải là những ấn tượng đẹp, không để sản phẩm không tốt lọt vào Chương trình OCOP. Sản phẩm OCOP cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để được đưa vào hệ thống các siêu thị. Nhìn chung, các sản phẩm sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP đều phát triển tốt, đều tăng giá trị sản phẩm, sản lượng tiêu thụ ra thị trường”, ông Tăng Xuân Thọ chia sẻ thêm.

Là thành phố du lịch, ven biển, TP. Hải Phòng có nhiều loại nông sản, thủy, hải sản, sản phẩm làng nghề đặc trưng vùng miền có thể đạt tiêu chí OCOP. Trong những năm tiếp theo, để Chương trình OCOP có sức lan tỏa sâu, rộng, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến các địa phương. Để sản phẩm OCOP của Hải Phòng phát huy hết tiềm năng, vươn ra với thị trường khó tính trong và ngoài nước thì chủ cơ sở sản xuất phải luôn khắc cốt ghi tâm “Sản phẩm OCOP là sản phẩm tử tế do những người tử tế làm ra”. Việc nông sản có thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường sẽ góp phần rất lớn vào việc hạn chế người nông dân bỏ ruộng hoang, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp của TP. Hải Phòng.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top