Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 11 năm 2020 | 14:33

Để thanh niên Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp cận nghiên cứu khoa học

Nhờ kết quả tích cực nghiên cứu khoa học của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT từ 2016 đến nay, Bộ đã công nhận 210 giống mới; 169 tiến bộ kỹ thuật mới; 81 sáng chế/giải pháp hữu ích đã được công nhận…

 Toàn cảnh buổi hội thảo.

 

Khoa học nâng cao giá trị sản phẩm

Đó là thông tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kĩ thuật nông nghiệp cho thế hệ trẻ” do Đoàn Bộ Nông nghiệp và PTN tổ chức vào ngày 19/11.

Những năm qua, “Khoa học công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông sản năng suất, chất lượng có giá trị cao”.

Theo lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT), giai đoạn 2016-2020 khoa học công nghệ đã tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm của ngành và các vấn đề mà thực tiễn sản xuất yêu cầu. Đó là việc tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhất là công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp và đã tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho hàng hoá nông sản và ngành nông nghiệp đối với thị trường nội địa và quốc tế.

Hiện, nông sản Việt Nam đang có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, EU,... Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông nam Á và thứ 15 thế giới.

Có được những thành tựu to lớn trên, Ban Cán sự Đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh ứng dụng Khoa học công nghệ trong thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập”, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ nghiên cứu khoa học.

Nhờ kết quả tích cực nghiên cứu khoa học của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, từ 2016 đến nay, Bộ Nông nghiệp và PPTNT đã công nhận 210 giống mới; 169 Tiến bộ kỹ thuật mới; 81 sáng chế/giải pháp hữu ích đã được công nhận; nhiều công trình được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam; 1.889 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế, 4.324 bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và nhiều giải thưởng cao quý như VIFOTEC, Bông lúa vàng, Techmart, châu Á Thái Bình Dương... đã được trao tặng.

Giải pháp giúp thanh niên tiếp cận nghiên cứu khoa học

Ông Lê Thành Công, Bí thư Đoàn Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết, những thành tựu to lớn nói trên có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ. Thể hiện vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ. Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và PTNT có 51 cơ sở đoàn trực thuộc với 2.783 đoàn viên, trong đó, đội ngũ khoa học trẻ có trình độ rất cao, 42 tiến sĩ, 566 thạc sĩ, 1510 đoàn viên có trình độ đại học; nhiều cán bộ trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài.

 

 Hội thảo thu hút nhiều đoàn viên Đoàn Bộ Nông nghiệp và PTNT tham gia.

 

Những năm qua, tuổi trẻ Bộ Nông nghiệp và PTNT có nhiều cơ hội được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở trong và ngoài nước, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong nghiên cứu khoa học; nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ được tin tưởng giao nhiệm vụ là chủ nhiệm các đề tài, dự án; nhiều thanh niên là tác giả, đồng tác giả của các bài báo trong nước, quốc tế… đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ được cống hiến và trưởng thành hơn.

Tuy nhiên, tiềm năng và sức mạnh của đội ngũ cán bộ trẻ vẫn còn chưa được phát huy tối đa; nhiều cán bộ khoa học trẻ chưa có cơ hội được tiếp cận với điều kiện môi trường nghiên cứu thuân lợi, các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và nhiều cán bộ chưa chủ động thực hiện công trình nghiên cứu khoa học của mình.

 

 Các chi đoàn tham luận, đưa ra các giải pháp để thanh niên Đoàn Bộ chủ động trong việc nghiên cứu khoa học nhiều hơn trong thời gian tới.

 

Vẫn còn nhiều cán bộ trẻ thiếu tính chủ động trong việc nghiên cứu khoa học, chưa chịu đầu tự học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tổng hợp…, Cũng với đó, chưa có nhiều cơ chế thu hút thanh niên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học; nguồn kinh phí để thực hiện việc nghiên cứu khoa học còn thấp…

Tại Hội các cơ sở đoàn đã đánh giá lại thực trạng trong công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời đề ra những giải pháp cụ thể, từ đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Từ đó, định hướng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ tại đơn vị để cán bộ trẻ phát huy được vai trò, trách nhiệm trong việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, đóng góp nhiều hơn cho lĩnh vực Nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường (chi đoàn Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, thanh niên của Viện chưa tham gia nhiều vào các đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước. Viện hỗ trợ 100% kinh phí học ngoại ngữ, 100% kinh phí thạc sỹ và 200 triệu đồng/luận án tiến sỹ. Tuy nhiên, thanh niên còn chưa mạnh dạn đưa ra các ý kiến, đề xuất nghiên cứu khoa học.

Theo Ban Chấp hành chi đoàn Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Đoàn Viện Chăn nuôi), các đoàn viên cần tự nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong thời kì công nghiệp hóa - hiện đại hóa Đất nước. Thường xuyên đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học tại đơn vị và viết các bài báo khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn đồng thời tham gia các buổi hội thảo, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn. Không ngừng học hỏi hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực chuyên môn, tiếng anh, tin học và các kỹ năng như giao tiếp, ứng xử...

 

 

Theo chi đoàn Viện Nghiên cứu Lâm Sinh (Viên Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), cần thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt học thuật, trao đổi chuyên ngành để nâng cao năng lực cho cán bộ nghiên cứu trẻ. Các diễn giả có thể là những nghiên cứu viên có kinh nghiệm, các chuyên gia lâm nghiệp hoặc cũng có thể làchính các đoàn viên. Các buổi sinh hoạt học thuật một mặt nâng cao được hiểu biết của các nghiên cứu viên trẻ, mặt khác tạo được không gian cho các đoàn viên giao lưu, nâng cao kỹ năng thuyết trình.

Tăng cường các cuộc trao đổi, sinh hoạt học thuật bằng tiếng anh để đoàn viên nâng cao được khả năng ngoại ngữ. Hợp tác với các tổ chức nước ngoài để tuyển các tình nguyện viên nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ và khả năng giao tiếp cho các nghiên cứu viên trẻ.

Theo chi đoàn Viện Thú y, cần mở rộng nguồn đề tài/dự án, quỹ nghiên cứu khoa học cho các cán bộ trẻ để họ có thể dễ dàng hơn khi tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ nghiên cứu, khuyến khích họ mạnh dạn đưa ra ý tưởng, xây dựng thuyết minh, tìm hướng nghiên cứu mới, từ đó tích lũy thêm kinh nghiệm để tìm nguồn tài trợ khác khó hơn.

Chia nhỏ các đề tài dự án và phân cho các đơn vị theo chuyên môn. Từ đó các đơn vị lại chia nhỏ theo khả năng của mình để phân công cho các cán bộ trẻ và nghiệm thu theo từng chuyên đề đó. Đây có thể là cách để các cán bộ trẻ có thể tiếp cận gần hơn đến đề tài dự án, tạo nguồn nhà khoa học kế cận trong tương lai.

Còn nhiều thách thức

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Bộ Nông nghiệp và PTNT, đánh giá cao hội thảo mà thanh niên Bộ tổ chức, đã đưa ra các vấn đề cụ thể và sâu sắc của thanh niên đối với nghiên cứu khoa học, thể hiện trách nhiệm và tâm huyết của thanh niên vào sự nghiệp chung của đất nước.

 

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Bộ Nông nghiệp và PTNT, đánh giá cao hội thảo thanh niên Bộ tổ chức.

 

Thành tựu của ngành Nông nghiệp có sự đóng góp rất lớn từ các kết quả nghiên cứu khoa học, và có sự đóng góp của lực lượng cán bộ nghiên cứu trẻ. Trong bối cảnh mới, nghiên cứu khoa học là mũi nhọn của sự thay đổi, chuyển dịch để thích ứng với yêu cầu của ngành trong chuyển dịch cơ cấu và kinh tế thị trường.

Ông Trường đã thẳng thắn đưa ra các thách thức của ngành cần tháo gỡ. Rào cản thị trường, nghiên cứu khoa học phải đưa ra các giải pháp tháo gỡ và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khác nhau. Sản xuất manh mún, năng suất, chất lượng không đồng nhất và khó quản lý. Cùng với ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và thiên tai. Dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong giai đoạn mới, đề nghị Đoàn Bộ và các tổ chức Đoàn trực thuộc nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên về vai trò của nghiên cứu khoa học trong sự phát triển của ngành nông nghiệp và của đất nước. Củng cố niềm tin của đoàn viên thanh niên là lực lượng chủ chốt trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, làm chủ những vấn đề mang tính thời đại. Cổ vũ, nuôi dưỡng đam mê của đoàn viên, thanh niên, khuyến khích tinh thần vượt khó. Khuyến khích sự sáng tạo trong đoàn viên thanh niên, ông Trường đề nghị.

 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top