Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 8 năm 2022 | 14:36

Để tín dụng đen không còn “đất” sống

Hoạt động tín dụng đen (TDĐ) cho vay lãi suất cao bất hợp pháp đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội, len lỏi từ vùng nông thôn đến thành thị, gây ra nhiều hệ lụy cho người dân, làm mất an ninh trật tự xã hội.

Ngăn chặn, đẩy lùi TDĐ là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Dễ vay, khó trả

Vài năm trở lại đây, hoạt động cho vay ngoài các tổ chức tín dụng được nhà nước cấp phép diễn ra khá sôi động. Mặc dù các cơ quan chức năng, phương tiện truyền thông đã nhiều lần khuyến cáo nhưng nhiều người vẫn “lao vào như con thiêu thân”.

 

a1.jpg
Thông tin mời gọi cho vay dán đầy một bức tường.

 

Lý do người dân tìm đến TDĐ là việc “khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng”. Theo đó, đối tượng vay TDĐ thường là những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, không có thu nhập ổn định, không được trả lương qua tài khoản ngân hàng, sẽ khó được các tổ chức tín dụng chính thống chấp nhận cho vay.

Trong khi đó, tất cả các tổ chức TDĐ đều thực hiện việc cho vay với thủ tục nhanh gọn và hướng đến mọi đối tượng trong xã hội.

Với tâm lý “ngại” ngân hàng, nhiều người sẵn sàng mang sổ đỏ, giấy tờ có giá trị thế chấp cho các cá nhân, công ty bên ngoài.

Ngoài người nghèo, tiểu thương thì số nông dân bị dính bẫy TDĐ là rất lớn.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, người đã tiếp nhận nhiều vụ liên quan TDĐ nhìn nhận, hầu hết các nạn nhân đều không biết quản trị tài chính cá nhân. Ông kể, nhiều trường hợp nghèo nhưng chỉ vì sĩ diện muốn làm một đám cưới hoành tráng cho con mà đi vay TDĐ 40 triệu đồng. Kết quả là, lãi mẹ đẻ lãi con, bản thân cô dâu chú rể nhiều năm không trả hết.

Từ thực tế, lúc vay thì dễ dàng như vậy, nhưng đến lúc sa chân vào TDĐ thì lại là một vũng lầy khó thoát. Do “lãi mẹ đẻ lãi con”, chỉ trong thời gian ngắn đã đưa khoản tiền vay ban đầu tăng gấp vài chục đến hàng trăm lần. 

Nếu người vay không còn khả năng chi trả, các đối tượng cầm đầu sẽ “điều” những tay chân thân tín đến nhà đe dọa, hành hung con nợ. Để đánh đổi lấy sự an toàn của người thân, nhiều gia đình đành phải bản nhà, bán đất dắt díu nhau đi tha hương cầu thực sống màn trời chiếu đất

Đơn cử, anh D. và chị V. ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vay 20 triệu đồng tiêu tạm, mỗi tháng phải trả cả gốc và lãi hơn 5 triệu đồng, 10 tháng mới trả xong, khi đó cả gốc và lãi cộng lại là 50 triệu đồng

Tại Diễn đàn “khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các DN vừa và nhỏ và HTX”, ông Nguyễn Tiến Định, đại diện Cục KT hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, do “đói” vốn nên nhiều nông dân, HTX vướng vào TDĐ. Nông dân vì không có vốn nên phải mua chịu vật tư, phân bón và bán “sản phẩm non”; do khó tiếp cận vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng nên nông dân không muốn vào HTX.

Trấn áp mạnh mẽ tội phạm về TDĐ

Có thể nói, TDĐ đang là một vấn nạn. Vì khoản lợi kếch xù, với lãi suất cho vay lên tới hàng nghìn % mỗi năm nên dù bị triệt phá liên tục, những tổ này vẫn phát triển như nấm sau mưa, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt...

Khi TDĐ vẫn còn “đất” sống, thì vẫn còn nhiều người sập bẫy, thậm chí là biết khổ vẫn lao vào. Để người dân không còn lao đao, hay đi đến bước đường cùng thì cần xử lý thật nghiêm các đối tượng tổ chức hoạt động TDĐ.

Theo các chuyên gia, ngăn chặn và đẩy lùi TDĐ là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của các cấp, các ngành, nhằm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, giữ gìn an ninh trật tự. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, trước hết cần xử lý nghiêm minh các vụ việc do TDĐ gây ra.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công an phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý, đấu tranh tội phạm TDĐ rất mạnh mẽ, có nhiều giải pháp kiềm chế, đẩy lùi tội phạm, không còn tình trạng tội phạm công khai, lộng hành. Tuy nhiên, tình trạng tội phạm TDĐ vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng cho vay qua internet. Gần đây, Bộ Công an vừa triệt phá băng nhóm cho vay qua App với quy mô lớn với nhiều tỉnh thành, trong đó có đối tượng người nước ngoài tham gia; có hàng trăm nghìn người vay, số tiền cho vay hàng nghìn tỷ đồng với lãi suất rất cao.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng “tín dụng đen” là do nhu cầu vốn rất lớn. Việc xử lý tội phạm “tín dụng đen” gặp nhiều khó khăn, đối tượng nhiều thủ đoạn, lách luật. Ranh giới giữa cho vay thông thường, dân sự và tội phạm rất mong manh, rất dễ hình sự hoá quan hệ dân sự.

Giải pháp thời gian tới, Bộ tiếp tục duy trì hoạt động tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, toàn dân trong giải quyết loại tội phạm này. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động TDĐ, cho vay nặng lãi, để nhân dân phòng ngừa.

Bộ Công an cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng, các cơ quan chức năng nhằm đẩy mạnh các biện pháp để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng của ngân hàng một cách thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu, không phải đi vay TDĐ.

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp căn cơ hiện nay là sử dụng căn cước công dân để thực hiện cho vay, giải quyết những vấn đề về tín chấp, thế chấp tài sản. Theo đó, các tổ chức ngân hàng, tài chính có thể xác định ngay được người vay rất chính xác.

Đồng thời, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ bởi phần lớn các tổ chức này đều có liên quan, có quan hệ với đối tượng tội phạm hình sự. Vì vậy, ngành công an đã có giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các nhóm tội phạm có tổ chức. Đây là giải pháp rất quan trọng đã thực hiện thành công và sẽ tiếp tục thực hiện.

 

ảnh-2.jpg
Công an TP.Hà Nội bắt khẩn cấp 7 người trong đường dây tín dụng đen do người Trung Quốc cầm đầu.

 

Đẩy mạnh kênh tín dụng chính thống

Nguyên nhân “cốt lõi” dẫn đến hoạt động mạnh mẽ của TDĐ như hiện nay là do hệ thống ngân hàng còn mỏng, dịch vụ cho vay tiền chưa bám sát nhu cầu người vay tiền, chưa tiếp cận được người dân ở vùng sâu, vùng xa. Thủ tục, quy định trong việc cho vay vốn của các tổ chức tín dụng còn rườm rà, phức tạp.

Trong khi đó, thủ đoạn của các đối tượng cho vay TDĐ tiếp cận khách hàng rất nhanh, thủ tục ngắn gọn. Ngoài ra, nhiều đối tượng vay còn có nhu cầu vay vốn nhanh không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh thư, hộ khẩu…

Qua đây có thể thấy, ngành ngân hàng đóng góp vai trò qất quan trọng trong công tác bài trừ vấn nạn TDĐ. Do vậy, muốn hạn chế TDĐ, ngành ngân hàng cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay; thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng; giảm lãi suất; đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh TDĐ...

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh dạn cho vay với chủ trương là cho vay, phát triển thị trường nhỏ lẻ; thứ hai là sử dụng biện pháp công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn; tăng cường cho ngân hàng chủ động tiếp cận nhu cầu vay của người dân.

“Ngành Ngân hàng sẵn sàng chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng bố trí gói tín dụng 20.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay chỉ bằng một nửa lãi suất cho vay hiện nay, phù hợp với công nhân lao động ở các khu công nghiệp. Thời hạn vay từ 3 tháng đến 3 năm với số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày”, ông Tú cho biết.

Đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động có thu nhập thấp, NHCSXH đang triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chính đáng với lãi suất ưu đãi và không cần tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động thu nhập thấp, không thể chứng minh được tài sản bảo đảm còn có thể tiếp cận các khoản vay của công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân.

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top