Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 12 năm 2021 | 14:53

Để “vàng đen” cho giá trị vàng

Hồ tiêu được coi là “vàng đen” của Việt Nam bởi là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu nổi tiếng của nước ta.

Tuy nhiên, do ồ ạt mở rộng diện tích dẫn tới cung vượt cầu khiến nhiều thời điểm giá thu mua “lao dốc”; thêm nữa, do mở rộng diện tích nhưng ít chú  ý tới giống tốt và lạm dụng phân hóa học làm cho nhiều diện tích nhiễm bệnh chết hàng loạt, khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Từ những thách thức đó, đòi hỏi cần có những giải pháp bền vững để nâng tầm giá trị của sản phẩm hồ tiêu.

 

trang-1.jpg
Hồ tiêu được coi là “vàng đen” của Việt Nam bởi là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu nổi tiếng của nước ta.
Trong ảnh: Người dân xã Nam Yang (Đak Đoa - Gia Lai) thu hoạch hồ tiêu.Ảnh: Trần Hiền.

 

Đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu

Hồ tiêu là cây trồng chủ lực với tổng diện tích hiện đạt hơn 150.000ha, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (chiếm trên 95% diện tích trồng hồ tiêu của nước); còn lại trồng rải rác ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Nước ta có 6 tỉnh trọng điểm sản xuất hồ tiêu, gồm: Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Gia Lai. Trong đó, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đứng đầu về diện tích, năng suất và sản lượng.

Trong số các loại gia vị của nước ta thì hồ tiêu rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao. Việt Nam hiện vươn lên là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới với 40% sản lượng, xuất khẩu sang 110 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Giá hồ tiêu đạt mức cao nhất vào năm 2015 và năm 2016, trung bình thu về 8.000 - 9.500 USD/tấn hồ tiêu xuất khẩu. Đến năm 2019-2020, trung bình mỗi tấn hồ tiêu xuất khẩu chỉ thu về 2.300 - 2.500 USD.

Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu liên tục tụt dốc, dù sản lượng liên tục tăng. Năm 2017, hồ tiêu mang về cho nước ta 1,12 tỷ USD; năm 2018 xuống 758,8 triệu USD; năm 2019 là 722 triệu USD; năm 2020 còn 666 triệu USD. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2021, thị trường hồ tiêu đã có nhiều khởi sắc, giá hồ tiêu trong nước và giá xuất khẩu liên tục tăng.

Tính từ đầu năm đến 31/10/2021, Việt Nam xuất khẩu được hơn 232.000 tấn hồ tiêu các loại, kim ngạch đạt 783 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020, lượng xuất khẩu giảm 3,2%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 44,2%.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hồ tiêu năm 2021 có thể đạt hơn 900 triệu USD, tăng gần 300 triệu USD so với năm 2020.

Cục Xuất  - Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, việc thay đổi tư duy, trồng tiêu theo hướng hữu cơ, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm đã giúp hạt tiêu của Việt Nam chinh phục được thị trường trong và ngoài nước với giá thành cao hơn.

 

2584f491bc0302b76b2893e3f1f4ab50.jpg
Hồ tiêu được sản xuất dưới hình thức sản xuất nông hộ với quy mô từ vài trăm trụ đến vài nghìn trụ.

 

Hồ tiêu - “vàng đen” thành “vận đen”

Đắk Nông là địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển cây hồ tiêu. Đây là một trong những cây trồng chủ lực được người dân sản xuất lâu năm. Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn  Đắk Nông đã vượt 34.000ha, cao hơn 7.000ha so với quy hoạch hồ tiêu của tỉnh đến năm 2030.

Cây hồ tiêu từng được mệnh danh là “vàng đen” giúp nhiều nông dân Đắk Nông trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, giá hồ tiêu cũng lập những “kỷ lục buồn”, người trồng cây này từng rơi vào tình cảnh bết bát, lao đao. Năm 2015, hồ tiêu đạt đỉnh với giá hơn 250.000 đồng/kg, nhưng 4 năm liên tục sau đó, hồ tiêu liên tục giảm giá, có thời điểm ở dưới 40.000 đồng/kg.

Theo thống kê, Nâm N’Jang là xã có số lượng diện tích hồ tiêu lên đến hàng trăm hecta và là nơi có diện tích hồ tiêu nhiều nhất huyện Đắk Song (Đắk Nông). Cách đây 6 năm, thời điểm giá hồ tiêu lên mức trên dưới 200.000 đồng/kg, đời sống người dân nơi đây vô cùng sung túc.Biệt thự tiền tỷ mọc lên như nấm sau mưa, cả làng đua nhau đi học lái xe, hầu hết nhà nào cũng có ô tô.

Tuy nhiên, khi giá hồ tiêu xuống chỉ còn trên dưới 50.000 đồng/kg, nhiều người dân Nâm N’Jang bỗng tay trắng trước sự sững sờ của nhiều người. Theo chia sẻ của nhiều người dân, nguyên nhân chủ yếu khiến người dân đang là tỷ phú bỗng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất là khi được mùa tiêu, họ bị cuốn theo “cơn lốc” vay ngân hàng để tái đầu tư hoặc xây nhà cửa, mua xe ô tô. Khi tiêu xuống giá quá thấp, họ không còn khả năng trả nợ.

Tương tự, nhiều nông dân ở huyện Tây Hòa (Phú Yên) cũng từng rơi vào cảnh trắng tay vì đổ xô trồng hồ tiêu. Ông Trần Văn Bình ở xã Sơn Thành Tây là một trong số đó. Hơn 20 năm trồng hồ tiêu, nhiều vụ ông Bình thu cả tỉ đồng với năng suất tiêu đạt 6 tấn/ha. “Thời điểm đó, hồ tiêu mang lại lợi nhuận lớn nên ai cũng ham, đổ tiền vào đầu tư mở rộng diện tích. Như gia đình tôi, bán tiêu lãi được bao nhiêu đều đổ vào đầu tư tiếp. Thế nhưng, đời không như là mơ, chỉ vài năm sau, hoa lợi từ tiêu đâu không thấy, chỉ thấy thất bại, thua lỗ vì giá cả, dịch bệnh rồi thiên tai làm cho vườn tiêu ngày càng xác xơ, tiêu điều”, ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, ông đã phải đổi mấy mảnh đất tại TP. Tuy Hòa đầu tư vào vườn tiêu này. Nhưng ngặt nỗi, càng đầu tư tiêu càng chết, dịch bệnh càng bạo nên gia đình quyết định từ bỏ.

Đến nay, toàn bộ vườn tiêu rộng hơn 4ha của gia đình ông  Bình được thay thế bằng những hàng mít, bơ, mãng cầu, ổi…

Và không riêng ông Bình, đây là tình cảnh chung của nhiều người tâm huyết với cây hồ tiêu trên đất Sơn Thành - vùng trồng hồ tiêu lớn nhất Phú Yên hiện nay.

Ông Đặng Thanh ở thôn Sơn Nghiệp (xã Sơn Thành Tây) cho hay: Gia đình có 10 năm “chinh chiến” cùng cây tiêu với diện tích hơn 3ha, nhưng giờ thì “xóa sổ” rồi. Dịch bệnh, gió bão, rồi mất giá, gia đình không còn sức để theo cây tiêu, vì vậy, tôi quyết định chuyển đổi. Hiện gia đình chuyển sang canh tác măng tây, bơ, chuối và tìm nguồn tiêu thụ tại địa phương.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tây Hòa Nguyễn Dũng, trong khoảng 3 năm, từ 2018 đến 2020, tình trạng người dân Tây Hòa phá bỏ vườn tiêu, chuyển sang trồng các loại cây khác diễn ra khá rộ. Có thời điểm, diện tích trồng tiêu của toàn huyện chỉ còn  234ha, giảm 328ha so với năm 2016 (thời điểm diện tích trồng tiêu của huyện cao nhất là 602ha). Diện tích này bà con chủ yếu chuyển sang trồng bắp (ngô) sinh khối, một số loại cây ăn trái như mít, bơ, mãng cầu, bưởi da xanh…

Không chỉ đối mặt với giá cả tuột dốc không phanh, người trồng hồ tiêu còn đối mặt với “mối nguy” dịch bệnh. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chỉ tính niên vụ 2018-2019, tổng diện tích hồ tiêu bị chết hoàn toàn tại 3 địa phương trọng điểm (Gia Lai, Đắk Lắk,  Đắk Nông) là hơn 10.000 ha; trong đó Gia Lai là địa phương có diện tích tiêu chết lớn nhất, hơn 5.500 ha; Đắk Lắk hơn 2.800ha...

Theo đại diện ngành Nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, nguyên nhân khiến tiêu nhiễm bệnh và chết hàng loạt trên diện rộng một phần do thời tiết diễn biến bất thường, mưa quá nhiều làm dịch hại phát triển; trong đó có các bệnh hại rễ do nấm và tuyến trùng gây ra bệnh chết nhanh, chết chậm. Bên cạnh đó, việc sản xuất theo phong trào của nông dân cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chỉ cần có tác nhân là dịch bệnh sẽ bùng phát.

Sống khỏe nhờ trồng tiêu hữu cơ

Ba năm qua, HTX Nông nghiệp Hoàng Nguyên (Đắk Song) cung cấp hàng trăm tấn sản phẩm hồ tiêu hữu cơ cho các công ty trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm hồ tiêu của HTX luôn bảo đảm đầu ra ổn định, giá bán thường cao hơn gấp 2-3 lần so với các loại tiêu thông thường.

HTX hiện có 35 thành viên chính thức, với 160ha hồ tiêu. Trong đó, HTX có 77,5 ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật Bản, Canada và EU.

Năm nay, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng HTX vẫn bán hồ tiêu hữu cơ với giá trung bình 95 triệu đồng/tấn (95.000 đồng/kg). Thậm chí, có thời điểm bán với giá 120 triệu đồng/tấn tiêu đen hữu cơ.

Theo bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Hoàng Nguyên, năm 2021, HTX có kế hoạch xuất khẩu 250 tấn sản phẩm tiêu hữu cơ. Đối tác có nhu cầu đặt hàng số lượng nhiều, nhưng do diện tích hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ còn ít, nên HTX chưa thể ký hợp đồng.

HTX đang lên kế hoạch mở rộng diện tích tiêu hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thế nhưng, đây cũng là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi vì, nếu mở rộng diện tích mà việc sản xuất tiêu hữu cơ không tốt, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của HTX, bà Thu cho hay.

“Các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông, có diện tích hồ tiêu rất lớn và đây là lợi thế để chúng tôi khai thác. Chúng tôi sẽ tập trung hướng dẫn nông dân chuyển sang sản xuất hồ tiêu hữu cơ một cách bền vững”, bà Thu chia sẻ.

Cùng chung xu thế với ngành hồ tiêu cả nước, từ đầu năm 2021 đến nay, diện tích trồng tiêu ở Phú Yên cũng tăng dần, hiện khoảng 270ha, tăng hơn 40ha so với cùng kỳ năm 2020. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh Phú Yên đã triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận hồ tiêu Sơn Thành”. Công ty CP Vinacafe Sơn Thành là đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này.

Từ khi được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, công ty không ngừng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Đàm Xuân Huyên, Giám đốc Công ty CP Vinacafe Sơn Thành, cho biết: “Khi mang mẫu đi kiểm tra, kết quả cho thấy, tiêu Sơn Thành có phẩm chất tương đương với tiêu Phú Quốc, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và một lượng lớn sản phẩm này được các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh thu mua để chế biến xuất khẩu. Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đang hỗ trợ người dân cải tạo đất trồng tiêu theo hướng hữu cơ. Với sự đồng hành của đội ngũ kỹ thuật, cùng sự nhạy bén, cần cù, chịu khó của người dân, chúng tôi tin rằng, sản phẩm hồ tiêu của Sơn Thành sẽ có được vị thế xứng đáng”.

Theo ông Huyên, hiện nay, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng sản xuất, Công ty CP Vinacafe Sơn Thành còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm hồ tiêu Sơn Thành, hướng đến xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

 

chế-biến-sâu-giúp-tăng-giá-trị-sản-phẩm-hồ-tiêu-ảnh-nd.jpg
Chế biến sâu giúp tăng giá trị sản phẩm hồ tiêu.  Ảnh: ND

 

Tập trung chế biến sâu

Ông Bùi Trung Thương, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho hay, Ấn Độ là quốc gia sản xuất, xuất khẩu gia vị và hương liệu lớn của thế giới. Tổng sản lượng gia vị của quốc gia này lên đến 3 triệu tấn/năm, xuất khẩu luôn đứng vào hàng tỷ USD. Tại Ấn Độ, gia vị không chỉ sử dụng làm thức ăn mà còn phục vụ cho công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ sức khoẻ.

Năm 2020, Ấn Độ nhập khẩu 1,4 tỷ USD nguyên liệu về chế biến để xuất khẩu, trong đó nhiều nhất là hồ tiêu. Việt Nam là một trong những nhà cung cấp hồ tiêu có ưu thế tại thị trường này, song chúng ta hầu hết xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị không cao.

Với kinh nghiệm nhiều năm tìm nguồn hàng từ Việt Nam cung cấp cho thị trường EU, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V Hà Lan, cho hay, bên cạnh số ít doanh nghiệp tham gia vào chế biến sâu mặt hàng hồ tiêu xuất khẩu, nhìn chung, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô sang các nước lớn để gia công lại và mang thương hiệu của các tập đoàn, doanh nghiệp EU. Dưới vai trò là  doanh nghiệp xuất khẩu, công ty đang làm một thương hiệu riêng cho Việt Nam để phân phối hàng hoá Việt Nam nói chung, hồ tiêu Việt Nam sang EU và cung cấp cho các siêu thị, nhà bán lẻ. Khi đó, giá trị của hồ tiêu Việt Nam sẽ tăng lên.

“Các nhà nhập khẩu gia vị tại EU luôn yêu cầu chất lượng cao. Người tiêu dùng EU coi trọng lối sống lành mạnh, đặc biệt chuộng mặt hàng hữu cơ. Do đó, để xuất khẩu hồ tiêu chiếm lĩnh thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc điều này trong định hướng sản xuất sản phẩm”, ông Phạm Văn Hiển khuyến cáo.

Bên cạnh đó, mỗi nước trong khối EU có giá cả và khẩu vị khác nhau. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường. Những doanh nghiệp chưa đủ lớn, chưa có phòng nghiên cứu thị trường có thể thông qua các kênh online, đối tác có sẵn, hội chợ tổ chức ở EU… để quảng bá sản phẩm, thăm dò thị trường. Về bao bì, cần thiết kế hợp văn hoá và thói quen tiêu dùng tại địa phương.

Nhấn mạnh vào việc tăng cường hợp tác, áp dụng khoa học công nghệ vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, ông Thương cũng cho rằng, đó là mấu chốt vấn đề để hồ tiêu của Việt Nam gia tăng giá trị. Phát triển chuỗi giá trị không nhất thiết tham gia cả chu trình hoàn hảo từ sản xuất đến tiêu dùng mà tập trung vào các khâu lợi thế. Lĩnh vực hạn chế có thể kêu gọi hợp tác quốc tế, sau đó phát triển và làm chủ công nghệ.

Thay đổi tư duy sản xuất

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai nhận định: Sản phẩm hồ tiêu chủ yếu dùng để xuất khẩu. Nhiều năm trước, cây tiêu đã mang lại lợi nhuận cao nên người dân ồ ạt trồng tự phát. Gia Lai có trong quy hoạch là 12.000ha để trồng tiêu, tuy nhiên, có thời điểm người dân trồng đến 18.000ha. Dù cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng nông dân vẫn cứ trồng, không kiểm soát được. Một số nơi nguồn đất đai không phù hợp với cây tiêu, quy trình kỹ thuật và các giống hồ tiêu không đúng chuẩn, không đảm bảo chất lượng.

Khi nông dân thấy giá tăng cao thì tăng lượng phân bón để tối ưu hóa năng suất, sản lượng. Đây là việc làm nguy hiểm bởi sẽ làm thoái hóa, hư hại đất.

Qua nhiều biến động thăng trầm của giá hồ tiêu, cần phải nhìn lại để có hướng phát triển bền vững, không chạy theo giá cả bấp bênh. Muốn thế, cơ quan nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, hỗ trợ nông dân chọn vùng đất phù hợp, phát triển theo quy hoạch, chủ động đưa công nghệ tưới tiêu hiện đại. Nông dân cần trồng tiêu theo phương thức hữu cơ để làm ra nông sản sạch. Doanh nghiệp liên kết với người nông dân để đặt hàng, bao tiêu sản phẩm. Phải phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững mới tránh được cảnh mất mùa, mất giá hay được mùa, rớt giá.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Đắk Song  Lê Hoàng Vinh, sau một thời gian phát triển “nóng”, diện tích hồ tiêu của huyện đã ổn định trở lại. Từ năm 2020 tới nay, diện tích hồ tiêu của huyện dao động xung quanh con số 14.000ha.

Sau sự biến động lớn của giá hồ tiêu, người dân Đắk Song đã cẩn trọng đối với loại cây này. Thay vì phát triển “nóng”, họ quay về với cách chăm sóc truyền thống, thiên về sử dụng các chế phẩm sinh học. Trên địa bàn Đắk Song xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất tiêu hữu cơ, liên kết để phát triển hồ tiêu bền vững.

Theo ông Vinh, Đắk Song hiện có 309ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ và VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), 1.204ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Rainforrest (tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững).

Huyện đã có 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại Thuận Hà (416,4 ha) và Thuận Hạnh (1.133 ha). Sản phẩm tiêu hữu cơ luôn có giá ổn định và cao hơn hồ tiêu thông thường khoảng 20%.

“Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân ổn định diện tích và tập trung sản xuất hồ tiêu hiện có theo hướng bền vững. Đắk Song đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có gần 3.000ha hồ tiêu đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ, Rainforrest…”, ông Vinh cho hay.

Đối với tỉnh Đắk Nông, để vực lại ngành sản xuất hồ tiêu,  lãnh đạo tỉnh xác định sẽ tập trung vào ba nội dung chính: Thứ nhất,  quản lý tốt quy hoạch; tạo điều kiện để nông dân tiếp cận, thực hành các quy trình sản xuất được chuẩn hóa từ khâu xử lý đất, chọn giống, chăm sóc, thu hái theo quy chuẩn thực hành nông nghiệp sạch. Thứ hai, khuyến khích nông dân tham gia sâu vào các tổ hợp tác, HTX và quá trình chế biến sản phẩm tiêu thành phẩm bán ra thị trường. Thứ ba, đẩy mạnh khâu quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm hồ tiêu.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, cây tiêu ở Lâm Đồng  phần lớn do nông dân trồng với quy mô nhỏ lẻ, chưa có doanh nghiệp, HTX cũng như tổ hợp tác đầu tư quy mô tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. 

Bởi vậy, cần đánh giá đầy đủ về tình hình phát triển cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để xác định vùng đất trồng phù hợp, qua đó khuyến cáo cho nông dân thâm canh, tăng năng suất, nhân rộng các mô hình liên kết phát triển ổn định, bền vững gắn với thị trường cạnh tranh. Ngược lại, đối với diện tích hồ tiêu trồng trên các chân đất thoát nước kém, dễ nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm..., ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục hướng dẫn nông dân chuyển sang các giống tiêu mới hoặc các loại cây trồng hiệu quả hơn, đồng thời không mở rộng thêm diện tích. 

Giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đối với ngành Nông nghiệp  và PTNT Lâm Đồng là tăng cường tập huấn, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm... phổ biến trên cây tiêu ngay từ khi trồng mới như sử dụng giống chống chịu bệnh, trồng cây trụ sống, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học cải tạo đất...

Bên cạnh đó, cần thường xuyên vệ sinh thu gom, tiêu hủy kịp thời tàn dư cây bệnh trong vườn. Khi cần thiết áp dụng biện pháp phòng trừ bệnh hại bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, đảm bảo khai thác lợi thế đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết để phát triển cây tiêu theo hướng bền vững, nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thu hoạch trên địa bàn Lâm Đồng... 

Liên kết, lời giải bài toán khó

Tiến sỹ Trương Hồng, nguyên quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), cho rằng: “Trong thời gian tới, các ngành chức năng phải quy hoạch và quản lý quy hoạch cho tốt. Hiện nay, diện tích hồ tiêu của cả nước là khoảng 150.000ha, các nhà quản lý điều chỉnh xuống khoảng 100.000ha là phù hợp và nên truyền thông để người nông dân được biết”.

Bên cạnh đó, để phát triển hồ tiêu bền vững, Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là về mặt thị trường.

Theo tiến sỹ Trương Hồng, hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất, chiếm gần 60% thị phần thế giới nhưng chúng ta không kiểm soát được giá. Chính vì vậy, chúng ta phải sản xuất hồ tiêu sao cho trong bất kỳ tình huống nào cũng mang lại hiệu quả.

Để làm được điều đó, bà con cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như chọn giống tốt, sạch bệnh, chăm sóc mức độ vừa phải, bón phân hữu cơ, phân vô cơ cân đối; áp dụng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) trong sản xuất sẽ giúp cho vườn hồ tiêu bền vững hơn. Như vậy, người trồng hồ tiêu vẫn có thể có lãi mặc dù giá xuống thấp như hiện nay.

Một giải pháp nữa là phải tổ chức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người nông dân bền vững, chặt chẽ hơn. Hiện nay đã có sự liên kết nhưng còn lỏng lẻo, chưa thực sự chặt chẽ. Khi liên kết được thì doanh nghiệp chính là người tìm kiếm thị trường tiêu thụ, bán bao nhiêu, bán cho ai? Điều này sẽ điều chỉnh lại quá trình sản xuất của người nông dân và cung cấp thông tin cho các nhà quản lý để từ đó điều chỉnh lại quy hoạch.

 

Trần Luật - Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: Nỗ lực thực hiện '6 hơn' trong triển khai các dự án trọng điểm GTVT

    Thủ tướng: Nỗ lực thực hiện '6 hơn' trong triển khai các dự án trọng điểm GTVT

    Ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Về Điện Biên những ngày đầu tháng 3, chủ ý đi ngắm hoa ban trắng và tham quan vùng đất anh hùng, nhưng đi loanh quanh thế nào lại gặp nhân duyên, đó là bà chủ farm Nguyễn Thị Lan Hương, người sáng lập Cara Farm ở bản Bồ Hóng, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

Top