Sau hai năm thực hiện, Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo”, TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, xuất hiện những bất cập, cần sớm khắc phục.
Xu thế tất yếu
Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn của TP. Hồ Chí Minh có tác động rất lớn đến ngành chăn nuôi lợn. Đây là một trong những địa phương tiên phong trong việc xây dựng, hình thành chuỗi cung ứng mặt hàng thịt lợn từ “trang trại đến bàn ăn”.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho biết, chủ trang trại cần hiểu việc truy xuất nguồn gốc chính là để bảo vệ cho mình. Khi có chuyện xảy ra đối với mặt hàng thịt, chính những thông tin trong hệ thống truy xuất sẽ bảo vệ người làm ăn chân chính.
“Yêu cầu truy xuất nguồn gốc đã được rất nhiều nước đưa ra khi nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc không chỉ nâng cao năng lực sản xuất của người chăn nuôi cho thị trường trong nước, mà còn đáp ứng các yêu cầu để đưa thịt Việt Nam ra thị trường thế giới”, ông Hùng nói.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu của sản xuất và thị trường. Muốn truy xuất nguồn gốc thì phải chăn nuôi theo chuỗi, không riêng vì lợi ích của người tiêu dùng mà còn lợi ích cho người sản xuất. Xây dựng một chuỗi sản xuất thì sẽ hạ được giá thành sản phẩm và tạo thành sản phẩm cạnh tranh.
Hơn 2,6 triệu con heo được đeo vòng truy xuất
Sau gần 2 năm triển khai, Đồng Nai đã có 600 cơ sở chăn nuôi heo đăng ký tham gia đề án. Trong đó, có 403 cơ sở đã được kích hoạt với số lượng 2.678.151 con heo thịt được đeo vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc. Tính trung bình mỗi tháng có 160 - 170 cơ sở chăn nuôi xuất heo thịt có truy xuất về các cơ sở giết mổ heo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Tây Ninh để giết mổ với số lượng từ 120.000 - 130.000 con heo thịt.
Đồng Nai hiện có 15 cơ sở giết mổ heo đăng ký tham gia, trong đó, có 9 cơ sở đã được kích hoạt với số lượng 281.461 con heo thịt được đeo vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc. Tính trung bình mỗi tháng có từ 7-8 cơ sở giết mổ thực hiện việc truy xuất để đưa thịt về bán tại các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với số lượng 12.000 - 13.000 con heo thịt.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, việc truy xuất nguồn gốc giúp các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện tương đối đầy đủ các bước liên quan đến việc quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo về TP. Hồ Chí Minh. Đề án góp phần làm giảm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề sử dụng thuốc an thần trong vận chuyển, giết mổ heo.
Còn theo ông Lã Hữu Hảo, Tổ trưởng Tổ hợp tác VietGAHP chăn nuôi số 1 xã Gia Tân 3 (Thống Nhất - Đồng Nai), vòng đeo truy xuất nguồn gốc cho heo được cấp trực tiếp về tổ hợp tác và tổ trưởng có trách nhiệm thực hiện việc đeo vòng, kích hoạt phần mềm đạt yêu cầu mới xuất heo đi. Mọi việc đã vào nếp nên dễ dàng, thuận lợi.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa cho hay, sau thời gian thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với heo, có thể rút ra mấy vấn đề lớn.
Một là, việc truy xuất đã giúp thị trường trở nên minh bạch với đầy đủ thông tin về sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Hai là, với những chủ thể tham gia quá trình truy xuất, nếu ý thức và chủ động thực hiện, họ sẽ khẳng định được giá trị, thương hiệu, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định hơn. Thông qua truy xuất, không chỉ người tiêu dùng có thông tin mà cả nhà sản xuất, phân phối cũng đều có thông tin, qua đó, việc kết nối cung cầu, tìm hiểu thông tin về mặt hàng đó tốt hơn. Cuối cùng, qua quá trình truy xuất, chúng ta hình thành được quy trình của một sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng.
Vẫn còn kẽ hở
Kết quả đạt được là vậy, tuy nhiên, khi đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo tại Đồng Nai đã gặp không ít khó khăn, kẽ hở cần khắc phục. Ông Trần Văn Quang thẳng thắn cho biết, đề án chỉ mới tiếp nhận thông tin đăng ký từ cơ sở mà chưa có kiểm tra thực tế tại cơ sở dẫn đến tình trạng các cơ sở xuất bán với số lượng cao hơn thực tế.
Thương nhân thu mua heo là chủ thể quyết định đến thành công của đề án. Tuy nhiên, hiện nay đề án chưa quản lý đối với thương nhân thu mua heo, nên chưa xử lý được các thương nhân khi xảy ra các vấn đề làm mất an toàn thực phẩm. Thời gian gần đây, một số thương nhân bị các cơ quan chức năng xử lý hành vi bơm nước, chích thuốc an thần vào heo nhưng chưa có thương nhân nào bị đưa ra khỏi Đề án.
Gần đây, có một số cơ sở chăn nuôi sau khi bán heo, có kích hoạt vòng nhận diện nhưng không đeo vào chân heo hoặc chỉ đeo một số con hoặc chỉ đeo một con một chân; số vòng nhận diện đã kích hoạt còn lại giao cho thương lái để sử dụng. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác truy xuất nguồn gốc.
Theo ông Trần Văn Minh, thương lái chợ đầu mối Tân Xuân (TP. Hồ Chí Minh), tính trên số đầu heo đưa vào chợ thì mỗi ngày phải tốn hàng chục triệu đồng tiền mua vòng truy xuất. Việc này gây lãng phí. Trong khi đó, nhiều vòng đeo không được kích hoạt, hoặc có kích hoạt thì thông tin cập nhật không đầy đủ.
Trung bình mỗi ngày tỉnh Đồng Nai đưa hơn 4.330 con lợn vào thị trường TP. Hồ Chí Minh trong khi chi phí đeo vòng cho mỗi con là 6.000 đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày các hộ chăn nuôi phải mất khoảng 26 triệu đồng tiền đeo vòng.
Trong khi đó, khi đưa thịt vào chợ, pha lóc heo, thương lái đều cắt bỏ vòng truy xuất nguồn gốc. Do vậy, vòng truy xuất chỉ đến được chợ đầu mối, còn các tiểu thương bán lẻ và người tiêu dùng đều không thể kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đặc biệt, có những có cơ sở chăn nuôi cho thương lái mượn code, mã đăng ký truy xuất nguồn gốc lợn dẫn đến việc số lượng lợn xuất bán lớn hơn số lượng nuôi thực tế của cơ sở.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Ngọc Hòa nhận định, thách thức lớn nhất cần vượt qua để gỡ nút thắt là phải liên kết được các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng trong Đề án. Vì đây là quy trình quản lý, nhận diện và truy xuất chặt chẽ, đòi hỏi các chủ thể tham gia phải cung cấp và đồng bộ thông tin thì khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng mới kích hoạt được.
Để khắc phục bất cập trên, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, bắt buộc phải thành lập các chuỗi liên kết từ con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, phân phối ra thị trường. Đặc biệt, cần quy rõ trách nhiệm của từng khâu tham gia chuỗi liên kết: Cửa hàng, doanh nghiệp, cơ sở giết mổ.
Còn Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai đề nghị, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tổ chức thẩm định tất cả các cơ sở đã đăng ký tham gia Đề án. Trong đó, cần kiểm tra thực tế số lượng heo được nuôi tại cơ sở chăn nuôi. Nhằm ngăn chặn tình trạng cho mượn mã code dẫn đến việc số lượng heo xuất bán lớn hơn số lượng nuôi thực tế của cơ sở.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ là đơn vị cấp code cho thương nhân thu mua heo. Đồng thời, điều chỉnh quy trình truy xuất để buộc các thương nhân khi mua heo phải khai code được cấp vào quy trình truy xuất. Khi các thương nhân vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thì phải cho ra khỏi Đề án. Đồng thời, tổ chức kiểm tra thực tế tại các cơ sở giết mổ tham gia Đề án để làm căn cứ xử lý các cơ sở chăn nuôi không đeo vòng nhận diện vào chân heo sau khi đã kích hoạt.
Hy vọng với các giải pháp nói trên, những kẽ hở trong thực hiện đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được khắc phục và mang lại kết quả cao như đề án đã đề ra.
Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa ra quy định để thống nhất cho tất cả các địa phương áp dụng đồng bộ, hỗ trợ hơn nữa cho người chăn nuôi nhằm thực hiện đề án tốt hơn. Phần lớn người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện đề án vì lợi ích chung của người tiêu dùng. Và người tiêu dùng cũng nên ủng hộ người chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt heo an toàn, không nên mua trôi nổi, không rõ nguồn gốc”, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề nghị. |
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.