Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 8 năm 2014 | 10:44

Điểm “bất thường” trong quá trình thu hồi đất, BT, HT, TĐC tại Long Biên

KTNT - Cùng một nguồn gốc đất, cùng một thời gian sử dụng đất: một hộ được bồi thường với đơn giá 32.400.000 đồng/m2 trong khi các hộ dân còn lại chỉ được nhận 35.000 đồng/m2, gây nên nhiều bức xúc cho các bị thu hồi đất ở phường Đức Giang (Long Biên - Hà Nội).


Liên quan đến việc các hộ dân phường Đức Giang bị thu hồi đất khiếu kiện UBND quận Long Biên (Hà Nội), luật sư Trần Quang Khải, Trưởng VPLS Tâm Phát, khẳng định: “Diện tích đất mà các hộ dân đã được giao cũng như diện tích đất các hộ dân tự khai hoang, sử dụng ổn định, lâu dài không tranh chấp từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, đã làm nhà kiên cố và tạo lập một số tài sản khác gắn liền với đất, do vậy đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 50, Luật Đất đai 2003, vì thế không thể áp dụng mức bồi thường 35.000 đồng/m2 được, vì mức giá bồi thường mà UBND quận đưa ra chỉ là mức bồi thường chi phí hợp lý đầu tư vào đất và chỉ được áp dụng đối với đất nông nghiệp khác ngoài đất trồng lúa, trong khi đất bị thu hồi lại là đất ở, sử dụng ổn định lâu dài”

Luật sư Khải cho biết, tổng diện tích đất nói trên của các hộ dân đã bị thu hồi thành hai lần: lần đầu thu hồi phần diện tích đất được giao theo Quyết định số 1809/QĐ-UBND ngày 03/4/2003 của UBND TP Hà Nội; lần hai thu hồi diện tích đất tự khai hóa đã hơn 30 năm nay theo Quyết định 5801/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của UBND TP. Hà Nội, đây chính là diện tích đất còn lại sau khi UBND quận Long Biên thu hồi lần một để thực hiện cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự và xây dựng khu đô thị mới Việt Hưng, công trình đã được hoàn thành ngày 19/5/2012.

Luật sư Khải chỉ rõ các điểm bất thường trong việc thu hồi đất tại quận Long Biên.

Theo quy định của pháp luật, tại Khoản 4, Điều 50, Luật đất đai năm 2003 thì:

“Điều 50. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất.

…4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”.

Căn cứ vào quy định trên, diện tích đất mà các hộ dân đang sử dụng là “đất không có các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1, Điều 50 nhưng đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993”. Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyển sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai thì:

“Điều 3. Đất sử dụng ổn định quy định tại Khoản 4, Điều 50 của Luật đất đai
1. Đất sử dụng ổn định quy định tại khoản 4 Điều 50 của Luật Đất đai là đất đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

a) Đất đã được sử dụng liên tục cho một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận…

b) Trường hợp đất đã được sử dụng liên tục quy định tại điểm a khoản này mà có sự thay đổi về người sử dụng đất và sự thay đổi đó không phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất”.

Diện tích đất mà các hộ dân phường Đức Giang bị UBND quận Long Biên thu hồi là đất đã sử dụng ổn định vào một mục đích nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng. Trong những năm qua, các hộ dân đã tiến hành kê khai, làm các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân lại không được UBND quận Long Biên chấp thuận. 
Cùng nguồn gốc sử dụng đất nhưng giá đền bù các hộ lại khác nhau.

Và có một điểm đặc biệt bất thường là: trên khu đất có 13 hộ dân sinh sống cùng thời gian, nguồn gốc sử dụng hơn 30 năm qua, nhưng khi đồng loạt làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chỉ duy nhất có hộ ông Lê Ngọc Tân (số nhà 66) – một hộ liền kề nằm xen giữa 9 hộ dân nói trên - là được UBND quận Long Biên xác định đủ điều kiện và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi các hộ dân còn lại chưa một hộ nào được cấp. Việc làm khó hiểu này đã gây bức xúc trong dư luận và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân về việc xác định tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Luật sư Khải khẳng định: “Rõ ràng UBND quận Long Biên đã xác định sai nguồn gốc và mục đích sử dụng đất, dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không chính xác, không công bằng cho các hộ dân”

Đa số phần diện tích đất bị thu hồi lần hai của các hộ dân phường Đức Giang được khai hoang bằng việc tôn tạo bờ mương ven đường để ở và phát triển kinh tế gia đình. Như vậy khi tiến hành phân loại đất để xác định loại đất, mục đích sử dụng đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải căn cứ vào quy định Khoản 5, Điều 11, Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND TP. Hà Nội ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Hà Nội để xác định, cụ thể: “Đối với trường hợp chưa có căn cứ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này thì căn cứ vào hiện trạng sử dụng ổn định, UBND cấp huyện có trách nhiệm xác định loại đất, mục đích sử dụng đất”.

Như vậy, UBND quận Long Biên cần dựa vào hiện trạng sử dụng đất ổn định của thửa đất để xác minh loại đất, mục đích sử dụng đất. Đối với trường hợp của các hộ dân, UBND quận Long Biên cần căn cứ quy định tại Điều 10 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND để xác định:

“Điều 10. Căn cứ xác định đất sử dụng ổn định và thời điểm đất bắt đầu sử dụng ổn định đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ trước ngày 15/10/1993 quy định tại Khoản 5 Điều 7 của bản quy định này 

1. Đất sử dụng ổn định trước 15/10/1993 là đất đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

a) Đất đã được sử dụng liên tục cho một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Trường hợp đất đã được sử dụng liên tục quy định tại điểm a khoản này mà có sự thay đổi về người sử dụng đất và sự thay đổi đó không phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất”.

Có thể thấy, diện tích đất đã bị nhà nước thu hồi đã được các hộ dân sử dụng ổn định và lâu dài hơn 30 năm. Kể từ khi bắt đầu sử dụng đã làm nhà ở kiên cố, được chính quyền địa phương đồng ý, thậm chí các nhà đã được đánh số theo thứ tự của dãy phố, nghĩa là đã được chính quyền địa phương đưa vào diện quản lý ổn định; quá trình sinh sống không phát sinh tranh chấp với ai cũng như không có biên bản hay quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào. Ngoài ra, một số hộ dân cũng đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước. Cho đến trước thời điểm bị thu hồi, khu vực này là khu vực nội thành Thủ đô Hà Nội. Do vậy, có thể khẳng định diện tích đất bị thu hồi trên là đất ở, được sử dụng ổn định lâu dài và điều này phải được thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại phần “Mục đích sử dụng: Đất ở đô thị”.

Quy định của pháp luật là như vậy, tuy nhiên, khi tiến hành xác minh nguồn gốc, mục đích sử dụng đất, UBND quận Long Biên lại không xác định theo hiện trạng sử dụng ổn định mà chỉ căn cứ vào việc các hộ dân đã tự ý khai hoang mà khi chưa có ý kiến của chính quyền địa phương. Cách xác định này là không có căn cứ, bởi nếu địa phương không đồng ý cho dân khai hoang thì tại sao trong suốt hơn 30 năm qua không tiến hành lập biên bản về việc vi phạm do sử dụng đất sai mục đích, do lấn chiếm, do xây dựng nhà ở và công trình khác trên đất này? Cách xác định của UBND quận Long Biên là sự phủ nhận công sức của các hộ dân trong việc tôn tạo, làm giàu thêm quỹ đất của nhân dân trong thực tế sử dụng và cải tạo đất.

Việc xác định cố tình không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đa số các hộ dân tại tổ 2, phường Đức Giang, trong khi lại cấp “sổ đỏ” cho duy nhất một hộ là hộ ông Lê Ngọc Tân (số nhà 66) -  một hộ liền kề nằm xen giữa 9 hộ dân nói trên; việc xác định sai nguồn gốc đất đã dẫn đến việc áp dụng sai giá bồi thường thu hồi đất, tạo nên sự chênh lệch quá lớn giữa các hộ dân có cùng một nguồn gốc đất, cùng một thời gian sử dụng đất: có hộ được bồi thường với đơn giá 32.400.000 đồng/m2 trong khi các hộ dân còn lại chỉ được bồi thường với đơn giá 35.000 đồng/m2 (thể hiện trong Quyết định 91/QĐ-UBND ngày 09/01/2014 của UBND quận Long Biên), sau khi bị thu hồi đất đã được bố trí tái định cư đảm bảo ổn định cuộc sống. Đây là một điểm rất bất bình thường trong quá trình thu hồi đất, gây bức xúc cho các hộ bị thu hồi đất.

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin./.

Thành Vinh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top