Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 4 năm 2022 | 10:26

Diễn biến bất ngờ trong vụ đòi lại đất cho cán bộ mượn ở Sóc Trăng

Ông Trần Văn Khương ở ấp 5, thị trấn Long Phú, người đã 33 năm cõng đơn đi đòi đất cho cán bộ huyện huyện Long Phú (Sóc Trăng) mượn...

Ông Trần Văn Khương ở ấp 5, thị trấn Long Phú, người đã 33 năm cõng đơn đi đòi đất cho cán bộ huyện huyện Long Phú (Sóc Trăng) mượn, cho biết, gia đình vừa nhận được quyết định của UBND huyện Long Phú về việc giải quyết tranh chấp đất giữa ông với bà Trần Thị Én nhưng quyết định này đầy bất ngờ vì nhận định “không bình thường”.

Mượn đất, không trả

Trước năm 1975, ông Khương mua một thửa đất có diện tích 33 x 19m, tọa lạc tại ấp 5, thị trấn Long Phú và quản lý, sử dụng ổn định, không tranh chấp với ai. Việc mua bán có giấy tờ đầy đủ, có xác nhận của chính quyền chế độ cũ.

Đến năm 1984, bà Trần Thị Én,  cán bộ Thanh tra Nhà nước huyện Long Phú, cùng chồng là ông Nguyễn Quốc Cường, cán bộ Văn phòng UBND huyện, đến gặp gia đình ông Khương hỏi mượn một nền nhà tại địa chỉ này.

Lúc đầu, vì gia đình đông con nên ông Khương không đồng ý, nhưng khi ông Trần Văn Chương, cha đẻ của bà Én (và là thông gia với gia đình ông Khương) đích thân đến hỏi mượn, ông Khương đồng ý cho mượn khoảng 90m2 đất với thời gian 4 - 5 năm.

Năm 1989, ông Khương yêu cầu vợ chồng bà Én trả lại đất để cho con làm nhà thì vợ chồng bà Én không chịu trả, với lý do ông Khương đã bán cho vợ chồng bà vào năm 1981 với giá 1 triệu đồng nên ông Khương khiếu nại đến chính quyền.

 

ong-khuong-2.JPG
Phần đất 50m2 nằm ngay sau nhà ông Khương đang tranh chấp nhưng địa phương không giải quyết vì cho rằng bà Én mua của bà Bê.

 

Làm việc với cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh, ông Khương cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ có đóng dấu đỏ của chính quyền thể hiện đất ông mua, quản lý, sử dụng ổn định từ trước năm 1975 cũng  như việc cho bà Én mượn đất. Còn bà Én, lần đầu bà khai mua toàn bộ diện tích đất của ông Khương với giá 1 triệu đồng nhưng không có chứng cứ; lần thứ hai, bà khai mua một nửa phía trước (giáp đường Đoàn Thế Trung hiện nay) với giá 2.000 đồng (hai ngàn đồng) nhưng không cung cấp được tên người bán, còn một nửa phía sau bà mua của bà Mã Thị Bê năm 1992, năm 1996 được ông Huỳnh Đức, Chủ tịch UBND thị trấn Long Phú ký xác nhận vào tờ giấy mua bán viết tay (ông Huỳnh Đức hiện là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Phú).

Qua quá trình giải quyết, năm 2003, chính quyền có quyết định chỉ công nhận một nửa phía trước (giáp đường Đoàn Thế Trung hiện nay) là của ông Khương và  giao cho ông Khương quản lý, sử dụng (hiện nay con ông Khương là Trần Quốc Khánh và Trần Quang Hiển đã làm nhà ở ổn định từ đó đến nay); nửa phía sau cho là của bà Én mua của bà Bê nên giao cho bà Én.

Ông Khương tiếp tục khiếu nại yêu cầu bà Én trả phần đất phía sau, bà Én lại đòi ông Khương trả phần phía trước nên vụ việc kéo dài, gây xôn xao dư luận ở địa phương.

Giải quyết theo yêu cầu của người bị khiếu nại

Ngày 2/4/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có Quyết định số 747/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy các quyết định của tỉnh liên quan đến giải quyết khiếu nại của ông Khương và bà Én. Đồng thời, giao Chủ tịch UBND huyện Long Phú thu hồi, hủy các quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại đối với vụ việc trên và xem xét, giải quyết vụ việc theo thẩm quyền, quy định pháp luật.

Ngày 14/2/2022, UBND huyện Long Phú triển khai Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 9/2/2022 về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Khương và bà Én. Trong quyết định này, UBND huyện Long Phú cho rằng, phần đất tranh chấp có nguồn gốc của chế độ cũ quản lý. Sau năm 1975, nhiều hộ dân đến lấn chiếm sử dụng, xây dựng nhà ở, trong đó có gia đình ông Khương và bà Én. Bà Én có quá trình quản lý, sử dụng đất ổn định trước và trong quá trình tranh chấp là trên 20 năm nên UBND huyện Long Phú “Công nhận diện tích đất 43,2m2 thuộc quyền sử dụng của bà Én; phía Đông giáp đường Đoàn Thế Trung, phía Tây giáp đất bà Én mua của bà Mã Thị Bê, phía Nam giáp phần còn lại của thửa đất số 108 do ông Trần Quang Hiển chiếm sử dụng, phía Bắc giáp thửa đất số 107 hiện do bà Trần Thị Phi Yến chiếm sử dụng”.

 

ong-khuong-3.jpg
Danh sách các hộ lấn chiếm đất công do UBND thị trấn Long Phú lập ngày 30/6/2009 có 98 hộ nhưng không có hộ ông Khương.

 

Cầm quyết định của UBND huyện Long Phú, ông Khương chua chát: “Quyết định 191 hoàn toàn vô lý, cố tình làm sai sự thật. Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ngày 2/4/2021 cũng như quyết định của UBND huyện Long Phú là thu hồi, hủy các quyết định của tỉnh liên quan đến giải quyết tranh chấp đất giữa tôi và bà Én, giải quyết lại vụ tranh chấp. Như vậy, ngay từ đầu tôi là người khiếu nại, yêu cầu chính quyền buộc bà Én trả lại đất cho tôi nhưng Quyết định 191 của UBND huyện Long Phú lại giải quyết theo yêu cầu của bà Én mà không giải quyết yêu cầu của tôi. Lấy diện tích đất mà Quyết định số 378 năm 2003 của UBND huyện Long Phú đã công nhận là đất của tôi và đã giao cho tôi quản lý sử dụng. Trên phần đất đó, hai con trai của tôi đã làm nhà ở ổn định từ đó đến nay”.

Nhân chứng nói gì?

Một cán bộ tư pháp của UBND thị trấn Long Phú cho biết: “Tôi là thành viên Tổ công tác giải quyết khiếu nại đòi lại đất của ông Khương ngay từ đầu. Chúng tôi đã nhiều lần mời ông Trần Văn Chương (cha ruột bà Én) lên làm việc tại trụ sở UBND thị trấn. Lần nào ông Chương cũng thừa nhận toàn bộ phần đất (diện tích khoảng 90m2) là của ông Khương, chính ông Chương đến mượn cho vợ chồng bà Én làm nhà ở.

Thừa nhận đó đều được ghi rõ trong biên bản nhưng không hiểu sao khi giải quyết lại không căn cứ vào các biên bản này? Còn bà Én, lần thì khai bà mua của ông Khương với giá 1 triệu đồng nhưng không cung cấp được bản gốc giấy mua bán mà chỉ cung cấp bản photocoppy nên không được chấp nhận. Lần sau bà lại khai nửa phía trước bà mua 2.000 đồng nhưng không cung cấp được tên người bán; nửa phía sau bà lại khai mua của bà Mã Thị Bê với giá 5 chỉ vàng năm 1992, được ông Huỳnh Đức, Chủ tịch UBND thị trấn Long Phú ký xác nhận năm 1996. Việc xác nhận này cũng trái quy định vì toàn bộ diện tích 90m2 đó đang bị ông Khương đòi lại, vậy dựa trên cơ sở nào mà ông Đức lại xác nhận của bà Bê bán cho bà Én. Hơn nữa, không có cơ sở để cho là đất của bà Bê, mua bán năm 1992 nhưng năm 1996 mới ký xác nhận là khuất tất”.

Quyết định 191 của UBND huyện Long Phú cho rằng phần đất tranh chấp có nguồn gốc của chế độ cũ quản lý. Sau năm 1975, nhiều hộ dân đến lấn chiếm sử dụng, xây dựng nhà ở, trong đó có gia đình ông Khương và bà Én. Nhưng, trong thống kê của UBND thị trấn Long Phú được lập ngày 30/6/2009 về danh sách các hộ ở địa phương này lấn chiếm đất công có rất nhiều hộ, tại ấp 5 có 10 hộ nhưng hoàn toàn không có hộ ông Khương.

Thậm chí, trước sự khiếu nại gay gắt của ông Khương và sự bất bình của dư luận, xét thấy đây là vụ việc tranh chấp đất khá phức tạp, UBND tỉnh Sóc Trăng đã báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy. Qua đó, kết luận “ông Khương có giấy tờ chứng minh được việc mua đất của bà Diệp Thị Cảnh 230m2 vào năm 1974, chính quyền chế độ cũ chứng nhận, trong đó có phần đất bà Én đang ở. Còn bà Én không có bản chính giấy mua bán đất năm 1981 với ông Trần Văn Khương, chỉ có bản photocoppy, không có xác nhận của chính quyền, không được ông Khương chấp nhận. Vì vậy, việc khiếu nại của ông Khương có căn cứ để xem xét, giải quyết. Đối với bà Én cho rằng đã chuyển nhượng đất này của ông Khương, nhưng không có giấy tờ hợp pháp để chứng minh, nên không có cơ sở để xem xét, giải quyết”.

Ông Nguyễn Văn Quới, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Long Phú thời điểm 30/4/1975 xác nhận bằng văn bản cho ông Khương: “Hồi mới tiếp thu, tôi biết ông Khương có thửa đất mua của bà Cảnh, phía sau giáp hàng rào kẽm gai của trụ sở Đồn Nhà Lầu, phía trước giáp đường đi Lịch Hội Thượng, sau đó ông Khương cho bà Én mượn một phần cất nhà để ở tạm”.

Hiện, ông Khương đang làm đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Chúng tôi sẽ theo dõi và cung cấp thông tin đến bạn đọc diễn biến của vụ việc.

 

 

C.X.L
Ý kiến bạn đọc
Top