Từ một xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện nghèo Thường Xuân (Thanh Hóa), nguồn sống của dân Lương Sơn chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi tự phát. Song, Lương Sơn hôm nay lại đang rộn ràng chuẩn bị đón nhận xã đạt chuẩn NTM
Mặc dù Lương Sơn không nằm trong kế hoạch của tỉnh Thanh Hóa phải hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020. Song, bằng sự nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng của Đảng ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân, nên Lương Sơn hôm nay đã trở thành xã “ngoài kế hoạch” cán đích NTM năm 2018 của huyện nghèo Thường Xuân nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Về thăm lại Lương Sơn hôm nay, chúng tôi không khỏi “ngỡ ngàng” trước sự “thay da đổi thịt” của một xã miền sơn cước xứ Thanh. Lương Sơn bây giờ như phố giữa làng, nhà mái bằng xen kẽ với nhà mái ngói, đường làng, ngõ xóm bê tông hóa phong quang. Con đường “huyết mạch” vào xã được rải nhựa phẳng lì, trường học, trạm y tế, công sở… được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Những đổi thay ấy đã tạo nên một diện mạo mới, khác hẳn với hình ảnh của một Lương Sơn trước đây.
Được biết, Lương Sơn thực hiện mục tiêu xây dựng NTM trong điều kiện kinh tế - xã hội, ngân sách gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dân sinh, phát triển kinh tế còn nghèo nàn và lạc hậu. Những khó khăn ấy đã đặt ra nhiều thách thức cho toàn thể lãnh đạo ở nơi đây. Song, bằng tinh thần không quản ngại khó khăn, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Lương Sơn đã tận dụng các nguồn lực, để tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Có thể nói, Lương Sơn hôm nay đã thực sự bước lên một tầm cao mới.
Từ năm 2015 đến nay, dẫu rằng phải đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh, dịch bệnh gia tăng, giá cả thị trường không ổn định... nhưng nhờ sự lãnh chỉ đạo sát sao của UBND huyện cùng với sự chủ động đối phó, điều hành kịp thời của Đảng bộ, chính quyền địa phương và sự nỗ lực chung của cán bộ, nhân dân trong toàn xã, nên Lương Sơn đã gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực, để tiếp tục ổn định và nâng cao đời sống.
Trong những năm qua, nhờ kịp thời chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất và chăn nuôi, nên thu nhập của người lao động được tăng cao. Thương mại, dịch vụ, vận tải và các ngành nghề khác cũng được địa phương hết sức chú trọng, hàng năm cho thu nhập hàng chục tỷ đồng. Bình quân thu nhập đầu người đến nay đạt 31,5 triệu đồng/người/năm (từ tháng 10/2017 đến 10/2018). Cơ cấu trong các ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.
Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống của nhân dân đã được cải thiện rõ rệt, tăng hộ khá giàu. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 41,5%, nay giảm xuống còn 8,13% (rà soát hộ nghèo năm 2018). Bộ mặt nông thôn của Lương Sơn hôm nay khang trang, đổi mới toàn diện.
Kế từ khi Lương Sơn bắt tay vào xây dựng NTM, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của xã đã phân công các thành viên trực tiếp phụ trách các thôn - bản, để “cầm tay chỉ việc” nhằm mục đích quyết tâm sớm hoàn thành các tiêu chí. Tất cả các thành viên trong Ban chỉ đạo đã bất chấp địa hình hiểm trở, thường xuyên bám cơ sở, để nắm bắt và kịp thời phát huy những lợi thế, khắc phục những tồn tại, khó khăn. Trong các hội nghị, thành viên Ban chỉ đạo luôn đặt dân làm chủ thể, nên đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao từ phía nhân dân trong công cuộc xây dựng NTM ở thôn - bản.
Nhằm tạo nên phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng NTM”, Ban Chỉ đạo đã phát động các phong trào thi đua trong các đoàn thể. Những phong trào đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Bởi vậy, toàn dân Lương Sơn đã xác định xây dựng NTM là trách nhiệm của mỗi công dân trên nền tảng “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Với quan điểm xây dựng NTM phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân để tạo nguồn lực đóng góp của nhân dân, "lấy sức dân để lo cho dân", "nhân dân là chủ thể trong việc xây dựng NTM" và nhân dân là người trực tiếp hưởng thụ. Trong những năm qua, Lương Sơn đã ưu tiên phát triển ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, đưa cây trồng có giá trị thu nhập kinh tế cao vào sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, gia trại…
Nhìn chung, các mô hình sản xuất được lựa chọn đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với nguyện vọng của người dân và đúng với nội dung của Chương trình xây dựng NTM, lấy phát triển sản xuất là gốc để nâng cao giá trị sản xuất và thế mạnh địa phương. Qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Xác định cây mía là cây chủ lực của địa phương, trong những năm qua UBND xã đã chỉ đạo các chủ hợp đồng mở rộng diện tích trồng mía, đấu mối với xí nghiệp nguyên liệu đưa các giống mới vào trồng nâng cao năng suất mía. Nâng cao đời sống vật chất cho nông dân. Hiện, Lương Sơn đã quy hoạch được hơn 700ha mía cho thu nhập cao.
Song song với quá trình phát triển kinh tế, Lương Sơn cũng đã chú trọng đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng thời, công tác Quốc phòng an ninh luôn được địa phương quan tâm đảm bảo. Lương Sơn đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa trung tâm, đáp ứng nhu cầu 200 chỗ ngồi. Xây dựng sân vận động trung tâm xã với diện tích 7.484m2. Đầu tư xây mới 02 nhà văn hóa và hỗ trợ nâng cấp 5 nhà văn hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa-thể dục thể thao tại khu vực nông thôn.
Trong những năm qua, với phương châm hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tạo tiền cho phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ vững chính trị trật tự an toàn xã hội, Lương Sơn đã huy động tối đa mọi nguồn lực đáp ứng việc xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn.
Địa phương có 80,4km đường giao thông nông thôn được cứng hóa và bê tông hóa đạt 76,6%, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế, đa dạng hóa các loại hình dịch vận tải, dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng hóa và đáp ứng nhu cầu giao thương trong quá trình phát triển kinh tế giữa địa phương với các đơn vị trong và ngoài huyện.
Địa phương đã đầu tư nâng cấp toàn bộ 4 trường học. Trong 3 năm, Lương Sơn đã có 4/4 trường học và Trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia.
Khu công sở, nhà văn hóa khu thể thao trung tâm xã, nhà văn hóa các thôn cũng được đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ hoạt động công tác chuyên môn cũng như hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn.
Trước niềm vui của xã “ngoài kế hoạch” đã “cán đích” NTM, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, phấn chấn: “Trong quá trình xây dựng NTM, chúng tôi đã vận động nhân dân tình nguyện hiến đất và đóng góp ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa thôn, trường học, đường giao thông, trạm y tế...Hiện Lương Sơn đã hoàn thành tất cả các tiêu chí xây dựng NTM”.
“Sở dĩ Lương Sơn có được kết quả trong xây dựng NTM như ngày hôm nay, thì trong hơn 6 năm qua, Lương Sơn chúng tôi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các ban, ngành cấp huyện. Bên cạnh đó, sự quan tâm chỉ đạo của BCH Đảng bộ - HĐND – UBND và phối hợp của MTTQ, các ban ngành trong xã và sự đồng lòng, chung sức của toàn dân, nên Lương Sơn đã sớm về đích NTM. Kết quả xây dựng TNM, Lương Sơn quyết tâm phấn đấu đạt đô thị loại 5 vào năm 2025”- ông Hùng cho biết thêm.
Có thể khẳng định rằng, Lương Sơn về đích NTM là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong suốt 6 năm qua. Những thành quả này sẽ là nền tảng vững chắc, tạo cơ sở, động lực để địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững và phấn đấu sớm trở thành xã kiểu mẫu NTM trong thời gian tới.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.