Sau gần 10 năm được UBND TP.Hà Nội phê duyệt (năm 2009), Dự án bãi đỗ xe tĩnh kết hợp với cây xanh của Công ty CP Mai Linh Đông Đô mới xây dựng được nhà điều hành nhưng lại không có giấy phép, bị xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, sau đó lại được Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội chấp thuận điều chỉnh quy hoạch dự án. Việc này không khác gì “hợp thức hóa” cho vi phạm?!
Dự án xây dựng bãi đỗ xe tĩnh kết hợp với cây xanh của Công ty CP Mai Linh Đông Đô tại số 499 đường Lương Thế Vinh, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) được UBND TP.Hà Nội cấp Giấy chứng nhận số 01121000352 ngày 16/11/2009.
Triển khai dự án, chủ đầu tư đã xây dựng nhiều công trình nhà điều hành, xưởng sửa chữa, công trình bãi đỗ xe phụ trợ… sai phép so với thiết kế, quy hoạch ban đầu trên quy mô lớn và không có cây xanh nào được trồng cũng như hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định. Cụ thể, dự án được chấp thuận xây dựng bãi đỗ xe tĩnh và nhà điều hành 3 tầng nhưng chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng 1 tòa nhà điều hành 6 tầng, xưởng sửa chữa xe quy mô lớn…
Tòa nhà điều hành 6 tầng xây dựng không có giấy phép.
Trước những vi phạm trên, ngày 21/1/2015, UBND quận Nam Từ Liêm ra Văn bản số 194/QĐ-XPVPHC về quyết định xử phạt đối với hành vi “tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng” đối với Công ty CP Mai Linh Đông Đô; phạt tiền 50.000.000 đồng, yêu cầu Công ty CP Mai Linh Đông Đô phải xin giấy phép xây dựng ngay. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt, chủ đầu tư không xuất trình giấy phép xây dựng thì sẽ bị cưỡng chế phá dỡ. Nhưng thực tế, hết 60 ngày, UBND quận Nam Từ Liêm không có bất kỳ động thái cưỡng chế nào?
Bất ngờ là, sau khi ra quyết định đình chỉ thi công và xử phạt vi phạm mà không tiến hành cưỡng chế, ngày 4/5/2016, UBND quận Nam Từ Liêm tiếp tục ra Văn bản số 2144/QĐ-XPVPHC về quyết định xử phạt đối với hành vi nêu trên của Công ty CP Mai Linh Đông Đô. Số tiền xử phạt là 50.000.000 đồng. Còn hành vi vi phạm được đổi thành “tổ chức thi công công trình sai quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt với công trình xây dựng được miễn giấy phép xây dựng”.
Sau lần xử phạt thứ 2 khoảng 1 năm, ngày 3/5/2017, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội có giấy phép quy hoạch cấp cho chủ đầu tư là Công ty CP Mai Linh Đông Đô, do ông Bùi Xuân Tùng, Phó giám đốc Sở ký, trong đó chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: diện tích xây dựng khoảng 1.951m2, mật độ xây dựng 18,8%; tổng diện tích sàn khoảng 5.036m2 (không tính tầng bán hầm, tum thang) gồm các công trình nhà điều hành quản lý cao 6 tầng+tầng bán hầm, nhà bảo dưỡng bảo trì ô tô cao 1 tầng.
Việc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội có văn bản chấp thuận cho dự án này không khác gì “hợp thức hóa việc cấp giấy phép xây dựng” cho một công trình vi phạm trật tự xây dựng quy mô lớn?
Điều 52, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định về việc Điều chỉnh đối với một lô đất trong khu vực quy hoạch như sau:
1. Trong trường hợp cần phải điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc công trình riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào Quy chuẩn về quy hoạch đô thị; điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị hoặc khu vực, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị để quyết định việc điều chỉnh thông qua việc cấp giấy phép quy hoạch theo quy định tại Điều 71 của Luật này.
2. Việc điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của lô đất phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tính chất, không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường và khả năng cung cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị và khu vực.
Như vậy “cái gọi là” thỏa thuận tổng mặt bằng mà lâu nay Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội vẫn làm để “hợp thức hóa” sai phạm là trái với Điều 52 mà pháp luật đã quy định về điều chỉnh quy hoạch.
Việc “tùy tiện” điều chỉnh quy hoạch 1/500 mà không hề được điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 mà UBND TP.Hà Nội phê duyệt đã góp phần phá vỡ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được phê duyệt.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm kiểm tra, xử lý trách nhiệm những tổ chức, cá nhân đã để xảy ra sai phạm và điều chỉnh quy hoạch Dự án xây dựng Bãi đỗ xe tĩnh Mai Linh Đông Đô trái pháp luật.
Để có thông tin đa chiều, phóng viên đã đặt lịch làm việc với Công ty CP Mai Linh Đông Đô và một số cơ quan chức năng của Hà Nội nhưng hơn tháng qua, vẫn chưa nhận được phản hồi do… quá bận.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
P.V
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.