Thời gian qua, tại khu vực Dốc Đài thuộc thôn Tuy Bình, xã Đức Bình Tây (Sông Hinh - Phú Yên), xảy ra tình trạng doanh nghiệp khai thác đá khối trái phép “núp bóng” dưới hình thức cải tạo đất rẫy. Doanh nghiệp ngang nhiên khai thác đá đem bán, bỏ túi hàng tỷ đồng nhưng không thấy cơ quan chức năng hay chính quyền kiểm tra, ngăn cản, gây thất thoát tài nguyên, khiến dư luận bức xúc.
Việc khai thác đá diễn ra tại khu vực Dốc Đài thời gian qua khiến đời sống của người dân bị đảo lộn
Dư luận bất bình
Bà N.T.L. (một hộ dân thôn Tuy Bình) bức xúc: “Việc khai thác đá diễn ra tại khu vực Dốc Đài thời gian qua khiến đời sống của người dân bị đảo lộn. Thời tiết đang vào mùa nắng nóng nhưng người dân vẫn phải sống chung với bụi, tiếng ồn. Những hộ dân ở gần đường, hàng ngày phải đóng cửa, bịt kín lỗ hổng nhưng bụi vẫn bay vào nhà và đóng thành lớp trên đồ vật. Bụi nhiều dẫn tới ô nhiễm môi trường, khiến người dân xã Đức Bình Tây, đặc biệt là trẻ em, thường mắc các bệnh về hô hấp. Chưa kể, xe chở đá thường phóng nhanh, vượt ẩu, không che chắn, cột đá cẩn thận nên nếu không có việc cần thiết người dân không dám đi ra ngoài đường vì nguy hiểm”.
Anh H.T.T., người dân địa phương cho hay, khu vực nói trên thuộc phần đất của gia đình ông Nguyễn Ngọc Tùng ở thôn Đức Bình Tây, xã Đức Bình Tây. Theo giấy tờ, ông Tùng đã “thuê” một công ty cải tạo đất để trồng trọt nhưng thực tế, doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để khai thác đá, tạo ra nhiều hố sâu trên đất nên khó có thể tái sản xuất.
Do khai thác đá tràn lan nên từ vùng quê yên bình, xã Đức Bình Tây thành đại công trường. Đường dân sinh, đường nông thôn tuy còn mới nhưng đã bắt đầu xuất hiện chi chít các hố sâu do xe tải quần thảo suốt ngày đêm. “Chỉ trong thời gian ngắn, cả quả đồi lớn đã bị xúc dọn liên tục đến mức cụt đi như hiện nay, thậm chí có chỗ sâu xuống đến hàng chục mét. Biết là vậy, nhưng chưa bao giờ thấy cơ quan chức năng hay cán bộ nào lên tiếng, thậm chí người dân đã phản ánh nhưng cũng chẳng ai đến giải quyết, thật khó hiểu”, anh T. nói thêm.
Những tảng đá to, nặng hàng chục khối bị khai thác
Cũng theo anh T., thực tế thì doanh nghiệp khai thác đá, xúc đất để chở về thị xã Sông Cầu (Phú Yên) tiêu thụ chứ không phải nhằm mục đích cải tạo đất. Nếu cứ để doanh nghiệp tiếp tục ngang nhiên thế này thì thời gian tới khu vực này sẽ có những hố sâu hàng chục mét, hậu quả dân chịu, còn Nhà nước thì thất thu thuế.
“Núp bóng” việc cải tạo đất để đút túi hàng tỷ đồng
Có mặt tại khu vực Dốc Đài, phóng viên chứng kiến nhiều xe tải với nhiều máy khoan, máy đào cỡ lớn đang bốc xúc đá. Tiếng máy gầm rú như đại công trường. Một nửa quả đồi đã bị đào khoét, các xe múc liên tục hoạt động, đất đá bị xới tung lên tạo thành những hố sâu. Thậm chí, phần phía Tây núi đá đã bị khoét sâu hơn 20m so với mặt đất, trên diện tích hàng nghìn mét vuông. Đá sau khi được đưa từ dưới đất lên sẽ được người làm thuê dùng máy đục đá xẻ nhỏ, chất lên xe tải mang đi tiêu thụ.
Đá sau khi được đưa từ dưới đất lên sẽ được người làm thuê dùng máy đục đá để xẻ nhỏ và chất lên xe tải mang đi tiêu thụ
Phóng viên liên lạc với ông Trần Duy Lành (KV8, đường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn, Bình Định), chủ doanh nghiệp đang khai thác mỏ đá ở khu vực Dốc Đài thì ông này cho biết, khu đất này ông được thuê để cải tạo lại. Khi phóng viên đề cập đến việc chính quyền chỉ cho phép doanh nghiệp cải tạo đất nhà ông Tùng để trồng mít, nhưng tại hiện trường, xe múc lại đục khoét tạo thành những hầm hố sâu hàng chục mét rồi cho xe tải chở đá đi, thì ông Lành nói: “Cái này anh phải làm việc với xã và huyện vì tôi không cầm giấy tờ gì, cũng không liên quan gì ở đây”(?!).
Đang nói tới đây thì một nhóm người đàn ông đang khai thác đá, cắt đá từ trên núi xuống, những người này tự xưng là người làm công cho ông Lành. Phóng viên có hỏi về việc khai thác đá trái phép, thì những người này cho biết: “Chúng tôi khai thác đá ở khu vực này từ sau Tết Nguyên đán. Tôi làm công ở đây, ông chủ (ông Lành) thuê tụi tui khai thác đá chở về TX.Sông Cầu chứ tụi tui đâu có cải tạo đất, đá gì đâu”.
Phóng viên đến hỏi mấy lái xe đang đứng ở đó thì được biết những người này chỉ lái thuê cho doanh nghiệp, bởi vậy mọi thủ tục, giấy tờ khai thác đất, họ đều “mù tịt”.
Một nửa quả đồi đã bị đào khoét, các xe múc liên tục hoạt động múc đá bị xới tung lên tạo thành những hố sâu
Việc khai thác đá trái phép “núp bóng” cải tạo đất đang diễn ra rầm rộ ở Đức Bình Tây, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia, tàn phá nhiều diện tích đất nông nghiệp, hủy hoại môi trường, gây hại cho sức khỏe của người dân. Các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên, đặc biệt là chính quyền địa phương, cần nhanh chóng vào cuộc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng trên, đồng thời có biện pháp xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm.
Nhóm PV điều tra
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.