Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 8 năm 2018 | 15:51

Doanh nghiệp Trung Quốc sang tìm mua gạo ở ĐBSCL

Đoàn doanh nghiệp Trung Quốc (DN TQ) chuyên kinh doanh lương thực thuộc Hiệp hội lương thực TQ đến làm việc, tìm cơ hội thương mại với các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Những ngày gần đây tại TP. Cần Thơ, đoàn doanh nghiệp Trung Quốc (DN TQ) chuyên kinh doanh lương thực thuộc Hiệp hội lương thực TQ đến làm việc, tìm cơ hội thương mại với các DN kinh doanh lúa gạo trong vùng.

Theo Sở Công thương Cần Thơ, hiện nay có 4 DN ở Cần Thơ được xuất khẩu gạo trực tiếp vào TQ. Trong thời gian tới số DN xuất khẩu gạo trực tiếp sang TQ có thể tăng lên, nhất là khi cơ hội kinh doanh tốt hơn.

Ông Đào Việt Anh, Tham tán thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng, trong năm 2018 xuất khẩu gạo sang TQ sẽ khó duy trì được đà tăng trưởng như năm trước là do từ 1/7 TQ có sự điều chỉnh chính sách tăng thuế nhập khẩu gạo. Bên cạnh đó gạo Việt Nam gặp cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu gạo vào TQ. Do đó để đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường này cần phải đảm bảo chất lượng gạo phù hợp với thỏa thuận về kiểm dịch đối với sản phẩm gạo nhập khẩu được ký kết giữa Việt Nam và TQ.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2018, TQ là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với trên 891.000 tấn, chiếm 26,8% thị phần xuất khẩu gạo.

1.jpg
Ảnh minh họa.

 

Giá cà phê bắt đầu phục hồi

Giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên ngày 10/8/2018 hồi phục, lấy lại 300 đồng về mức 34.500 – 35.200 đồng/kg (lúc 9h sáng ngày 10/8). Tại cảng TPHCM, cà phê robusta cộng 16 USD lên ở 1.561 USD/tấn (FOB).

Thị trường robusta thế giới tăng lên kéo thị trường cà phê trong nước về mức giá cũ trong phiên giao dịch trước. Cụ thể, giá thấp nhất ở 34.500 đồng/kg tại Lâm Đồng, và cao nhất ở 35.200 đồng/kg tại Đắk Lăk và Gia Lai. Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% tại cảng TP.HCM giao dịch ở mức 1.561 USD/tấn, trừ lùi 110 USD/tấn.

Căng thẳng thương mại leo thang khi Mỹ tăng mức thuế quan lên 25% trên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khiến giá cà phê suy sụp trong phiên trước nhưng đã nhanh chóng lấy lại đà tăng phiên hôm nay.

Trong năm mùa vụ 2017/18, sản lượng cà phê của Việt Nam dự báo đạt 29,5 triệu bao, tăng 15,5% so với năm trước. Trong khi đó, sản lượng tại Indonesia dự kiến giảm 5,1% xuống 10,9 triệu bao, vì hoạt động chăm sóc không tốt và một số hộ chuyển sang trồng cây khác.

Với nguồn cung gia tăng, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 2,58 triệu bao trong tháng 6, tăng so với mức 1,92 triệu bao tháng 6/2017, và tăng 19,4% lên 21,98 triệu bao trong 9 tháng đầu vụ 2017/18.

2.jpg
Thu hoạch cà phê. (Ảnh: Internet)

 

Đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản

Tại Hội nghị về phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “đặt hàng” ngành lâm nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu đến 2 con số từ năm 2019, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới.

Theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp đóng góp gần 16% vào GDP thì xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ chiếm đến 21% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp, đạt gần 8 tỷ USD trong năm qua.

Mức độ tăng trưởng bình quân của ngành gỗ qua 18 năm qua đạt 15% mỗi năm, cao hơn 5 lần so với tăng trưởng ngành nông nghiệp. Đặc biệt, chúng ta có trên 4.500 doanh nghiệp với hơn 350.000 lao động trong toàn ngành, tạo ra giá trị bình quân trên 23.000 USD/lao động.

Theo dự báo, năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng nhanh.

Từ các kết quả ban đầu đạt được của ngành gỗ, Thủ tướng đưa ra quan điểm, mục tiêu phát triển thời gian tới là phát triển bền vững, hiệu quả, hiện đại, hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, khu vực. Sử dụng nguyên liệu hợp pháp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực tốt, phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics tốt hơn nữa trong phát triển ngành gỗ.

Thủ tướng cho rằng, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới.

Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu cụ thể, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, năm 2019 đạt 10-11 tỷ USD, năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD. Tức là, con số mà Thủ tướng đưa ra cao hơn con số mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra, để sự đóng góp của ngành gỗ cao hơn, nhiều hơn. Và những con số này không phải viển vông mà theo Thủ tướng, “tôi đã nghe ý kiến của các doanh nhân, các hiệp hội, các địa phương, đều có nguyện vọng phát triển như thế”.

 

3.jpg
Chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Internet)

 

Thủ phủ cam xoàn mùa nghịch “hốt bạc”

Hiện, một số nhà vườn chuyên trồng cam xoàn ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đang bước vào thu hoạch cam xoàn mùa nghịch trúng đậm giá, rất phấn khởi.

Theo đó, những ngày qua, thương lái đến tận các vườn cam xoàn ở Lai Vung – một trong những vùng trồng cam xoàn lớn nhất miền Tây – để thu mua cam có giá từ 26.000 - 32.000 đồng/kg. Với giá bán này, nhà vườn lãi khoảng 80 triệu đồng/công cam.

Nhà vườn Nguyễn Thanh Phong (ngụ xã Tân Hòa, huyện Lai Vung), cho biết cam xoàn mùa nghịch rất khó xử lý, đòi hỏi nhà vườn phải có kinh nghiệm, kỹ thuật cao trong việc xử lý cho cây ra hoa và đậu trái.

"Mùa nghịch, cây cam cho trái ít, chăm sóc cực hơn nhưng bù lại giá cao hơn. Có khi, giá cao gấp đôi so với mùa thuận nên lợi nhuận sẽ cao hơn", ông Phong phấn khởi nói.

 

4.jpg
Đóng thùng cam xoàn đưa ra thị trường tiêu thụ.

 

Nhập khẩu gần 20.000 tấn thịt lợn giá rẻ

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, hết tháng 6/2018, cả nước nhập khẩu gần 19.600 tấn thịt lợn, tổng trị giá kim ngạch hơn 22 triệu USD. Như vậy, tính bình quân trị giá mỗi kg thịt lợn nhập khẩu là hơn 1,13 USD, tương đương khoảng 26.000 đồng/kg.

Hai thị trường chính cung cấp thịt lợn cho nước ta là Ba Lan và Tây Ban Nha. Trong đó, thị trường Ba Lan cung cấp 7.035 tấn, kim ngạch hơn 8 triệu USD; Tây Ban Nha là 4.460 tấn, kim ngạch gần 4,8 triệu USD.

Nghịch lý thịt lợn trong nước giá đang tăng cao, trong khi thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam với giá quá rẻ.

Trong khi cả năm 2017, nước ta nhập khẩu 33.115 tấn thịt lợn các loại với tổng trị giá kim ngạch gần 40,2 triệu USD.

Ba thị trường nhập khẩu chính là Ba Lan, Tây Ban Nha và Đức. Trong Ba Lan vẫn là thị trường nhập khẩu thịt lợn lớn nhất của Việt Nam với 10.029 tấn; Tây Ban Nha đức thứ 2 với 7.728 tấn.

Với giá rẻ của thịt lợn nhập, nhiều trang trại chăn nuôi lợn trong nước thêm lo lắng vì giá lợn trong nước đang ở mức rất cao.

Hiện nay giá lợn hơi tại thủ phủ chăn nuôi lợn Đồng Nai giá trên mức 50.000 đồng/kg, các tỉnh phía Bắc giá lợn hơi đã lên đỉnh 53.000 đồng/kg. Thịt lợn bán tại các chợ, siêu thị giá lên tới 110-180 ngàn đồng/kg tùy loại.

 

5.jpg
Ảnh minh họa.

 

"Chuẩn bị mọi kịch bản để tiêu thụ nhãn được thuận lợi"

Rút kinh nghiệm trong việc điều tiết tiêu thụ vụ vải thiều vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Bộ NNPTNT sẵn sàng chung sức, hỗ trợ với tỉnh Hưng Yên tiêu thụ nhãn thuận lợi. Đồng thời, lưu ý tỉnh Hưng Yên cần chuẩn bị mọi kịch bản cho việc tiêu thụ nhãn, trong đó đặc biệt là khâu phân phối, lưu thông, vận chuyển hàng hóa và thông tin truyền thông xuyên suốt đảm bảo tính chủ động, công khai và khách quan".

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết, năm nay Hưng Yên rất phấn khởi vì được mùa nhãn, sản lượng và năng suất dự kiến tăng 30%. Với diện tích khoảng 3.820ha chuẩn bị cho thu hoạch, sản lượng nhãn dự kiến năm 2018 của Hưng Yên đạt 41.000 - 42.000 tấn, cao hơn năm 2017 trên 10.000 tấn.

Theo tính toán của tỉnh Hưng Yên, khoảng 15-20 ngày tới mới bước vào vụ thu hoạch nhãn rộ. Đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn đến làm việc và đặt mua nhãn của Hưng Yên như Hapro, Big C, Sài Gòn Co.op mart, An Việt, VinEco, Doverco... với tổng sản lượng cam kết tiêu thụ 32.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Phóng cũng khẳng định: Trong thời gian tới đây, UBND tỉnh yêu cầu các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, chủ tịch các huyện trở xuống mỗi ngày cần dành ra 1-2 tiếng đồng hồ để suy nghĩ, tìm cách tiêu thụ và thậm chí cả đi "bán" nhãn cho nông dân, bởi đây là sản phẩm chủ lực của tỉnh nhà.

"Chính tôi cũng sẽ trực tiếp đi bán nhãn cho bà con bằng việc tranh thủ quảng bá, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, kêu gọi và kết nối các doanh nghiệp tăng cường thu mua nhãn trên địa bàn” – ông Phóng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến cáo, năm nay thời tiết mưa nhiều nên rất thuận lợi, vải và nhãn được mùa rất lớn nên từ thời điểm này đến khi thu hoạch bà con nông dân Hưng Yên không nên bón bất cứ loại phân nào nữa để tránh nứt vỏ gây xấu mã giảm giá trị.

6.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm quan vườn nhãn tại Hưng Yên. (Ảnh: PV)

 

Nghịch cảnh của cá tra và tôm

Cùng gặp khó về thị trường, song trong khi người nuôi cá tra vẫn có thể kỳ vọng vào lợi nhuận dù giá giảm, thì nông dân đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng chưa thể có lãi.

Giá cá tra nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 7 tiếp tục xu hướng giảm. Mức giá cao nhất hiện trong khoảng 25.000 – 27.000 đồng/kg (cá loại I) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, giảm khoảng 3.000 đồng so với tháng trước.

Giá cá giống nhích nhẹ so với tháng trước do ảnh hưởng thời tiết. Loại 30 con/kg hiện ở mức 25.000 – 30.000 đồng/kg.

Hiện các nhà nhập khẩu Trung Quốc tạm ngừng thu mua cá tra để tiêu thụ hết lượng hàng đã nhập trước đó. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp giảm thu mua cá nguyên liệu từ các hộ nuôi, dù đang trong giai đoạn thời tiết thuận lợi để thả đợt cá giống mới.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn dự báo giá cá tra từ nay đến cuối năm vẫn ở mức có lãi cho người nuôi.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp cho biết thị trường tôm nguyên liệu tại ĐBSCL diễn biến phức tạp trong tháng 7, với giá tôm sú tăng nhưng tôm thẻ chân trắng chững giá.

Tại Bạc Liêu, tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 30 - 40 dao động 170.000 - 190.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 50 khoảng 105.000 đồng/kg, cỡ 60 là 95.000 đồng/kg, cỡ 100 là 72.000 - 75.000 đồng/kg. Tại Sóc Trăng, Bến Tre, tôm thẻ chân trắng cỡ 50 là 113.000đồng/kg, cỡ 70 là 100.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg là 80.000 - 83.000 đồng/kg.

Dù có dấu hiệu phục hồi từ tháng trước, nhất là với tôm cỡ nhỏ, nhưng người nuôi thẻ chân trắng vẫn không có lãi bởi giá bán hiện tại tương đương giá thành sản xuất. So với cùng thời điểm năm 2017, giá tôm vẫn thấp hơn khoảng 20.000 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp, nguyên nhân là nhu cầu của thị trường Mỹ sụt giảm bởi tồn kho cao. Trong khi đó, Trung Quốc lại tăng cường kiểm soát tình trạng buôn lậu tôm, khiến tôm tiêu thụ qua đường tiểu ngạch gặp khó.

Tuy nhiên, giá tôm thẻ chân trắng qua tháng 8 hoặc tháng 9 sẽ tăng khoảng 20% so với tháng 6/2018, theo dự báo của cơ quan quản lý.

 

7.jpg
Ảnh minh họa./.

 

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm đạt khoảng 3.000ha, sản lượng khoảng 30 tấn/năm; đến năm 2035, trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Vừa qua, trong khuông khổ của Hội chợ Nông nghiệp Mekong Agri Expo 2024 ở Đồng Tháp, tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là một hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

  • Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước với khoảng 78.000 ha, với diện tích này, tỉnh có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2. Với giá bán khoảng 5 USD/tấn CO₂, có thể mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân trồng dừa nơi đây.

Top