KTNT - Mặc dù Công ty CP Thượng Long, Công ty TNHH Toàn Tâm tại xã Cao Xá (Lâm Thao - Phú Thọ) xin đăng ký kinh doanh bến bãi bốc xếp vật liệu xây dựng, trộn bê-tông nhưng lại tự ý xây dựng công trình, cửa hàng kiên cố quy mô lớn, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai. Đáng nói là, sự việc xảy ra từ lâu, nhưng chính quyền địa phương vẫn không hề có biện pháp xử lý dứt điểm.
>> Phú Thọ: Công trình không phép xâm phạm hành lang đê điều
Báo Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh từ người dân xã Cao Xá về việc chính quyền địa phương “bất lực” trước các sai phạm của Công ty CP Thượng Long và Công ty TNHH Toàn Tâm, khi mà 2 doanh nghiệp này ngang nhiên xây dựng không phép nhà xưởng, trụ sở công ty, đe dọa an toàn cho tuyến đê tả sông Thao.
Dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng Công ty CP Thượng Long đã tự ý xây dựng nhà xưởng kiên cố.
Người dân cho biết, trên giấy tờ đăng ký kinh doanh, Công ty CP Thượng Long xin đăng ký kinh doanh bến bãi bốc xếp vật liệu xây dựng, trộn bê-tông, đồng thời xin chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất gạch block không nung và ngói màu không nung. Mặc dù đã có hợp đồng thuê đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trong khi dự án chưa được chấp nhận chủ trương đầu tư thì công ty này đã tự ý xây móng nhà xưởng sản xuất gạch trái phép ở bên ngoài bãi sông, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều.
Cùng khu vực này, Công ty TNHH Toàn Tâm ngang nhiên xây dựng 1 dãy ki-ốt 2 tầng không có giấy phép, thách thức chính quyền và coi thường pháp luật.
Công trình vi phạm của Công ty TNHH Toàn Tâm.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Ngọc Hoành, Chủ tịch UBND xã Cao Xá, cho biết: Công ty CP Thượng Long được UBND tỉnh Phú Thọ giao đất 49 năm với mục đích để làm nơi tập kết vật liệu xây dựng và sản xuất gạch block không nung, ngói màu không nung, hiện tại UBND tỉnh mới chỉ chấp thuận về mặt chủ trương, chứ chưa chấp thuận cho công ty này xây dựng nhà xưởng và các trạm trộn bê tông. Ngoài ra, nằm gần với vị trí lô đất của Công ty CP Thượng Long là một cửa hàng được xây dựng hoành tráng, bề thế ngay sát đê tả sông Thao của Công ty TNHH Toàn Tâm.
Được biết, Hạt Quản lý đê Lâm Thao và TX. Phú Thọ đã 2 lần tổ chức kiểm tra và lập biên bản vào các ngày 13 và 30/7/2015.
Nội dung các biên bản này đều ghi rõ: “Tại Km 94+400 tuyến đê tả Thao thuộc xã Cao Xá, Công ty CP Thượng Long đã vi phạm khoản 5, Điều 7 của Luật Đê điều, xây dựng móng và cột nhà xưởng sản xuất gạch không nung ngoài bãi sông khi chưa có giấy phép của các cấp thẩm quyền”.
Cơ quan này cũng yêu cầu đình chỉ ngay vi phạm trên của Công ty CP Thượng Long, tạm dừng việc lắp dựng cột nhà xưởng và tháo dỡ những cột đã hoàn thành, tháo dỡ toàn bộ phần móng đã xây dựng, hoàn trả lại mặt bằng bãi sông nhằm đảm bảo hành lang bảo vệ đê, kè.
Đối với Công ty TNHH Toàn Tâm, tại Biên bản làm việc số 07/BBVP-QLĐ ngày 28/12/2016 của Hạt quản lý đê điều Lâm Thao, nêu rõ, Công ty Toàn Tâm xây dựng nhà xưởng ngoài bãi sông Tả Thao chưa có giấy phép của các cơ quan chức năng.
Nhà máy sản xuất gạch không nung xây dựng không phép.
Trong Biên bản lập vào ngày 13/7/2015, cơ quan chức năng cũng yêu cầu Công ty CP Thượng Long chấp hành xong trước ngày 15/7/2015. Tuy nhiên, đến nay, mọi hoạt động xâm hại đê điều vẫn diễn ra bình thường, như chưa hề có văn bản kiểm tra, làm việc nào của cơ quan chức năng?
Ghi nhận của phóng viên tại tuyến đê tả sông Thao ngày 18/4/2017, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này vẫn diễn ra rầm rộ. Các hạng mục vi phạm vẫn chưa được tháo dỡ theo quy định; trạm trộn bê tông, xưởng sản xuất gạch vẫn hoạt động hết công suất, xe ô tô tải vẫn nối đuôi nhau ra vào chở gạch, bê tông.
Xe ô tô tải nối đuôi nhau ra vào chở gạch, bê tông.
Sai phạm đã rõ, nhưng vì sao đến nay cơ quan chức năng huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm? Có hay không việc “chống lưng” để Công ty CP Thượng Long và Công ty TNHH Toàn Tâm coi thường luật pháp, ngang nhiên hoạt động nhiều năm qua.
Đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ vào cuộc xử lý dứt điểm các sai phạm của hai doanh nghiệp trên, xử lý nghiêm cán bộ đã buông lỏng quản lý, để sai phạm tồn tại nhiều năm qua, trả lại hành lang an toàn cho đê điều khi mùa mưa bão đang đến.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc
Thanh Xuân
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.