Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 12 năm 2016 | 8:0

Đội vốn “khủng”, phù điêu quảng trường Thái Nguyên chưa thể thi công

Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân tỉnh Thái Nguyên, nhằm tri ân, thể hiện lòng thành kính đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 6/6/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 1122/QĐ-UBND về việc đổi tên Quảng trường 20/8 TP.Thái Nguyên thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp.

>> Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

Phối cảnh tổng thể Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP. Thái Nguyên.

Ý nghĩa lịch sử

Để xây dựng quảng trường thành công trình văn hóa tiêu biểu, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc cảnh quan cho quảng trường này vào quý 3/2014.

Kết quả, Hội đồng đã chọn phương án phù hợp trong các phương án dự thi trình Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên quyết định công bố và lấy ý kiến nhân dân.

Sau khi có phương án kiến trúc phù hợp, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Quảng trường Võ Nguyên Giáp tại TP.Thái Nguyên (Quyết định số 2386/QĐ-UBND ngày 24/10/2014). Theo đó, về quy mô của phù điêu: Bố trí hai bên lễ đài, nền phù điêu diện tích khoảng 600m2 x2=1.200m2, có độ giật cấp 0,3m x 0,6m và 0,9m, xây tường phù điêu kích thước 1,5m (rộng) x 35,2m (dài), cao từ 6,2m đến 8,6m. Quyết định cũng nêu rõ: “Nội dung của phù điêu theo thiết kế của mỹ thuật được lập dự án riêng”.

Quyết định phê duyệt Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự toán công trình Quảng trường Võ Nguyên Giáp của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Tại Quyết định số 1785/QĐ-UBND ngày 21/7/2015 về phê duyệt Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự toán công trình Quảng trường Võ Nguyên Giáp có nêu: “Diện tích của nền phù điêu là 2x600m2=1.200m2; có cao độ 0,3m, 0,6m và 0,9m so với nền sân. Nền phù điêu được xây bo bằng gạch loại A75 dày 330mm ốp đá tự nhiên tạo lan can; tường phù điêu gồm 2 bức phù điêu hình trang sách”.

Là đơn vị được giao tham mưu xây dựng nội dung của phù điêu, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2067/QĐ-UBND ngày 13/11/2014 về thi sáng tác mẫu phác thảo phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Theo đó, kích thước phù điêu vẫn đảm bảo như nhà kiến trúc đưa ra: có 2 tấm x 2 mặt/tấm, chiều dài 36m và chiều cao từ 3m đến 4,5m.

Tiếp đó, ngày 27/12/2014 UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 3093/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Tại Quyết định này kích thước của phù điêu cũng được ấn định “2 tấm x2 mặt/tấm (dự kiến chiều dài 36m x3m chiều cao mỗi tấm).

Quyết định phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP Thái Nguyên. 

Đâu là nguyên nhân?

Quyết định số 3093/QĐ-UBND cũng nói rõ: “Vị trí lắp đặt: Phía trước 2 bên cánh gà của sân khấu chính (theo Hồ sơ thiết kế Quảng trường Võ Nguyên Giáp đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt)”. Như vậy đã rõ: Kích thước phù điêu trong tổng thể cảnh quan quảng trường là bất biến, việc còn lại của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên là tham mưu nội dung phù hợp mà thôi.

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, một phù điêu “mới” với kích thước hoàn toàn khác đã được các nhà thiết kế mỹ thuật đề xuất để thay thế phương án ban đầu có chiều dài đến 40m và chiều cao hơn 12m. Ngay lập tức, nhiều ý kiến phản biện đã được đưa ra và đơn vị được giao tham mưu xây dựng nội dung là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã phải “lùi” chiều dài của phù điêu từ 40m xuống còn 36m nhưng vẫn giữ nguyên chiều cao 12m.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên trình UBND tỉnh về việc tạm dừng thi công một số hạng mục liền kề với công trình phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên; Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tư vấn kiến trúc TAC, cho rằng: Kích thước của phù điêu trong 3 phương án tác giả đề xuất có kích thước lớn so với quy mô chung của quảng trường, khó đảm bảo tính thẩm mỹ. Tại quảng trường dự kiến sẽ đắp giả sơn (chiều cao tối đa là 10m), do vậy khó quan sát phù điêu khi đứng từ phía bờ sông Cầu.

Đồng quan điểm, ông Lưu Thành Danh (thành viên Hội đồng nghệ thuật chấm mẫu phác thảo phù điêu quảng trường Võ Nguyên Giáp) cho rằng, chiều cao của phù điêu dự kiến 12m là quá cao, nên điều chỉnh cho phù hợp.

Có ý kiến cho rằng: Sở dĩ có việc cố tình thay đổi chiều cao, kích thước của phù điêu là nhằm “đội” giá thành cho công trình này lên gấp đôi, theo dự kiến vào khoảng 80 tỷ đồng.

Khảo sát của PV tại hiện trường thấy: Đến thời điểm này, hầu hết các hạng mục đủ điều kiện đã được nhà thầu thi công xong hoặc gần xong như: Cột cờ, sân khấu trung tâm, sân quảng trường, hệ thống thoát nước…

Theo kế hoạch, các hạng mục sẽ được nhà thầu hoàn thành vào cuối tháng 12 này. Tuy nhiên, các hạng mục như đổ bê tông, ốp đá 2 phù điêu; sân hai bên lễ đài, nền phù điêu; hòn giả sơn; đắp đất non bộ; vườn hoa hai bên sân khấu lễ đài trung tâm; vỉa hè đường dạo khu trung tâm và thảm mặt đường tuyến N1 chưa biết đến khi nào có thể thi công tiếp.

Phải chăng việc nâng vốn “khủng” là lý do chính khiến công trình này không về đích đúng hẹn khi mà Ngày kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và Tết Nguyên đán đã cận kề?

Đình Tùng

 

ọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top