Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 11 năm 2016 | 2:41

Dồn điền đổi thửa ở Mộ Đạo: Thành công từ sự đồng thuận

Dồn điền đổi thửa (DĐĐT), chỉnh trang đồng ruộng được xem là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân, là tiền đề để đưa cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ tích cực đi đầu trong việc DĐĐT, xã Mộ Đạo (Quế Võ - Bắc Ninh) đã có những đổi thay tích cực.

Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Nhận thức được những lợi ích nếu thực hiện DĐĐT, năm 2003, Mộ Đạo đã xây dựng đề án. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Công Kiên (khi đó là Phó chủ tịch) là chủ đề án. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ và nhân dân, đến năm 2005, đề án DĐĐT được thực hiện thí điểm tại thôn Trúc Ổ với diện tích hơn 400 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2). Trong quá trình thực hiện, có ba phương án được đưa ra: Dân tự đổi cho nhau; tập thể đứng ra làm trọng tài; giũ rối toàn bộ đồng ruộng. Có đến 65% người dân được hỏi nhất trí áp dụng phương án thứ ba, giũ rối toàn bộ để cải tạo ruộng đất; 35% còn lại lấy ý kiến tiếp. Các tổ chức đoàn thể (Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...) tích cực vào cuộc, lấy ý kiến. Lãnh đạo xã lắng nghe những khúc mắc, tâm tư, nguyện vọng của bà con cũng như giải thích kịp thời để người dân hiểu lợi ích của quá trình DĐĐT mang lại. Qua thời gian, người dân cũng hiểu được tiện ích của việc sản xuất ở những khu đồng lớn nên nhiệt tình hưởng ứng.

Ông Nguyễn Công Kiên, Chủ tịch UBND xã Mộ Đạo, cho biết: Ngay từ khi bắt đầu triển khai, Ban chỉ đạo DĐĐT của xã đặc biệt coi trọng công tác thu thập hồ sơ, tài liệu, hồ sơ đất nông nghiệp theo từng thôn xóm, từ đó nghiên cứu xây dựng phương án DĐĐT một cách chi tiết, tính toán điều chuyển đất đai giữa các xóm sao cho hợp lý nhất. Đồng thời, trong quá trình DĐĐT kết hợp với quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, đảm bảo các thửa ruộng đều tiếp giáp với đường giao thông và mương để tiện lợi cho việc tưới tiêu, vận chuyển.

Nhờ cách làm sâu sát, khoa học này, ngay trong vụ đầu tiên sau dồn đổi, lợi ích của việc DĐĐT đã thấy rõ. Bà Trần Thị Dung, một người dân trong xã, tâm sự: “Gia đình tôi trước đây có nhiều mảnh ruộng nhỏ ở các xứ đồng khác nhau, mỗi khi đến vụ mất rất nhiều thời gian chăm sóc, thu hoạch do phải di chuyển nhiều nơi. Ruộng nhỏ còn khó khăn trong việc thuê máy móc làm đất, gặt. Khi xã có chủ trương DĐĐT, gia đình mạnh dạn nhận khu đồng trũng để làm mô hình kinh tế tổng hợp, đến nay đã phát huy hiệu quả rõ rệt”.

Nhờ những kết quả mang lại từ DĐĐT, Mộ Đạo đã vinh dự được đón nhiều đoàn tham quan, tìm hiểu cách làm của xã. Trong đó có những đoàn rất đặc biệt như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt và nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Huy Ngọ.

Nhờ DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng, những con đường giao thông nội đồng được mở rộng nên việc đi lại của nông dân xã Mộ Đạo dễ dàng hơn trước nhiều. Ông Nguyễn Đức Luận, thôn Trúc Ổ phấn khởi cho biết: “Giờ chúng tôi đi làm đồng thuận tiện lắm, xe máy, ô tô có thể ra tận chân ruộng. Sau khi dồn ruộng, gia đình tôi chỉ còn 5 thửa chứ không phải 15 thửa như trước đây, việc canh tác dễ dàng hơn nhiều”.

Việc chỉnh trang đồng ruộng và DĐĐT ở Mộ Đạo đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tiếp tục thực hiện đề án cánh đồng mẫu lớn. Các HTX đã mạnh dạn chủ động liên doanh, liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương đưa các giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; chủ động nguồn giống và cung ứng cho nhân dân trên 6,5 tấn thóc giống các loại và cung cấp giống cho các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang…, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Nguyễn Sơn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top