Kinh tế nông thôn nhận được đơn kêu cứu của bà Phạm Thị Thanh Trinh. Trong đơn, bà Trinh thay mặt cho nhiều hộ nông dân bày tỏ nỗi niềm và sự bất lực khi nhà kho lưu trữ hàng của nông dân đã bị cưỡng chế trong khi nhiều vấn đề chưa được làm rõ.
Tôi tên là Phạm Thị Thanh Trinh, sinh năm 1980, CMND số 240624002 do Công an tỉnh Đắk Lắk cấp, đang làm việc tại Công ty cổ phần KADO Việt Nam trụ sở tại 827 Quốc Lộ 13, P.Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức TPHCM – trực thuộc Liên Minh Dakado – Dak Lak.
Tôi lớn lên ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, những ngày tuổi thơ cơ cực của tôi lội bùn đất đỏ, đi học về nhà cùng phụ giúp ba mẹ làm việc rẫy vườn, trồng bơ, trồng hồ tiêu ở Đắk Lắk. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cùng với việc tiêu thụ nông sản do gia đình tôi sản xuất ra, ba mẹ tôi đã giúp những hộ xung quanh có thị trường tiêu thụ nông sản dựa trên sự gắn kết tiêu thụ nông sản của bà con trong vùng, dù còn nhiều gian nan, vất vả.
Hiểu được sự cơ cực của cha mẹ và các cô chú nông dân quê tôi cần tìm ra lối đi đúng hướng để phát triển cuộc sống, tôi luôn cố gắng học hành, học đại học xong, tôi xin được việc làm và học Thạc sỹ ở Đại học Ngoại thương TPHCM, may mắn đi làm trong những doanh nghiệp lớn thành công điển hình trong ngành chế biến nông sản Việt, sự thành công từ nỗ lực của những người thầy lớn lãnh đạo trong công ty của tôi từng làm việc là cô Mai Kiều Liên (Vinamilk), chú Trần Quý Thanh (Tân Hiệp Phát)... Họ đã truyền lửa cho tôi rất nhiều trên con đường chọn lối riêng để phát triển nông sản quê tôi.
May mắn đến với chúng tôi, khi gặp được Dự án Phát triển Chuỗi giá trị bơ Đăk Lăk năm 2006. Với sự chủ trì của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, cùng nguồn tài trợ ngân sách bởi tổ chức GTZ và Công ty Fresh Studio (Hà Lan) tư vấn phát triển thương hiệu, gia đình tôi đã nâng giá trị trái bơ Đắk Lắk với thương hiệu Dakado liên kết với 300 nông hộ sản xuất ban đầu đáp ứng yêu cầu của thị trường, năm 2010 chúng tôi thành lập Liên minh Dakado theo chủ trương nhà nước cùng sự tài trợ 40% nguồn vốn, tương đương 3,6 tỷ đồng của Ngân hàng Thế giới, chúng tôi mở rộng liên kết ra 1.000 nông hộ, sản phẩm nông sản từ quả và hạt của chúng tôi có mặt ở hầu hết các siêu thị trong cả nước như Coopmart, Vinmart, Mega Market, Big C, Aeon, Emart,... và xuất qua các siêu thị, nhà phân phối nước ngoài.
Ngày nay chúng tôi mở rộng thêm mô hình trồng xen bơ, mắc ca trong các vườn hồ tiêu hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, áp dụng thêm công nghệ máy móc để sản xuất các loại hạt sấy, sữa hạt, thanh dinh dưỡng từ hạt,... Để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, chúng tôi mở thêm trạm trung chuyển hàng hóa và xưởng sản xuất khu vực TPHCM đặt tại 827 Quốc Lộ 13, P.Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, TPHCM trên mảnh đất chúng tôi hoạt động từ năm 2015 và nhận chuyển nhượng 500m2 đất thổ cư đã có sẵn nhà đã xây dựng từ năm 2011. Trên tổng khu đất 4.870m2 này đã có 200m2 đất thổ cư và cần chuyển thêm 300m2 từ đất vườn qua thổ cư. Đơn xin chuyển thổ cư của chúng tôi nộp ngày chuyển nhượng đất 28/11/2017 đã được UBND quận Thủ Đức thông báo phê duyệt số 802/TB-UBND ngày 30/10/2018, và dựa vào đó xác định rõ nhà đất bán cho gia đình tôi từ năm 2017 và căn nhà trên đất tạo lập từ năm 2011 (có hóa đơn tiền điện) được phép tồn tại theo Nghị định 139/2017-NĐ-CP do Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 27/11/2017.
Nhưng đau đớn thay, mọi việc đang đi vào ngõ cụt bế tắc từ khu nhà đất này. Tháng 6/2019, đối diện khu đất này có dự án thành lập Depot khu nhà ga tuyến Metro 3B, giá đất lên gấp nhiều lần năm 2017, nên bi kịch gia đình tôi xảy ra từ đó. Chủ đất cũ tự làm việc với UBND phường Hiệp Bình Phước cho rằng gia đình tôi làm nhà vào tháng 4/2019 và UBND phường ra thông báo tháo dỡ nhà kho tôi mua lại trên đất vào năm 2017 theo yêu cầu của chủ đất cũ mà không mời tôi đến làm việc hay cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc ngôi nhà và UBND P.Hiệp Bình Phước còn cung cấp bản gốc thông báo này cho chủ đất cũ đi khởi kiện gia đình tôi và 2 căn nhà bên cạnh để đòi lại nhà đất đã bán và đã giao nhà đất cho chúng tôi.
Khi nhận được thông báo tháo dỡ sai trái của UBND phường, chúng tôi liên tục khiếu nại, tố cáo, kiến nghị gửi đến các cấp chính quyền, nhưng không ai xem xét phản hồi. UBND phường Hiệp Bình Phước và chủ đất cũ tiếp tục làm nhiều hồ sơ khống sai sự thật và UBND quận Thủ Đức dựa vào đó đã ra quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế tháo dỡ nhà tôi. Chúng tôi khiếu nại quyết định đến UBND quận Thủ Đức vào tháng 1/2020 nhưng không ai giải quyết, đến tháng 3/2020 tôi khiếu nại lên UBND TP HCM nhưng cũng không thấy ai can thiệp giúp đỡ chúng tôi.
Và bi kịch giáng xuống đầu gia đình tôi và 1.000 nông hộ liên kết trong Liên Minh Dakado, khi ngày 22/5/2020, UBND quận Thủ Đức gửi Quyết định cưỡng chế đến nhà tôi và thi hành cưỡng chế ngay lập tức vào ngày 2/6/2020, sau 10 ngày nhận quyết định, mặc cho gia đình chúng tôi và tập thể cán bộ nhân viên công ty làm đơn khiếu nại khẩn cấp đến các cơ quan nhà nước tạm hoãn thi hành để làm rõ các vấn đề trong vụ việc và sau khi sự việc rõ ràng chúng tôi xin chấp hành ngay dựa trên kết luận của cơ quan chức năng.
Nhưng lời kêu cứu đến Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, UBND TPHCM, Tòa án nhân dân các cấp xin hoãn thi hành quyết định đều không được chấp thuận. Ngày 2/6/2020, công ty bị đập phá toang hoang và thu giữ toàn bộ đồ đạc, họ không cho nhân viên công ty lại gần bằng giải phân cách, sau khi phá dỡ mọi thứ kể cả tường rào, họ lấy tất cả đồ đạc mang đi, cắt điện luôn khu nhà văn phòng đang hoạt động.
Nhìn cảnh toang hoang của nhà kho, nông sản đổ bỏ vương vãi khắp nơi, máy móc thiết bị bị thu giữ chở hết về phường dù chúng tôi xin giữ lại cũng bị bác bỏ, nhà vệ sinh cũng bị đập nát, hàng rào bị tháo dỡ với lời tuyên bố của chủ đất cũ và cán bộ thi hành tháo dỡ là đập hết phá hết để khỏi tách sổ được, theo quy định đất có nhà là 50m2 được cấp sổ và không có nhà là 1.000m2 mới được cấp sổ để vô hiệu biên bản thỏa thuận chuyển nhượng 500m2 đất thổ cư đã bán. Theo tôi được biết là vào ngày 10/12/2019, phía bà Mai Thị Lời đã ra phòng Công chứng số 3 Thủ Đức, TP.HCM để ký hợp đồng chuyển nhượng phần đất luôn phần đã bán và giao nhà đất cho tôi, số công chứng 32828 để chuyển nhượng phần đất như trên cho bên nhận chuyển nhượng là ông Phạm Nhật Tân, sinh năm 1995, CMND số: 312235074, địa chỉ 23/1, P. Linh Đông, Quận Thủ Đức, Tp.HCM và ông Nguyễn Quang Vinh, sinh năm 1989, CMND số: 024149353, địa chỉ 72A, Khổng Tử, KP1, P. Hiệp Phú, Thủ Đức Đức, Tp.HCM. Chúng tôi đã trình báo công an sự việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đứng giữa mảnh đất và căn nhà kho bị đập phá toang hoang, cảnh hoang tàn khiến tôi ngã quỵ, không biết bám víu vào đâu nữa. Tôi đã gõ cửa kêu cứu tất cả các nơi nhưng bị bưng bít nên không ai giải quyết khiếu nại cho chúng tôi một cách công tâm đúng đắn? Nông sản bơ, mắc ca đang mùa thu hoạch bị bỏ chỏng chơ khắp nơi vì nhà kho lưu trữ bị đập phá, doanh nghiệp bị dừng hoạt động, thiệt hại ban đầu từ việc đập phá sai quy định pháp luật ước tính lên đến 20 tỷ đồng.
Chúng tôi tuyệt vọng và biết kêu cứu ở đâu nữa? Niềm tin vào công lý bị xóa dần... Cuộc sống của gia đình tôi và 1.000 hộ dân đang bị dập tắt. Tôi chỉ còn biết viết tiếp thư này xin nhờ các báo đài và các cơ quan ngôn luận, các cán bộ công chức công tâm ở cơ quan chức năng của TPHCM và Trung ương xin hãy cứu giúp chúng tôi, vào cuộc làm rõ sự việc để giúp đỡ gia đình tôi, giúp đỡ công ty, giúp đỡ người nông dân yếu thế, giúp đỡ chuỗi nông sản Liên Minh Dakado không bị dập tắt giữa chừng vì công lý bị che lấp giữa thế kỷ 21 này.
Bao nhiêu năm qua, nhà nước luôn có nhiều chính sách để giúp đỡ người dân và doanh nghiệp. Hay nói đúng hơn là nhà nước luôn làm tất cả vì người dân. Chúng tôi là những người dân luôn đề cao thượng tôn pháp luật, luôn cố gắng sống và làm việc để cải thiện đời sống. Nhưng sau sự việc nêu trên, chúng tôi đã cạn dần niềm tin. Cách hành xử của chính quyền phường Hiệp Bình Phước và quận Thủ Đức là đẩy người dân vào bước đường cùng, chúng tôi không còn biết bấu víu vào ai. Chính quyền vì dân mà hành động một cách như vậy sao? Nếu chúng tôi sai, chúng tôi chấp nhận. Nhưng đằng này, với những chứng cứ rất mơ hồ mà chính quyền đã thẳng tay triệt hạ cuộc sống của bao nhiêu người dân, niềm tin của người dân vào chính quyền đã cạn. Không lẽ chính quyền bỏ mặc lợi ích của người dân một cách vô cảm như vậy?
Để có được những nông sản đến mùa thu hoạch, người dân chúng tôi đã phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Chúng tôi háo hức chờ nông sản được tiêu thụ sau bao ngày lao động vất vả. Vậy nhưng những hy vọng của chúng tôi đã bị đánh sập không thương tiếc. Để có được những nông sản đến ngày đem đi tiêu thụ là cả một quá trình phấn đấu bằng mồ hôi, nước mắt và máu. Trong chiến tranh giải phóng đất nước, đã có biết bao người phải khóc vì mất đi người thân. Nhưng ngay trong thời bình này, chúng tôi phải khóc trọng nghẹn ngào, uất nghẹn bởi sự chèn ép. Đó là điều khiến chúng tôi đau đớn tột cùng. Chúng tôi là những người làm ăn tử tế, bỏ sức lao động để mưu sinh. Không lẽ trong xã hội bây giờ làm người tốt và làm ăn tử tế cũng khó thế sao…?
Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý cơ quan!
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 6 năm 2020
Đại diện 1000 hộ nông dân từ Liên Minh Dakado Dak Lak
Phạm Thị Thanh Trinh
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.